BV Nhi Quảng Ngãi quá tải, nhiều bệnh nhi phải “tá túc” bên ngoài hành lang để chữa bệnh. Ảnh: K.Long
|
Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh mùa hè, đặc biệt là các dịch bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em trên địa bàn TP.Đà Nẵng và các vùng lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Trong khi lo sợ con em mình mắc bệnh, nhiều bậc phụ huynh đã gấp rút đưa con em đi tiêm phòng. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia y tế, điều này không chỉ gây nên tình trạng quá tải cho cơ sở y tế mà hiệu quả phòng bệnh rất thấp…
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP.Đà Nẵng, trong những tháng đầu năm 2011, số bệnh nhân mắc bệnh mùa hè liên tục tăng cao, có gần 1.300 ca thủy đậu, 1.000 trường hợp sốt rubella và 86 ca mắc bệnh TCM… trong đó, đối tượng mắc bệnh được ghi nhận phần lớn là trẻ em.
Tính đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu là hơn 20 trường hợp. Điều đáng lưu tâm là nhiều trường hợp trẻ em lây bệnh khi đến học tại nhóm trẻ gia đình hoặc lây nhiễm từ các bạn học chung lớp mẫu giáo, mầm non. Mặc dù chưa bùng phát ổ dịch nhưng ở địa bàn này đã ghi nhận hai trường hợp ở tỉnh Quảng Ngãi đã tử vong, trong đó có một cháu bé hai tuổi nhập viện điều trị tại Khoa Nhi (Trung tâm Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) bị biến chứng độ 4 và tử vong sau 3 ngày điều trị.
Điều đáng lưu ý là nguy cơ tử vong do bệnh TCM rất cao. Trong khi đó, các bệnh nhân “trái tuyến” ở khu vực lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam mỗi khi bị mắc bệnh nặng đều phải đổ dồn về Đà Nẵng, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lây lan dịch bệnh cao. Thống kế chưa đầy đủ, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi (địa phương lân cận Đà Nẵng) đã ghi nhận 243 trường hợp bị TCM xuất hiện ở 10/14 huyện, thành phố, hai trường hợp bị TCM tử vong. Hiện, bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận từ 15 đến 20 ca trẻ em bị TCM mới nhập viện với triệu chứng sốt cao, nổi bọng nước ở lòng bàn tay, chân và miệng…
Bên cạnh dịch bệnh TCM, các dịch bệnh mùa hè như sốt phát ban, rubella, quai bị… cũng đang có chiều hướng gia tăng đột biến và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành miền Trung. Lo ngại cho tình trạng sức khỏe của mình và người thân, nhiều gia đình đã đổ xô đến các trung tâm y tế để tiêm phòng. Bình quân mỗi ngày có đến gần 300 người đến TTYTDP TP.Đà Nẵng để tiêm vắc xin phòng bệnh: rubella, TCM, thủy đậu, viêm màng não… Điều đó không chỉ khiến các cơ sở y tế, TTYTDP trở nên quá tải, thiếu vắc xin tiêm phòng mà hiệu quả của việc phòng bệnh theo các chuyên gia y tế là không cao, nguy cơ phản tác dụng thuốc luôn tiềm ẩn. Theo ông Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Dịch tễ và côn trùng, TTYTDP TP.Đà Nẵng cho biết, việc tiêm phòng dịch bệnh cần phân bổ thời gian hợp lý. Một khi đã có dịch mới tiêm thì hiệu quả phòng dịch sẽ không cao, vì trong thời điểm dịch bùng phát, khó xác định được người tiêm phòng đã mắc phải mầm bệnh hay chưa? Nếu đã ủ bệnh rồi mà tiêm phòng thì hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin sẽ không còn tác dụng, vẫn có thể bị mắc bệnh.
Trước tình hình đó, TTYTDP TP.Đà Nẵng đã có khuyến cáo, chủng mới của bệnh TCM có diễn tiến bệnh nặng, nhanh, dễ gây tử vong, nên khi phát hiện mắc bệnh, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng và tử vong do chậm điều trị… Đồng thời, TTYTDP đã có văn bản gửi các trường học, nhất là các điểm trường mầm non theo dõi chặt chẽ các trường hợp học sinh mắc bệnh để nhắc nhở phụ huynh đưa con em đến trung tâm y tế kịp thời, không nên tiếp tục cho con em đến lớp tránh dịch bệnh lây lan sang học sinh khác; đề nghị đội y tế dự phòng các quận, huyện tăng cường công tác giám sát bệnh nhân. Đặc biệt chú trọng các bệnh dễ lây lan như thủy đậu, TCM.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)