Tôi gặp anh chiều 17-4-2009 tại Quỹ mãi mãi tuổi hai mươi. Khi tôi ngỏ lời muốn viết về những người lính trở về từ chiến trường, anh buột miệng: Cũng tầm này ngày 17-4-1975 tôi bị thương ở Xuân Lộc. Anh là Nguyễn Lương Thái (ảnh), từng chiến đấu trong chiến dịch bảo vệ Quảng Trị, chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột, Xuân Lộc, Sài Gòn, là lính của đơn vị E95F325 Quân đoàn 2. Anh được Nhà nước trao tặng 2 huân chương chiến công hạng 3 và 1 huân chương chiến công hạng 2. Bước ra từ cuộc chiến, nhưng dường như với mỗi người lính, chiến trường luôn là phần “đời” quan trọng nhất trong trái tim họ. Với anh Thái, đó chính là Quảng Trị.
Lỗi hẹn với trường xưa
Trong tâm sự của anh viết về những ngày đã qua, anh sinh ra ở một miền quê nghèo khó, Đồng Hới, Quảng Bình, lớn lên học tập dưới hầm sâu, dưới ánh đèn dầu và bom đạn. Năm 1970, may mắn cùng với nỗ lực anh đã đỗ vào Khoa Vô tuyến điện, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là ước mơ lớn nhất của anh trong những ngày đêm ở dưới hầm nghe tiếng máy bay gầm rú, hay những lúc im lặng đến rợn người, thèm nghe âm thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến giờ, anh vẫn còn nhớ như in sáng ngày 6-9-1971, sân quảng trường C1, ĐH Bách khoa đông nghẹt xe và người cùng cờ đỏ sao vàng. “Đó là nơi ghi dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời chúng tôi. Nơi mà nước mắt, nụ cười, lời chúc… 600 con người lên đường vào trận theo mãi chúng tôi. ĐH Bách khoa đóng góp “quân số” đông nhất trong số các trường ĐH của Hà Nội ngày ấy” – anh nói. Lúc đó, anh có quyền “từ chối” nhiệm vụ này vì ba anh cũng là cán bộ quân đội, trường lại có chính sách ưu tiên con em Quảng Bình, Vĩnh Linh. Thế nhưng như một lẽ tất nhiên và như mọi người, anh đã nhập ngũ. Không được về quê chia tay gia đình, anh cùng một bạn ở Thái Nguyên về thăm, chia tay gia đình bạn trong những ngày lũ lụt. Trước lúc lên đường các bạn gái ở Hà Nội chiêu đãi 6 đứa trong lớp một bữa chè sen. Đó là những kỷ niệm đẹp nhất của anh trước khi lên đường bước vào mặt trận khốc liệt của Quảng Trị. Anh chỉ nghĩ đơn giản, ra đi nếu hy sinh thì thôi, nếu còn sống, anh sẽ quay về học tiếp. Nhưng chiến tranh, không ai có thể nói trước được điều gì. Anh may mắn hơn các bạn là ra khỏi cuộc chiến với một vết thương trên người nhưng cuộc sống binh nghiệp, anh đã không có sự lựa chọn nào khác và cho đến bây giờ, anh mãi mãi lỡ hẹn với mái trường xưa.
Nhập ngũ tháng 9-1971, đến tháng 7-1972 anh vào Quảng Trị và đóng quân tại đại đội 18, đơn vị E95F325 Quân đoàn 2. Đây cũng là thời khắc khốc liệt của vùng đất Quảng Trị. Nơi mà mỗi ngày, mỗi người lính phải làm sao để “sống sót và chiến đấu” qua ít nhất ba loạt B52, hàng chục hàng trăm đợt tập kích bằng máy bay, pháo binh. Phải đối phó với mìn, cây nhiệt đới… Riêng vũ khí bộ binh của cùng một cấp đơn vị thì kẻ địch đã gấp ta nhiều lần. Pháo binh là hỏa lực cơ bản của quân ta, lúc đó phải xin từng quả đạn một vì điều kiện tiếp tế khó khăn. Nơi mà mỗi đêm, quân ta có thể phải hy sinh một đại đội. Tất cả những cái đó là cái ác liệt của chiến tranh. Nhưng có một điều kể cả bây giờ, anh vẫn tự hào mình là một chàng lính sinh viên và là dân “Bách khoa xịn”.
Vì nơi đó có đồng đội của tôi
“Tất cả tuổi trẻ của chúng tôi ở lại chiến trường. Những người đã ngã xuống họ mãi mãi tuổi hai mươi. Còn chúng tôi, trái tim của chúng tôi vẫn ở đó” – anh tâm sự. Anh cũng như bao người lính khác, bước ra khỏi cuộc chiến, về với thời bình nhưng vẫn không nguôi ngoai những gì “đã mất”. Đó là đồng đội, là tuổi thanh xuân của mình. Trong câu chuyện anh kể, đều có nhắc tên một người bạn rất thân thiết, cùng là lính Bách khoa, cùng đơn vị đó là anh Nguyễn Dũng. Khác với anh, sau chiến tranh, anh Dũng tiếp tục thực hiện con đường học vấn và hiện đang là giảng viên của ĐH Bách khoa. “Hãy đến viết về anh ấy, anh ấy có nhiều cái để viết hơn tôi” – anh nói. Từ ngày nhận chức vụ “bộ đội về hưu”, hình như “Quảng Trị” không ngừng “quay quắt” trong anh. Trong khoảng thời gian từ 2004 – 2008 anh và anh Dũng đã ba lần về Quảng Trị. Lần 1 vào tết dương lịch năm 2004, anh cùng anh Dũng lặn lội về Sở chỉ huy của Trung đoàn 95 ngày xưa đóng bên sông Tân Vĩnh. Hai anh vào xã và nhờ một cháu bé dẫn vào rừng tìm lại mộ đồng đội ngày xưa. Nhưng vào tới nơi mới biết mộ các đồng đội đã được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Ái. Anh không thể quên được ở đây có đồng chí là người đầu tiên giới thiệu mình vào Đảng và 7 ngày sau người đồng chí đó đã hy sinh. Lần thứ 2 anh lại vào Quảng Trị vào dịp tết âm lịch năm 2006. Sau khi thắp hương tại Nghĩa trang Quảng Trị, anh đã tìm đến Nghĩa trang xã Hải Lăng. Lần thứ 3 trước tết dương lịch 2009. Lần này, anh và anh Dũng khi vào đến Quảng Trị thì trời mưa rất to. Hai anh quyết định lần theo dòng sông Thạch Hãn lên thượng nguồn tìm lại con đường ngày xưa đã đi. Nhưng thời gian đã xóa đi tất cả. Những gì của ngày xưa đã được thay bằng cuộc sống hôm nay. Anh là người đã từng chiến đấu ở rất nhiều chiến trường, nhưng tôi không hiểu tại sao anh chỉ “đăm đắm” Quảng Trị, anh thuộc từng tên đất, tên làng. “Lần nào đi qua Quảng Trị tôi cũng khóc. Những năm tháng ở Quảng Trị luôn thường trực trong tôi. Vì tuổi trẻ của tôi nằm ở đó, vì ở dưới đó là đồng đội của tôi” – anh trả lời. Đơn vị của anh sau này còn tham gia chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, Xuân Lộc, Sài Gòn nhưng số đồng đội hy sinh ở Quảng Trị gần tương đương với số đồng đội hy sinh ở những chiến trường khác. Có lẽ “nỗi đau” ở đất Quảng Trị sâu hơn nên anh thường da diết hơn.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)