Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Miền Tây: tan giấc mơ đổi đời từ nghề nuôi cá sấu

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi nhiều người nuôi cá sấu ở Phú Quốc (Kiên Giang) đang đánh cược với may rủi, mấy năm gần đây, ở Cà Mau, không ít người đầu tư hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi cá sấu với hy vọng làm giàu. Thế nhưng, sau một thời gian nuôi, cá sấu chết hàng loạt, hoặc “đầu ra” bị tắc, dẫn đến nhiều người bị trắng tay, hoặc lâm vào cảnh nợ nần.

Đầu tư tốt, nhưng gặp vận xấu?

Ông Dương Văn Âu (Năm Âu), chủ doanh nghiệp tư nhân Phú Hải chuyên chăn nuôi cá sấu ở xã Bãi Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, sau trận dịch năm ngoái, đã làm chết hơn 2.500 con cá sấu (giá trị hơn 1 tỉ đồng) của ông, đến nay, trang trại của ông chỉ còn lại trên 3.000 con sấu lớn nhỏ.

Hàng trăm con cá sấu đã đến thời điểm xuất chuồng của gia đình anh Hân phải chịu cảnh ế ẩm. Ảnh: Hoàng Nguyên

Theo ông Âu, nghề nuôi cá sấu ở đảo Phú Quốc cần vốn đầu tư rất lớn, đặc biệt là phải có đủ nguồn nước ngọt, tuy nhiên, mỗi năm cứ đến mùa khô hạn là nguồn nước ngầm trên đảo bị cạn kiệt. Do đó, mặc dù ông Âu phải tốn nhiều chi phí để bơm nước dự trữ, nhưng ông vẫn không có đủ nước để làm vệ sinh chuồng trại, khiến cho cá sấu bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt.

Ông Âu than phiền, mỗi khi cá sấu bị bệnh, các “bác sĩ” cá sấu chỉ mang thuốc (đã xé mất nhãn) ra tận đảo để trị bệnh cho cá sấu với giá 15.000đồng/con. Do đó, theo ông Âu, người nuôi chỉ biết trả tiền thuốc, mà không được biết thêm gì về các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho cá sấu nuôi, dẫn đến việc, từ đầu năm đến nay, đàn cá sấu của ông Âu bị chết khoảng 400 con giống. Hiện nay, ông Năm Âu còn khoảng 20 tấn cá sấu thịt, nhưng ông chưa thể bán được bởi giá thu mua chỉ ở mức khoảng 120.000 đồng/kg, giảm 20% so năm ngoái.

Đổ xô nuôi cá sấu

Hai năm trước, đến Cà Mau, đi đến đâu, ai cũng thấy nhiều người đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi cá sấu, bởi lẽ, giá cá sấu thương phẩm đạt mức cao, từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ cá sấu để bán cho thương lái, tuy nhiên hiện nay, nhiều chuồng trại bị bỏ hoang, hoặc được sửa lại làm nơi chứa nước.

Ông Nguyễn Văn Lượm, ngụ ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Đông, (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) nói: “Hai năm nuôi cá sấu, gia đình tui bị lỗ gần 200 triệu đồng”. Theo ông Lượm, do giá cá sấu ở những năm trước cao, nên gia đình ông mới đầu tư vào nuôi cá sấu, khi đó bình quân một con cá sấu giống có giá từ 850.000 – 950.000 đồng và phải lên tận Bạc Liêu, Kiên Giang để mua. Bà Nguyễn Mỹ Xuyên (vợ ông Lượm) than: “Tui bán gần ba lượng vàng để đầu tư xây chuồng trại, mua gần 200 con cá sấu giống để nuôi, nhưng chỉ sau gần một năm nuôi, cá sấu chết dần”. Tương tự như gia đình ông Lượm, ông Nguyễn Văn Hài, ngụ cùng địa phương nói: “Ban đầu cá sấu phát triển rất tốt, nhưng khi đạt trọng lượng từ 8 – 10kg/con thì cá sấu bắt đầu phát bệnh và chết.”

Bí “đầu ra”

Ông Trần Văn Hân, người nuôi cá sấu đầu tiên thành công ở xã Tân Hưng Đông (Cái Nước – Cà Mau) than: “Đàn cá sấu của gia đình tôi đã đến tuổi xuất chuồng, nhưng nếu bán lúc này thì bị lỗ nặng, còn nếu để lại thì phải tốn chi phí bình quân gần 200.000 đồng/lần cho ăn một ngày”. Theo ông Hân, hiện nay, cá sấu bị rớt giá thảm hại, nếu như trước đây, 1kg cá sấu có giá vài trăm ngàn đồng, thì giờ đây, 1kg cá sấu bán không được 130.000 đồng, mà còn không có người mua.

Giải thích về chuyện hàng ngàn con cá sấu của nông dân Cà Mau đang bị “ế”, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho biết, giá cá sấu ở những năm trước rất cao, khiến cho nhiều người dân đổ xô nuôi theo kiểu tự phát, nhất là do họ không đăng ký với cơ quan chức năng quản lý, nên họ không thể vận chuyển cá sấu đi nơi khác để bán. Điều đáng chú ý là, việc xuất khẩu cá sấu sang các nước bằng đường tiểu ngạch hiện đang gặp khó, nên giá cá sấu ngày càng giảm.

Theo ngành chức năng địa phương này, chỉ những người nuôi cá sấu có đăng ký, vốn lớn, đầu tư xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, nguồn gốc cá sấu rõ ràng, thì họ mới có điều kiện tiêu thụ và có lãi trong thời điểm hiện tại. Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện tỉnh có hơn 5.000 con cá sấu của hơn 500 hộ dân nuôi đã đến độ tuổi xuất chuồng, nhưng không có nơi để tiêu thụ. Nguyên nhân là do nhiều người dân tự phát nuôi cá sấu và họ không đăng ký với cơ quan chức năng, đồng thời họ không am hiểu kỹ thuật nuôi, dẫn đến việc họ phải bị thua lỗ.

Ngọc Tùng – Hoàng Nguyên

Theo SGGT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)