Cán bộ Viện Thủy công lắp đặt đường dẫn đưa nước về bản, làng ở huyện Sìn Hồ
|
Trong một chuyến cùng Viện Thủy công, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vùng đất biên cương của Tổ quốc – Lai Châu, tôi mới thấy hết được những giá trị đích thực của cuộc sống. Có những giá trị không cần phải đúc kết theo thời gian mà nó hiện hữu ngay trước mắt mình và tôi hiểu tại sao, người dân ở nơi đây, vất vả thiếu thốn là thế nhưng vẫn bám đất, bám bản để giữ gìn từng tấc đất biên cương cho Tổ quốc thân yêu.
Về miền đất khát
Thiếu nước, đó là nỗi lo thường trực của người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa tỉnh Lai Châu. Nhưng có hai huyện mà cứ đến mùa khô, 100% các hộ dân ở đây đều thiếu nước là Sìn Hồ và Phong Thổ. Giọt nước ở đây cũng giống như hạt ngọc thực (gạo) để nuôi sống con người. Để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, người dân các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ phải đi một quãng đường dài 3 đến 7km, lấy từng can nước để sinh hoạt. Nước thiếu nên người dân nơi đây phải chắt chiu từng giọt, thậm chí phải chia nước cho từng bữa để nấu ăn, chưa nói đến phục vụ các nhu cầu khác. Nhưng vất vả nhất phải để đến nỗi khổ không có nước tại các trường học trên địa bàn. Một giáo viên Trường THCS Nậm Cha, huyện Sìn Hồ tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô đồng bào các dân tộc ở đây lại sống với bộn bề nỗi lo. Lo ăn, lo mặc rồi lo cả nước. Không đủ nước sinh hoạt, cuộc sống của người dân bế tắc đủ đường. Những người trẻ đang có sức khỏe không đáng ngại lắm, chỉ thương cho các mế già, trẻ em và những cô giáo miền xuôi không đủ sức đi xa vượt rừng tìm nước”.
Đến Trường Tiểu học Mù Sang (Lai Châu), chứng kiến cảnh học sinh, giáo viên tay xách can nước, nách mang cặp vượt quãng đường đèo dốc gần 10km đến trường mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả do thiếu nước mang lại. Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Mù Sang, thầy Nguyễn Xuân Lượng chia sẻ rất thật: “Chúng tôi cũng rất xót xa khi nhìn các học sinh và giáo viên của trường phải thay nhau tranh thủ những giờ không lên lớp vào các khe suối trong núi để tìm từng can nước. Thiếu nước khổ lắm”.
Dường như thiếu nước đã trở thành nỗi ám ảnh với những người dân nơi đây, cứ đến hẹn lại khát và người dân đến hẹn… lại lo.
Mặc dù, đều đã có công trình cấp nước sinh hoạt từ 24 đầu mối nhưng qua điều tra thực tế của cán bộ Viện Thủy công, hiện Lai Châu có 4/24 (chiếm 17%) công trình đầu mối bị cát sỏi bồi lấp, cửa lấy nước bị thu hẹp làm giảm lượng nước dẫn về bể; 15/24 (chiếm 63%) hệ thống kênh/ đường ống cấp nước từ đầu mối về các bản bị hư hỏng nặng: Kênh bị thủng, đường ống bị chặt phá… Trong khi đó, thực tế, đầu mối lấy nước nằm cách xa hộ dùng nước nên đường ống quá dài, đi qua nhiều địa hình phức tạp, chia cắt, làm cho việc quản lí bảo vệ hết sức khó khăn. Chất lượng nước nhiều điểm không đạt yêu cầu, đa số đều có hàm lượng các chất vượt giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, ý thức một số người dân kém, không có cơ chế rõ ràng và thỏa đáng cho người được giao nhiệm vụ trông coi hệ thống cấp nước sạch. Vậy nên vào mùa khô, 60% dân số các huyện, bản của Lai Châu đều thiếu nước. Mấy năm gần đây khi mùa khô đến, nguồn nước cạn kiệt hết, may chỉ có vài nhà ở dưới thung lũng là có nước, nhưng cũng không đáng là bao. Để chống khát, chính quyền tỉnh Lai Châu đã sử dụng giải pháp tận dụng nước mặt hoặc thu trữ nước mưa để sử dụng cho mùa khô. Hình thức công trình được áp dụng phổ biến: Một là xây dựng các đập dâng trên suối, dẫn đường ống về bể chứa qui mô hộ gia đình hoặc qui mô cụm gia đình; Hai là lợi dụng các mó nước gần khu vực dân cư; Ba là xây dựng bể chứa nước mưa công cộng (hồ treo) cấp nước sinh hoạt cho cụm dân cư hoặc thôn bản. Nhưng người dân vẫn “khát” nước.
