Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Miền đất áo xanh

Tạp Chí Giáo Dục

Không có những khu resort, không có những quần thể danh thắng thuộc di sản văn hoá, cũng không phải là nơi có thể nghỉ ngơi biệt lập trong thời gian dài, nhưng Cao Bằng nằm chót vót phía đông bắc chứa đựng những phong cảnh hoang dã, bảo tồn các phong tục cổ xưa và là nơi xứng đáng để lữ khách thử thách sức chịu đựng của mình.
Khi đến Cao Bằng, điều đó đồng nghĩa với việc tìm về miền đất khắc nghiệt của những cánh rừng nhiệt đới hoang vu, nơi thiếu vắng mọi tiện nghi sinh hoạt quen thuộc và là nơi rất khó tìm được người có đủ khả năng truyền tải ý muốn của bạn từ tiếng Anh, Pháp thành tiếng bản địa. Song cũng chính vì thế mà Cao Bằng mang sắc thái huyền bí của miền đất biệt lập trên vùng núi cao.
Nếp sống bình dị trong không gian hoang sơ Ảnh: Thai A
Theo quốc lộ 3, lữ khách sẽ từ Hà Nội đi xuyên qua các tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn để lên với thế giới rừng già. Những cửa ải để vượt qua ở đây đã đi vào huyền thoại trong giới lái xe đường dài. Các tên đèo Gió, Giàng, Cao Bắc đã từng là nỗi khiếp đảm với bất kỳ ai khi ngồi trước vô lăng bởi độ dốc và những khúc cua chóng mặt. Không có trạm cảnh sát giao thông, chỉ có những lán trại của công nhân tu sửa đường. Không có những hàng xe dài nối đuôi nhau, chỉ có những đàn bò chậm rãi dạo bước. Trên con đường này, thần kinh của lữ khách vừa bị khủng bố bởi vực sâu hút và khúc quanh trên cao độ 1.000m so với mặt biển, vừa được xoa dịu bởi khung cảnh vắng lặng.
Từ thị xã Cao Bằng, toả ra các nhánh xung quanh cũng đều là những con đường chưa bao giờ bắt gặp dưới đồng bằng, trải đá dài hàng trăm cây số nối vào các huyện xa, là những con đường đã bị bỏ hoang và chỉ in lờ mờ dấu bánh xe trên rêu. Song cũng chính vì thế mà lữ khách có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp của các bản làng người dân tộc chưa hề bị bêtông hoá, có cơ hội đặt chân lên những chiếc cầu treo rung rinh trên vực và chụp những chiếc mảng tre trôi dọc sông Năng, sông Gâm. Trên miền Cao Bằng – Hà Giang, việc kết các cây tre lại thành tấm mảng phẳng và người điều khiển đứng trên đó dùng cây gậy dài điều khiển là phương thức vận chuyển độc đáo.
Trên những cung đường lặng lẽ của Cao Bằng, lữ khách sẽ bắt gặp vô số các bản làng nhỏ của 26 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, H’mông…, trong đó chiếm 43,86% là người Tày. Đây là một dân tộc có phong tục tập quán độc đáo, mang bản sắc riêng và ít chịu ảnh hưởng từ những làn sóng văn hoá bên ngoài. Một trong những nét độc đáo nhất của cuộc sống Cao Bằng dường như chính là những tà áo xanh của người phụ nữ và bức tường đất vàng sẫm rải rác suốt dọc đường đi.
Trẻ em vùng cao Ảnh: Thai A
Xưa kia, mỗi người con gái từ nhỏ đã được cha mẹ dành riêng một thửa ruộng để tự tay trồng bông. Việc trồng bông, xe sợi, dệt vải là nghĩa vụ bắt buộc để cô gái có thể về nhà chồng, và sắc áo chàm (màu tím than ngả đen) là màu truyền thống. Cùng với sắc chàm, chiếc khăn mỏ quạ được buộc trên mái tóc là đặc trưng để phân biệt phụ nữ trên Cao Bằng với các miền khác.
Không rõ từ bao giờ, sắc màu quen thuộc của những người phụ nữ Tày, Nùng đã chuyển từ chàm sang màu xanh. Màu xanh rất được ưa chuộng trong sắc phục ngày thường, và ngay cả những cô bé chỉ mới 5 – 6 tuổi cũng đã ưa thích bộ trang phục xanh, buộc khăn trên đầu và chân đi giày bata. Bất kỳ ai khi đã lên Cao Bằng đều có chung ấn tượng về những cô bé mang đôi mắt trong veo. Nếu như những đứa bé gái buộc khăn, trang nghiêm như những cụ già thì người lớn tuổi lại mang nét hồn nhiên, ngây thơ như đứa trẻ. Đôi mắt xếch lá răm, dáng đi thướt tha và tấm lưng thon là đặc trưng của phụ nữ ở đây. Song rất khó để có thể chụp lại nét hồn nhiên trên khuôn mặt phụ nữ Cao Bằng, bởi ngay cả trong thị xã, bọn trẻ cũng bỏ chạy tán loạn mỗi khi nhìn thấy ống kính chĩa vào. Còn trên những con đường cheo leo, tại các huyện miền núi xa xôi, đôi khi sự xuất hiện của một người khách ngoại quốc trong các bản làng xa quả là sự kiện đáng để cư dân bàn tán cho tới vài tháng sau đó. Đám thanh niên thường trầm tĩnh hơn, và nếu ai định làm quen, nên hút cùng họ điếu thuốc và uống bát rượu ngô, thứ rượu “táp nả” trong veo cất bằng nguồn nước suối miền cao. Uống rượu trên Cao Bằng cũng như nhiều vùng núi cao khác, chẳng có hy vọng gì đứng dậy nếu chưa say khướt. Mỗi người một bát, tay vòng qua tay ngoắc chéo, và thế là cạn ly. Không thể đổ rượu xuống gầm bàn, không thể nhấp môi lấy lệ – đã ngồi cùng nhau là phải say cho tới khi rời miền núi vẫn còn nhớ về Cao Bằng.
Bài và ảnh Thái A / SGTT

Bình luận (0)