Trận lũ lớn kéo dài 5 ngày (từ ngày 6-10) vừa có dấu hiệu rút nước thì một trận lụt tiếp theo bắt đầu từ ngày 12-10 đã khiến hàng chục ngàn ngôi nhà của người dân và hàng trăm trường học ở các tỉnh miền Trung chìm sâu trong nước. Nhiều nơi, mực nước lũ đã đạt và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999…
Nhiều làng mạc ở Quảng Trị bị lũ nhấn chìm, người dân phải tìm nơi cao trú tránh
* Tại Quảng Bình, báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh còn gần 3 ngàn nhà dân đang bị ngập nước. Các địa bàn có nhiều vùng bị ngập như huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy, Minh Hóa. Nhiều trường học trên các địa bàn này cũng đang trong tình trạng ngập, HS chưa thể trở lại trường. Thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ đã khiến hơn 15 ngàn nhà dân bị ngập, hư hỏng; 8 tàu thuyền đánh cá bị chìm, trôi dẫn đến hư hỏng; gần 1.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó nặng nhất là các huyện Tuyên Hóa, Ba Đồn, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy… Khoảng 10 ngàn con gia súc, gia cầm bị chết hoặc bị nước cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng và thiết bị dạy học ở nhiều trường bị ngâm nước gây hư hại chưa thể đánh giá cụ thể về thiệt hại.
Ông Đinh Quý Nhân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình – cho biết, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trường học chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ CSVC, đảm bảo an toàn cho HS, huy động nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ. Các cơ sở GD điều động cán bộ, GV, NV túc trực, kiểm tra, phối hợp với địa phương để bảo vệ CSVC, đồng thời tạo điều kiện cho người dân vào trú tránh. Chủ động cho HS nghỉ học, nhất là HS ở các vùng hiểm trở, có nhiều sông, suối để tránh rủi ro…
Các giáo viên ở Tiểu học Hòa Bắc (Đà Nẵng) dọn bùn sau lũ
* Tại Quảng Trị, lũ liên tục rút rồi dâng cao tới 3 lần khiến CSVC của nhiều trường học hư hại nặng, công tác dọn dẹp vệ sinh rất vất vả. Thầy Hoàng Văn Quốc – Hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Hải Phong (huyện Hải Lăng) – cho biết, nằm ở vùng trũng nên trường bị ngập hơn 1,5m. Con nước dâng tới 3 lần khiến các GV rất vất vả trong dọn dẹp vệ sinh và chống đỡ với con nước mới.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh này, tính đến thời điểm hiện tại có 1 HS bị đuối nước; 1 cán bộ quản lý Trường TH&THCS A Vao, huyện Đakrông đang mất tích nghi bị nước cuốn trôi tuy nhiên do mực nước quá cao chưa thể tìm thấy. Tổng giá trị thiệt hại toàn ngành gần 9,5 tỷ đồng, trong đó thiệt hại chủ yếu là do sụt lún móng tường rào, đổ tường rào, cây xanh bị gãy đổ, thiết bị dạy học, đồ chơi HS mầm non, bàn ghế, sách vở, máy vi tính, âm thanh loa máy bị ướt. Nhiều trường học chìm sâu trong nước, đơn cử như Trường TH&THCS Ba Lòng (Đakrông) ngập sâu 3m; Trường Mầm non Ba Lòng, điểm trường Tân Xá ngập sâu 1m. Tại huyện Cam Lộ, nhiều điểm trường bị nước ngập sâu trên 1m. Hiện HS trên toàn tỉnh vẫn nghỉ học do mưa lớn và nước lũ tiếp tục dâng cao.
* Tại Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh – cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ HS trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể trở lại trường. Dự kiến phải mất khoảng 1 tuần nữa, việc học mới có thể trở lại bình thường. Tình hình mưa lũ khiến các trường học thuộc TP.Huế, các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà… bị chìm trong nước; các trường mầm non thiệt hại nhiều về CSVC, trang thiết bị đồ chơi cho trẻ, nhất là với các trường xây dựng quy mô một tầng.
Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 286ha hoa màu, 105ha sắn, 73.400 chậu hoa cúc vụ Tết bị thiệt hại. Nước cũng nhấn chìm khoảng 2.000ha nuôi trồng thủy sản, hàng chục kilômét đường, đê, kênh mương thủy lợi bị sạt lở nặng. Điện lực Thừa Thiên – Huế đã xuất tuyến 60% nguồn trên địa bàn, những vùng cao có điện (trừ huyện A Lưới bị mất điện hoàn toàn do sập cột lưới điện từ Quảng Trị vào A Lưới); các huyện ngập nặng Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy và một số khu vực TP.Huế bị mất điện hoàn toàn.
Cán bộ giáo viên, nhân viên Trường TH&THCS Hải Phong (Quảng Trị) đến trường dọn chạy lũ
* Tại Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD-ĐT TP – cho biết, đến ngày 13-10, nhiều trường học đã thực hiện xong công tác vệ sinh trường lớp, HS đi học trở lại. Riêng một số trường ở khu vực thấp trũng thuộc quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, hiệu trưởng các trường, giám đốc các trung tâm GD thường xuyên đề xuất tiếp tục cho HS nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Địa bàn huyện Hòa Vang, HS, học viên tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới. Huyện Hòa Vang có 12 trường, điểm trường ngập lụt, nhiều trường ngập sâu cả mét. Mưa lũ do ảnh hưởng bão số 6 cũng làm 4 người mất tích, 1 người bị thương, 3 nhà dân bị tốc mái, hơn 1.600 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, 129ha hoa màu bị ngập úng; hàng trăm ngàn chậu hoa cảnh các loại chuẩn bị Tết bị hư hại; nhiều diện tích nuôi thủy sản bị tràn bờ; 3 lồng bè cá đứt dây trôi; 1 tàu của ngư dân đứt dây trôi, 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất tích…
Theo lãnh đạo ngành GD các tỉnh này, với tinh thần chủ động nên việc phòng chống lụt bão đã hạn chế được nhiều thiệt hại về CSVC, trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, việc hư hỏng các đồ dùng dạy học, nhất là với hệ thống mầm non là không tránh khỏi. Các sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học túc trực kiểm soát tình hình lũ 24/24 giờ, nước rút đến đâu sẽ huy động nguồn lực dọn vệ sinh đến đó, đảm bảo đưa HS trở lại trường sớm nhất có thể và tuyệt đối an toàn.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)