Chủ trương miễn học phí bậc THCS lẽ ra phải là tin vui với mọi nhà, mọi người nhưng thực tế không quá nhiều "mặn mà" với chính sách này. Thậm chí, còn lo ngại "cắt" được khoản nhỏ lại dễ thêm nguy cơ "phình" các khoản phụ phí trong nhà trường.
Phụ huynh "chê" tin vui
Theo Nghị quyết số 104/NQ-CP, Chính phủ đã đồng ý với chủ trương miễn học phí bậc THCS. Cách đây vài ngày, UBND TPHCM cũng chính thức có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc miễn học phí bậc THCS thuộc các trường công lập ở địa bàn thành phố. TPHCM hy vọng có thể thực hiện miễn học phí cho bậc học này bắt đầu từ năm năm 2019.
Đây chủ trương nhân văn và cần phải làm khi chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục THCS. Tin vui này tác động trực tiếp đến hầu hết các gia đình, thế nhưng không nhiều người phấn chấn hay "mặn mà" với việc được miễn giảm học phí ở bậc THCS.
Từ đầu năm 2019, học sinh THCS ở TPHCM sẽ được miễn học phí (ảnh minh họa)
Anh Nguyễn Tiến Đạo, nhà ở Gò Vấp, TPHCM, có con đều đã trải qua bậc THCS cho hay, ở TPHCM, ai có con đi học đều hiểu con số thực mà phụ huynh nghèo lo lắng không phải tiền học phí. Mà đó là vô số các khoản trong nhà trường theo quy định cho đến các khoản "tự nguyện" không có trong một văn bản, quy định nào.
Chủ trương chạm đến một khoản đóng có thể gọi là hợp lý, cần thiết. Khoản này không đáng kể, không gây áp lực và căng thẳng cho phụ huynh… Trong khi, gánh nặng cho phụ huynh là các khoản ngoài quy định.
Mức học phí bậc THCS tại TPHCM hiện nay là 85.000 đồng và 100.000 đồng/tháng/học sinh tùy thuộc nhóm khu vực. Đây cũng là mức học phí thấp nhất trong tất cả các bậc học tại thành phố.
Không ít kiến cũng thấy làm tiếc khi TPHCM đi đầu trong việc triển khai lộ trình để miễn học phí cho học sinh THCS. Chính sách này sẽ cần thiết hơn với nhiều địa phương khó khăn, nơi với nhiều gia đình, đóng học phí cho con là một gánh nặng khi đến trường.
Chị Vũ Quỳnh Giang, có con học tại Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TPHCM cho hay miễn học phí là một chính sách nhân văn nhưng không nên áp dụng đại trà, mà thực hiện ở các địa phương khó khăn sẽ hiệu quả hơn.
Tại TPHCM, điều kiện kinh tế cao hơn, phụ huynh giờ rất chú trọng đầu tư cho việc học của con, ai cũng muốn con có môi trường học chất lượng cao, hướng đến các chuẩn quốc tế. Việc đóng học phí là điều kiện giúp các trường nàng cao chất lượng, đầu tư thiết bị dạy học cũng như đảm bảo cho đời sống giáo viên.
Theo chị Giang, ngân sách nhà nước khó khăn, miễn học phí từng phụ huynh chưa chắc đã thấy được cái lợi nhưng kéo theo những thiệt hại khác, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Miễn học phí, có "cắt" luôn các khoản ngoài quy định?
Một giáo viên ở TPHCM đánh giá, miễn học phí cho HS để nhiều học sinh có cơ hội học tập là một chính sách phúc lợi nhân văn, và tiền thuế của dân rất cần được dùng vào những việc như vậy. Vấn đề ở chỗ, "học phí" của học sinh trường công lập lại khá nhập nhằng.
Cô phân tích, ở các trường tư, học phí được công bố một cách công khai, phụ huynh được thông báo đầy đủ 1 năm học cần đóng những khoản nào, phụ huynh thanh toán theo tháng hoặc theo năm mới được vào học. Chi phí học tập của học sinh trường tư được thu 1 lần (học phí, bán trú, bus, sách vở, ngoại khoá, đồng phục,…) và yên tâm học hết năm. Mọi thứ rất rõ ràng.
Nhưng ở trường công lập, học phí và chi phí học tập của học sinh tại trường là hai con số hoàn toàn khác nhau. Ngoài học phí, học sinh, phụ huynh còn được đề nghị tự nguyện đóng nhiều khoản phí khác như quỹ phụ huynh, phí bảng tương tác, tài liệu lưu hành nội bộ của các môn học, đầu tư cơ sở vật chất…
Điều đáng nói, theo giáo viên này, các khoản phí đó, người học hoàn toàn không thể biết trước được cho đến khi vào học rồi, và số tiền đó so với học phí là bao nhiêu cũng không biết. Thế nên, điều cô quan tâm, nếu chủ trương của thành phố là miễn học phí cho HS thì các khoản chi phí khác mà thành phố không quy định có được yêu cầu bỏ luôn hay không? Học sinh có được yên tâm nhận giấy nhập học và đến trường với những khoản chi phí được biết trước?
Cô cũng nói thêm, ngân sách nhà nước đang thiếu, việc miễn học phí cũng không giảm áp lực cho người học nên cần xác định thêm miễn học phí nhằm giải quyết bài toán gì, đem lại hiệu quả gì. Cần có số liệu khảo sát việc không miễn học phí bao nhiêu trẻ mất cơ hội học tập. Còn nếu miễn hay không miễn học phí không tác động nhiều thì tốt nhất vẫn nên thu học phí và sử dụng hiệu quả cho chất lượng học tập.
Được biết, năm 2017, TPHCM thu được hơn 350 tỷ đồng tiền học phí từ bậc THCS. Đối với việc miễn học phí, lãnh đạo thành phố cho biết nguồn kinh phí để bù đắp chi phí khi miễn học phí bậc THCS sẽ cân đối từ ngân sách của thành phố.
Hoài Nam/ Dân trí
Bình luận (0)