Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Miền Trung: Hợp sức chống hạn

Tạp Chí Giáo Dục

Nắng nóng, nhiệt độ lên cao và kéo dài liên tục. Hồ chứa nước dưới mực nước chết. Những dòng sông cạn tới đáy. Ruộng đồng khô khốc. Người nông dân miền Trung đang loay hoay cứu lúa, cứu cây trồng và vật nuôi khỏi chết khô, chết khát!

Đối phó mực nước chết

“Nói ra cách cứu lúa thì đơn giản vậy, chứ quá trình làm thì hao tâm tổn sức lắm. Nếu không có Hợp tác xã nông nghiệp Bình Minh 1 đứng ra thi công giúp bà con, thì chắc lúa đã chết hết”- anh Trần Thu ở thôn Mỹ Long, xã Bình Minh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ. Cách cứu lúa mà ông Thu nói chính là công trình tự đào kênh chống hạn của bà con trong xã với kinh phí hơn 320 triệu đồng. Trong đó, phần nhiều là hợp tác xã tự bỏ kinh phí và đi vay mượn giúp người nông dân.

Kéo và dựng trụ điệm trạm bơm nước dã chiến cứu lúa tại Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Phú đã mạnh dạn bố trí 1,5 sào đất dẫn nước xuyên qua vườn nhà để đến hệ thống kênh. “Nhà tôi chỉ có 4 sào sắn trồng ngay trong vườn nhà thôi. Nhà sát sông nên không bao giờ lo thiếu nước. Nhưng giờ nếu không cho đào mương dẫn nước thì lúa của bà con chết hết” – ông Phú nghĩ thế và tự nguyện hiến đất để cứu lúa. Sau nỗ lực ấy, dòng nước trong xanh của sông Trà Bồng đã về cứu sống 65ha lúa ở thôn Mỹ Long, xã Bình Minh. Không chỉ vậy, hàng chục hécta hoa màu dọc con mương cũng có nguồn nước tưới ổn định.

Cánh đồng thôn Bích Chiểu (xã Phổ Nhơn, Đức Phổ, Quảng Ngãi) diện tích gần 14ha, cỏ mọc cao, khỏe hơn cây lúa, dưới chân ruộng khô trắng. Đồng Bích Chiểu hàng năm lấy nước từ đập Sở Hầu, nhưng do nắng nóng kéo dài, mực nước xuống quá nhanh, địa phương thực hiện phương án tưới luân phiên “4 ngày khô, 5 ngày thả”, mà cũng chỉ duy trì chẳng được bao lâu. Hiện tại, đập đang ở mực “nước chết”, người dân xót xa, nhìn cây lúa rơi vào tình cảnh chết dần, chết mòn, ngóng trông nước trời từng giờ.

Trước tình hình này, địa phương đã tiến hành họp khẩn cấp, bà con nhân dân đồng lòng, hợp sức chống hạn. Phương án được nhiều người dân nhiệt tình hưởng ứng là xây dựng trạm bơm dã chiến, kéo điện hơn 400m từ khu dân cư ra để lấy nước từ sông Cầu Bè. Ngay sau họp dân, bà con cấp tốc chôn trụ, kéo điện ngay ra đồng.

Vụ hè thu này, xã Phổ Nhơn xuống giống 170ha lúa, nhưng có đến 30ha đã cháy khô, 65,9ha đang thiếu nước tưới trầm trọng, tập trung nhiều nhất ở 3 thôn Phước Thượng, Nhơn Tân, Nhơn Phước. Hiện tại, các đập bổi ở địa phương đã xuống mực “nước chết”. Cùng với 1 trạm bơm có sẵn, xã đã trích kinh phí 32 triệu đồng, dựng thêm 2 trạm bơm để phục vụ tưới tiêu cho lúa, hoa màu, nhưng hiện tại 2 trạm đang trong tình trạng “treo”, vì không biết hút nước ở đâu để tưới cho lúa.

Chuyển đổi cây trồng

Ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cho biết do khô hạn gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động cắt giảm 3.000ha đất canh tác lúa tại những vùng không chủ động nước tưới để chuyển sang một số cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt như bắp lai, đậu phộng, sắn… Trong thời điểm hết sức khó khăn về nguồn nước tưới thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những chân đất lúa thường xuyên bị khô hạn nghiêm trọng là yêu cầu bức thiết để nhà nông tránh thiệt hại.

Tại xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Quảng Nam qua những đợt khô hạn đã hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại thay thế các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình là trang trại nuôi gà của bà Phan Thị Hải ở thôn Hà Dừa. Mỗi năm bà Hải nuôi 5 lứa gà, mỗi lứa với số lượng 30.000 – 40.000 con, sau khi trừ chi phí mua thức ăn, con giống, bà lãi khoảng 150 triệu đồng/lứa.

Theo thống kê, tính đến thời điểm này tổng đàn vật nuôi của Điện Ngọc là gần 135.000 con, trong đó gia cầm chiếm hơn 90%; hình thành 5 trang trại và 58 gia trại chăn nuôi với quy mô vừa và lớn… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người nông dân trong những đợt khô hạn, nắng nóng kéo dài.

Tình trạng thiếu nước tưới đã diễn ra liên tục trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Đà Nẵng đã chuyển gần 200ha đất lúa sang hoa màu cho thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm; một số diện tích khác, nông dân chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò, cho năng suất từ 120 – 150 tấn cỏ/ha.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, lượng mưa trên địa bàn tỉnh trong gần 6 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 41% so với cùng kỳ. Hiện lượng nước tại các hồ chứa trong tỉnh chỉ còn 206/575 triệu m3, đạt 36% dung tích thiết kế. Đáng quan ngại là đã có 112/165 hồ cạn nước, trong đó huyện Phù Mỹ có 41/44 hồ, Phù Cát 21/22 hồ, Tây Sơn 17/24 hồ, Hoài Nhơn 12/17 hồ, Vân Canh có 5/5 hồ. Hiện toàn tỉnh có 12.067ha cây trồng bị hạn, trong đó có 7.616ha lúa, còn lại là cây màu, diện tích cây trồng bị mất trắng do khô hạn và bị xâm nhập mặn là 787ha.

HÀ MINH – NGUYỄN HÙNG

(SGGP)

Bình luận (0)