Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Miễn thi ĐH cho thí sinh thuộc 62 huyện nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Trong phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 vừa được công bố, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định về chính sách ưu tiên đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Theo đó, thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức một năm, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường qui định.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng điều chỉnh quy định tại điều 33 của quy chế tuyển sinh như không tiếp tục áp dụng quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 điều 33 của quy chế tuyển sinh hiện hành. Cụ thể, đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết; các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao. Như vậy, mùa tuyển sinh năm nay, các thí sinh khu vực dân tộc thiểu số cũng như các trường đào tạo theo vùng sẽ không được hưởng ưu đãi về mức chênh lệch điểm số giữa các nhóm đối tượng. Mức chênh lệch chung sẽ là 1 điểm giữa hai đối tượng kế tiếp và 0,5 điểm giữa hai khu vực kế tiếp.
Được biết, 62 huyện nghèo trên cả nước thuộc 20 tỉnh: Hà Giang (6 huyện); Cao Bằng (5 huyện); Lào Cao (3 huyện); Yên Bái (2 huyện); Phú Thọ (1 huyện); Bắc Giang (1 huyện); Bắc Kạn (2 huyện); Điện Biên (4 huyện); Lai Châu (5 huyện); Sơn La (5 huyện); Thanh Hóa (7 huyện); Nghệ An (3 huyện); Quảng Bình (1 huyện); Quảng Trị (1 huyện); Quảng Nam (1 huyện); Quảng Ngãi (6 huyện); Bình Định (3 huyện); Ninh Thuận (1 huyện); Lâm Đồng (1 huyện); Kon Tum (2 huyện).
T.B

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)