Niềm vui trước năm học mới
Nước sạch được đưa về bồn chứa tại một xã của huyện Sìn Hồ |
Trong Hội nghị khoa học công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Lai Châu vào tháng 10-2009, vấn đề góp sức xây dựng cho các tỉnh miền núi, đặc biệt là Lai Châu đã được đặt ra cho các nhà khoa học Việt Nam. Hưởng ứng vấn đề này, Viện Thủy công đã bắt tay ngay vào nghiên cứu đề tài ứng dụng giải pháp cấp nước hữu hiệu phục vụ sinh hoạt và sản xuất vùng di dân tái định cư hai huyện Phong Thổ, Sìn Hồ. Nói về những ngày đầu thực hiện đề án, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện trưởng Viện Thủy công, chủ nhiệm đề tài cho biết, khi nhận đề tài, ông và anh em trong nhóm rất lo lắng. Bởi nơi đây đã 5 lần làm nước sạch cho bà con mà vẫn “hỏng”. Do nằm xa trung tâm 7km, vừa làm đã bị cát sỏi bồi lấp, các hộ dân dọc đường không có nước dùng, đem chặt phá đường ống. Do đó, tiêu chí mà nhóm thực hiện đề tài lựa chọn khi thử nghiệm là phải thực sự khó khăn, các giải pháp khác không đáp ứng được. Nhưng ban đầu, ông Dũng cho biết nhóm chưa có ý tưởng gì mới cho đề tài này. Ý tưởng chỉ bắt đầu trong một lần tình cờ đi khảo sát tình hình thực tế. Một buổi trưa dừng lại ăn cơm ở Dào San, lúc đó là mùa khô tháng 3 năm 2010, ông Dũng và mọi người trong đoàn ngạc nhiên thấy ông chủ quán vẫn có đường nước dẫn về nhà. Câu hỏi được đặt ra: “Ông lấy nước ở đâu?”, ông chủ quán dắt mọi người trong đoàn lên đồi chỉ vào một hốc nhỏ, trong đó có một cái xô hứng nước rịn ra trong đất và nối với ống nhựa dẫn về nhà, lượng nước chỉ đủ dùng tiết kiệm cho một hộ gia đình, nhưng nó cũng đã giải quyết được cơn khát mùa khô.
Khi có ý tưởng, cán bộ Viện Thủy công đã lăn lộn thực địa. Trong số cán bộ tham gia đề tài, có những người thuộc từng mó nước, vũng nước trên địa bàn hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ. Cuối cùng, từ cách làm đơn giản của người dân, nhóm của ông Dũng đã biến nó thành một quy trình công nghệ hoàn chỉnh như bây giờ.
Ngày 10-4-2012, Viện Thủy công đã bàn giao hai bể nước tập trung cho bà con hai huyện Sìn Hồ, Phong Thổ. Với người dân và thầy cô giáo nơi đây, đó là một kỳ tích. Ông Chủ tịch xã Nậm Cha phấn khởi: “Đối với người dân đây là món quà hết sức ý nghĩa, nó thúc đẩy tinh thần thầy cô giáo, các em trong năm học mới này. Trước kia, khi vào mùa khô nhiều người dân, trong đó có cả các thầy cô giáo phải đi 4-5 cây số, thậm chí là 7 cây để gánh nước. Có nhiều khi, chính quyền phải chở từng xe nước đến cho bà con. Từ khi có bể nước tập trung của Viện Thủy công cả bản như mở hội. Ngoài ra, với hệ thống cấp nước tự chảy, bà con chỉ việc nối ống dẫn để đưa nước về nhà mà không phải lo chi trả tiền”.
Còn theo đánh giá của ông Bùi Từ Thiện, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu thì giải pháp này có các ưu điểm như: Bền vững, vì không bị dòng chảy lũ phá, không bị con người vô ý thức phá hoại, không bị lấp tắc như các loại công trình hiện có; kế đến là chất lượng nước tốt, ngay trong mùa lũ cũng lấy được nước trong vắt; giảm được 30-50% mức đầu tư cho công trình đầu mối; đồng thời công trình đơn giản, dễ làm, phù hợp với điều kiện vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, để đáp ứng có hiệu quả cho bà con, Chủ tịch xã Nậm Cha đề xuất có thể làm 4 công trình như thế này ở xã Nậm Cha. Nếu làm xã sẽ vận động bà con góp công đào đất, lấp đất, Nhà nước chỉ cần cấp vật tư chủ yếu và hướng dẫn bà con lắp đặt. Có như vậy thì chương trình cấp nước của Chính phủ mới có thể thành công.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)