Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Miễn tiền thuê đất xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kể từ ngày 10/11/2010, sẽ miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất thực hiện dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô; xây dựng kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án trên sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm, kể từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động.
Theo Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm nay (17/9), trường hợp các dự án này thực hiện tại địa bàn ưu đãi đầu tư mà có mức miễn tiền thuê đất khác với mức quy định trên thì doanh nghiệp được lựa chọn mức ưu đãi cao nhất về miễn tiền thuê đất.
Đối với diện tích đất không sử dụng vào mục đích nêu trên (nếu có) phải nộp tiền thuê đất theo quy định hiện hành.
Quyết định cũng nêu rõ, trường hợp doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích để xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô; xây dựng kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và xử lý tài sản đã đầu tư trên đất theo quy định của Luật Đất đai.
Bổ sung cơ chế thuận lợi mới đáp ứng nhu cầu dự trữ
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có sản lượng thóc đạt gần 20 triệu tấn/năm, chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, thế nhưng tổng công suất kho chứa hiện có của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 1,5 triệu tấn. So với nhu cầu dự trữ thóc của các tỉnh thì con số trên mới chỉ đáp ứng được 30%.
Trong khi đó, cơ sở thiết bị vận chuyển, bốc xếp, sấy khô, các máy móc chế biến vừa thiếu vừa không đồng bộ. Tổn thất trong và sau thu hoạch cao từ 11 – 13%, riêng khâu phơi sấy, bảo quản chiếm tới 4,5%. Nhiều kho có địa điểm không thuận tiện giao thông và mua bán khiến chi phí dự trữ, bảo quản cao. Các loại kho đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian bảo quản trên 6 tháng chiếm tỷ lệ thấp: 36,8% (548.000 tấn) còn lại là kho không đạt các yêu cầu về kỹ thuật (940.000 tấn)…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết thêm, trong 2 thành phần chủ yếu tham gia đầu tư hệ thống kho, thì doanh nghiệp Nhà nước (chủ yếu là các thành viên của Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc) chiếm 752.000 tấn (52%), còn lại là doanh nghiệp tư nhân (48%). Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại đang gặp khó khăn do nhu cầu vốn đầu tư lớn, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như sử dụng đất đai, lãi suất… ít được tiếp cận và hưởng lợi.
Do vậy, nhằm ổn định và nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, bảo đảm gối vụ, chủ động thích ứng với sự biến đổi và nhu cầu đa dạng của thị trường thì quyết định của Thủ tướng miễn tiền thuê đất xây dựng hệ thống kho thóc có công suất đủ lớn 4 triệu tấn chính là một trong những giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho dự trữ. Đây cũng là biện pháp quan trọng có tác dụng nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch với các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực hiện nay.
Theo Lao Động/ Chinhphu

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)