Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt – Lào ký kết vào năm 1977, lấy dòng Sê Pôn phân chia ranh giới hai nước Việt – Lào. Con sông Sê Pôn, đoạn chảy qua địa phận hai huyện Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị dài 206km, xuyên suốt giữa 23 cặp bản Việt – Lào kết nghĩa trở thành biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Kể từ thời điểm ra đời các cặp bản kết nghĩa, dải biên giới hai bờ sông được nhân dân hai nước gọi với cái tên đầy ý nghĩa: Miền đất ghép đôi!

Về nơi khởi nguồn của dòng Sê Pôn
Sông Sê Pôn bắt nguồn từ Muang Samoyoy, nước bạn Lào, lúc thì lặng lẽ băng qua ghềnh thác, lúc thì cuộn chảy giữa đại ngàn Trường Sơn. Trước khi bất ngờ đổi hướng quay ngược trở lại với “sông mẹ” Mê Kông, Sê Pôn đã kịp trở thành dòng sông biên giới chảy qua 11 xã, thị trấn của huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam). Dòng sông này vừa là huyết mạch giao thông đường thủy, vừa là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt quan trọng đối người dân đôi bờ của huyện Hướng Hóa và huyện Mường Nòng, tỉnh Savannakhet, tỉnh Salavan (Lào). Từ trước đến nay, người dân hai bên sông vẫn thường dùng thuyền để đi lại, để vận chuyển hàng hóa và giao thương. Mỗi khi chiều về người dân đôi bờ lại cùng nhau chia sẻ dòng nước mát lành từ dòng Sê Pôn.
Tôi tìm đến nơi vùng đất cuối cùng về phía Tây Nam của xã A Dơi – nơi dòng suối Ca Long từ A Dơi đổ vào Sê Pôn, chính thức đánh dấu vị trí ngã ba nơi con sông Sê Pôn chảy vào đất Việt. “Nơi này, mùa nước cạn, bà con hai bên có thể lội sang thăm nhau, dự lễ hội, ăn mừng lúa mới. Nhiều người dân xã A Dơi có bà con thân tộc bên kia. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau mỗi khi tối lửa, tắt đèn. Mối quan hệ thân thuộc sâu đậm đó là điểm tựa vững chắc để bảo vệ bình yên cho vùng biên giới”, Đại tá Nguyễn Nam Trung – Chủ nhiệm Chính trị – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị nói.

Ông Hồ Phúc Yên, nguyên là cán bộ xã A Dơi chia sẻ, trong chiến tranh người Việt Nam ở Hướng Hóa phải tạm lánh qua đất bạn Lào để tránh bom đạn, xây dựng hậu phương để đánh giặc, mượn đất mở đường để vượt Trường Sơn đi giải phóng miền Nam. Hòa bình người dân đôi bờ Sê Pôn lại cùng nhau xây dựng cuộc sống bình yên. Trên vùng đất nơi con sông Sê Pôn chảy vào đất Việt, trong ký ức của nhiều người, một thời chưa xa đây là vùng đất hoang vu, là xứ sở của muông thú và cây rừng. Chính giọt mồ hôi của con người hòa quyện cùng phù sa từ dòng Sê Pôn, cuộc sống mới đã đơm hoa kết trái, cái đói không còn ám ảnh mỗi nếp nhà, con trẻ mỗi sớm mai đến trường học chữ để biến ước mơ thành hiện thực…
Đặt chân lên mảnh đất bản Ka Túp Mã Hạt (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào), bản kết nghĩa bản – bản với khóm Ka Túp, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa cứ ngỡ đang đứng trên đất Việt với những con người hồn hậu, thân quen. Ông Sulinha, Trưởng cụm bản Ka Túp Mã Hạt nói: “Cụm bản Ka Túp Mã Hạt có khoảng 2.400 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống nhờ nương rẫy, trồng trọt. Trước kia, dân trong cụm chỉ trồng lúa, thu nhập rất thấp. Từ năm 2009, được bà con bên bản Ka Túp Việt giúp đỡ về giống chuối, rồi bao tiêu sản phẩm nên đời sống bà con khấm khá lên trông thấy. Bà con ai cũng vui cái bụng”.
Sẻ nửa khó khăn, nhân đôi nghĩa tình
Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt – Lào ký kết vào năm 1977, lấy dòng Sê Pôn phân chia ranh giới hai nước Việt – Lào. Tuy lấy dòng sông làm ranh giới nhưng nghĩa tình bà con đôi bên luôn gắn kết. Sự gắn kết bản – bản không chỉ là “chìa khóa” bảo vệ biên cương mà còn giúp nhau phát triển kinh tế. Chủ trương ấy đã giúp đời sống của nhân dân ở các cặp bản kết nghĩa đã đổi thay nhiều. Đặc biệt nhân dân 4 bản kết nghĩa: Ổi, Đenvilay, Pa Riềng, Pa Lọ Cô của nước bạn Lào được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bản kết nghĩa phía Việt Nam từ giống cây trồng, vật nuôi rồi bao tiêu tiêu thụ sản phẩm nông sản nên đã dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, tiếp cận phương thức phát triển kinh tế có giá trị cao.

Tháng tư, nghe âm vang trên dòng Sê Pôn về cuộc viễn chinh Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của quân đội ta cùng với quân và dân Lào một thời đánh tan chiến dịch Việt Nam hóa của Mỹ – ngụy, còn gọi là Chiến dịch Lam Sơn 719, hay Đường 9 – Nam Lào vẫn còn đó. Tình yêu mang tên Sê Pôn vang lên trên miền đất ghép đôi! |
Người dân bản Đenvilay (Lào) nhớ mãi, từ ngày kết nghĩa với bản A Ho (xã Thanh, huyện Hướng Hóa), trước mỗi mùa gieo hạt, trỉa cây, bà con bản A Ho lại gùi, gánh cây, con giống sang bản bạn… Sự sẻ chia ấy đã tạo nên những chuyển biến lớn trong tư duy làm ăn, xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ dân. Bây giờ, nhiều gia đình ở bản Đenvilay có thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng từ sắn, chuối.
Không chỉ vậy, bà con các cặp bản kết nghĩa còn có nhau trong từng khó khăn, hoạn nạn. Trận hỏa hoạn năm 2009, gần 20 nóc nhà của bà con bản Ổi chốc lát biến thành tro. Nhiều người đêm phải vạ vật bên gốc cây, trẻ con nheo nhóc đói rét. Tưởng khó lòng vực lại. Hai ngày sau, bà con cảm động rơi nước mắt khi nhìn thấy người dân bản Ra Man mang theo cưa, đục, gạo, sắn… đến hỗ trợ dựng lại nhà cửa.
Cũng cách đây chưa lâu để giúp người dân, nhất là phụ nữ các bản Ổi, Đenvilay, Pa Riềng, Pa Lọ Cô (huyện Mường Noòng, Savannakhet) biết tiếng Việt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi sang Việt Nam trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh… những người lính biên phòng đã cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị phối hợp mở lớp học tiếng Việt ngay trên đất Lào.
Việc kết nghĩa giữa các cặp bản Việt – Lào là minh chứng sinh động cho mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa nhân dân hai nước, thể hiện sức sống kỳ diệu cả trong chiến đấu và trong thời kỳ xây dựng đất nước. Hiệu quả của hoạt động này đã đề ra các chủ trương đúng đắn trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân khu vực biên giới Việt – Lào.
Thiên Phúc
Bình luận (0)