Hệ thống cảng cá miền Trung đã và đang được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển của ngư dân. Tuy nhiên, bên cạnh những cảng cá thực sự là “hậu phương” của hoạt động đánh bắt trên biển, thì còn không ít cảng cá dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không phát huy được tác dụng.
Cảng cá Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) được đầu tư khang trang nhưng không phát huy được hiệu quả.
Đìu hiu cảng cá
Tháng 11-2012, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư dự án nâng cấp cảng cá Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) rộng 5,2ha, Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 46,079 tỷ đồng. Đến năm 2016, dự án này được điều chỉnh mức đầu tư xuống 43,633 tỷ đồng. Mục tiêu của cảng cá là tạo điều kiện thuận lợi cho việc bốc dỡ, sơ chế, bảo quản và làm dịch vụ cho khoảng 5.400 tấn thủy sản/năm; cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt kết hợp với neo đậu, trú bão cho tàu thuyền nghề cá ven bờ. Năm 2017, cảng cá hoàn thành. Thế nhưng, hơn 4 năm qua, chỉ có vài bè mảng hoặc thuyền nhỏ cập cảng. “Không có thuyền bè nên cũng không có hoạt động mua bán cá”, ông Nguyễn Văn Hiên (64 tuổi, trú thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ) cho hay. Do thiếu duy tu, sửa chữa, nhiều hạng mục của cảng cá như hệ thống điện, tường rào, nhà điều hành… xuống cấp, hư hỏng.
Cảng cá Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được đầu tư 29 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2010. Song, chuỗi thời gian hơn 10 năm qua, cảng cá này không phát huy được công năng. Hiện nay, các cột dầm của cầu cảng đã bị nứt, lún; bờ kè neo đậu tàu thuyền bị sạt lở nặng. Chỉ một khu vực bờ kè thấp là có một số thuyền nhỏ của người dân địa phương neo đậu. Các tàu cá công suất lớn hơn đều nằm ngoài cửa biển, không vào được.
Bến cá Tân Phụng (Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) cũng không khá hơn. Bến cá này được đầu tư 26 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2019, tuy vậy từ đó đến nay vẫn bỏ hoang vì bị ngư dân… chê. Theo ghi nhận, bến cá này hiện trống vắng tàu thuyền, các hạng mục công trình gỉ sét, bắt đầu xuống cấp; đường lên cảng cá đang bị sóng biển xâm thực đánh sập nhiều vị trí. Một số người dân phản ánh, bến cá Tân Phụng hơn 2 năm qua chỉ là nơi tập kết, phơi ngư lưới cụ của ngư dân, cũng là nơi phát sinh nhiều tệ nạn.
Địa phương có trách nhiệm?
Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) Nguyễn Thanh Bình cho biết, tàu không vào cảng cá Hoằng Phụ do việc bồi lắng ở cửa Lạch Trào. Ngoài ra, người dân địa phương có thói quen neo đậu ở bến cũ dọc sông Cung thuộc thôn Bắc Sơn và Hợp Tân, vì nơi đây thuận tiện hơn cho hoạt động mua bán cá.
Lý giải việc cảng cá Vinh Hiền hoạt động không hiệu quả, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) Nguyễn Tam cho hay, bất cập của cảng cá Vinh Hiền là thiết kế cầu cảng cao, chỉ phù hợp với tàu quân sự và tàu đánh bắt xa bờ cỡ trên 500CV. Trong khi đó, ngư dân Vinh Hiền và một số địa phương trong vùng chủ yếu sở hữu các loại tàu có công suất nhỏ; tàu nhỏ vào cảng dễ xảy ra va đập làm hư hại tàu thuyền khi đưa thủy hải sản lên bờ. Ngoài ra, tàu cá phải băng qua luồng lạch mới vào cảng, nên các đội tàu xa bờ thường chọn cập cảng Thuận An (Thừa Thiên – Huế) hoặc vào TP Đà Nẵng để đảm bảo hải sản bốc dỡ dễ dàng và được thu mua ngay.
Còn với bến cá Tân Phụng, người dân địa phương cho biết, bến cá nằm khá xa bến tàu cá và vùng neo đậu tàu truyền thống của làng Tân Phụng trước nay. Ngoài ra, bến cá nằm quá cao, tời lên cá yếu, lại chỉ có một tời, trong khi lượng tàu bè, hải sản của Tân Phụng rất lớn, không đáp ứng được. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ Trần Minh Hiếu cho hay, chính quyền địa phương nhận được phản ánh của người dân là bến cá mới đầu tư không phù hợp vì nằm ở vùng biển bãi ngang. Mùa mưa bão vừa qua, nhiều tàu bị đánh chìm trước khu vực bến cá này.
Từ những bất cập đang xảy ra tại các cảng cá, dư luận đặt câu hỏi cho trách nhiệm của chủ đầu tư: Liệu trước khi bỏ ra tiền tỷ, các địa phương đã khảo sát thực tế và đánh giá kỹ nhu cầu, hiệu quả kinh tế của các cảng cá hay chưa?
DUY CƯỜNG (theo SGGP)
Bình luận (0)