Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Miền Trung: Khẩn trương khắc phục sau bão số 4

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 28-9, bão số 4 (Noru) đã tiến sâu vào đất liền các tỉnh miền Trung, trở thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển về phía Lào. Ngay sau khi gió mưa tạm lắng xuống, các địa phương đã huy động nhân lực tập trung triển khai khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống.


Lực lượng quân đội hỗ trợ các cô giáo Trường Mầm non Ngọc Lan (Đà Nẵng) lợp lại laphong

Tại Quảng Nam địa phương nằm trong vùng tâm bão đi qua đã có nhiều thiệt hại nặng nề. Hàng trăm nhà dân, trường học bị tốc mái, vật nuôi và hoa màu bị cuốn trôi và ngập úng… Nhiều người nông dân đứng trước nguy cơ trắng tay. Đơn cử như huyện Hiệp Đức có 33 nhà và nhà xưởng tốc mái; 250ha keo, 16ha cao su tiêu điền bị ngã đổ; 8,7ha cây ăn quả bị xiêu vẹo, ngã đổ; nhiều diện tích hoa màu và vật nuôi bị thiệt hại. Tại huyện Núi Thành có 2 nhà sập, 85 nhà tốc mái; 4 tàu bị trôi dạt và mắc cạn, 2 tàu cá và 2 ghe bị chìm; 10ha lúa bị ngập, 750ha rừng trồng và 30ha cao su bị ngã đổ; 100% diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, sạt lở bờ ao… Huyện Duy Xuyên có 1 trường học bị tốc mài 12 phòng học; 155 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn và một phần; 4 người bị té ngã chấn thương khi chằng chống nhà cửa. TP.Hội An có 1 trường học và 100 nhà dân bị tốc mái, 2 nhà sập; khoảng 100 ha rau màu hư hại… Riêng các huyện miền núi sau bão đang diễn ra mưa, nước từ các sông suối đổ dồn gây ngập cục bộ.

Nhằm sớm ổn định đời sống cho người dân sau bão, các ban ngành đoàn thể trên toàn tỉnh Quảng Nam đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp cây xanh ngã đổ. Nhiều người dân di dời trước bão đã trở về nhà.


Các đoàn thể hỗ trợ Trường Mầm non Ngọc Lan dọn dẹp, trồng lại cây xanh bị bật gốc

Tại Đà Nẵng, ngay từ sáng sớm, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương phối hợp để khắc phục bão. Các lực lượng công an, quân đội, đoàn viên… đã đồng loạt ra quân dọn dẹp xây xanh ngã đổ trên các tuyến phố. Các trường học cũng huy động nhân lực đến vệ sinh trường lớp, cắt cây bị ngã, khắc phục sớm nhất có thể để đưa hoạt động dạy học trở lại bình thường. Cô giáo Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu) cho biết, trường bị bật laphong hành lang tầng 1, tầng 2 và 2 phòng học, bật gốc một số cây xanh trên sân trường. Cùng với sự hỗ trợ của các đoàn thể phường, công tác dọn dẹp, vệ sinh sân chơi, phòng học đã tương đối hoàn thành. Nhà trường sẽ nỗ lực để các cháu học sinh có thể trở lại trường sớm nhất. Cùng ngày, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị trường học thông báo cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ sáng thứ năm (ngày 29-9). Các trường, trung tâm ở địa bàn thấp trũng, bị ngập lụt hoặc cơ sở vật chất bị ảnh hưởng, chưa kịp khắc phục thì báo cáo Sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện (qua phòng GD-ĐT), đề xuất thời gian cho trẻ mầm non, học sinh, học viên đi học trở lại phù hợp với tình hình thực tế.

Tại Thừa Thiên Huế, có 5 người bị thương nhẹ do bão; 1 nhà sập và 190 nhà bị tốc mái, trong đó nhiều nhất là TP.Huế với 107 nhà; 500 cây xanh ngã đổ… Với tinh thần chủ động, tích cực trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương đã có mặt để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão. Tại thôn Khánh Mỹ  (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang) – một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng sau cơn bão số 4 của xã Vinh Xuân, có 6 ngôi nhà bị đổ sập, 68 nhà bị tốc mái, trong đó có 50% tốc mái hoàn toàn; hàng trăm cây ăn trái, cây lấy gỗ của bà con nhân dân bị gãy… Để giúp đỡ bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã giao nhiệm vụ cho 70 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với cấp ủy,  chính quyền, lực lượng dân quân tự vệ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, công an tỉnh sữa chữa nhà cửa, tổng dọn vệ sinh, góp phần cho bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Để khắc phục hậu quả cơn bão số 4, hiện nay thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo bộ đội thường trực, dân quân tự vệ tập trung triển khai trên các hướng, điều động trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ kể cả lực lượng dân quân tự vệ để sớm khắc phục hậu quả, đặc biệt là những khu vực bị ảnh hưởng bạo nặng nề.


Đoàn viên huyện Gio Linh giúp bà con thị trấn Cửa Việt khắc phục sau lốc xoáy

Ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, về cơ bản các trường học trên địa bàn thiệt hại không đáng kể. Công tác khắc phục, dọn dẹp vệ sinh đã được các đơn vị thực hiện và học sinh sẽ tiếp tục trở lại trường vào ngày mai.

Tại Quảng Trị, dù không nằm trong vùng tâm bão nhưng lốc xoáy và mưa lớn đã gây ra nhiều thiệt hại. Trong đó cơn lốc chiều tối 27-9 đã khiến chợ thị trấn Cửa Việt, hàng trăm hàng quán và nhà dân ven biển bị tốc mái, đổ tường. Sáng 28-9, lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Gio Linh đã tiến hành hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả.

Đóng ở địa bàn biên giới thuộc huyện Hướng Hóa, Đồn Biên phòng Thanh đã triển khai 1 tổ tuyên truyền lưu động và 5 tổ xuống địa bàn phối hợp với quân sự xã, đoàn thanh niên 3 xã Thanh, Lìa, Xy chằng chống, gia cố nhà cửa, trường học cho 39 ngôi nhà và 2 điểm trường mầm non. Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh – BĐBP Quảng Trị cho biết, sau khi bão vào đất liền, thành áp thấp nhiệt đới, đơn vị đã huy động lực lượng đến nhà ông Hồ Văn Chăn, sinh 1996 trú tại thôn A Quan, xã Lìa để giúp dọn dẹp, dựng lại nhà cửa bị sập. Đồn Biên phòng Thanh bước đầu đã kịp thời hỗ trợ 50 kg gạo và 1 triệu đồng tiền mặt cho ông Chăn ổn định cuộc sống. Đồng thời cắt cử lực lượng ứng trực tại các đoạn cầu tràn, suối, đường thấp trũng dễ bị ngập sâu do mưa lớn tiếp dục diễn ra để cảnh báo cho bà con tham gia giao thông.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)