Trước diễn biến phức tạp của bão số 6 (bão Trà Mi) với sức gió giật mạnh và mưa lớn khi bão áp sát bờ, ngày 27-10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã khẩn trương tiếp tục triển khai ứng phó với tình hình bão, lũ.
Theo dự báo, vào lúc 10h ngày 27-10, vị trí tâm bão vào khoảng 16.3 độ Vĩ Bắc; 108.2 độ Kinh Đông, nằm trên vùng ven biển Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất: Cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15km.
Tại Quảng Nam, để chủ động ứng phó với bão, mưa lớn, sạt lở đất, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến với ngành, địa phương để triển khai ứng phó với bão số 6 và ban hành các công điện khẩn gửi các ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp, phương án để chủ động ứng phó bão, giảm thiệt hại thấp nhất về tính mạng, về tài sản của người dân.
Theo báo cáo nhanh, tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 25-10 đến 5 giờ ngày 27-10 một số trạm như: Phước Thành (Phước Sơn) 94,00mm; Trà Giáp (Bắc Trà My) 83,8mm; Điện Ngọc (Điện Bàn) 83,8mm; Trà Don (Nam Trà My) 81,8 mm; Tam Trà (Núi Thành) 75,2mm, Trà Vân (Nam Trà My) 73,8mm, Phước Công 71mm…
Tại các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Nam như khu vực đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An), huyện Thăng Bình, khu vực huyện Núi Thành có gió mạnh, sóng biển dâng cao, một số nơi bị mất điện sinh hoạt.
Để đề phòng nguy cơ sạt lở và ngập úng, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện sơ tán hơn 4.400 hộ dân với hơn 18.300 nhân khẩu tại 10 địa phương, gồm: Duy Xuyên, Phước Sơn, Tây Giang, Đại Lộc, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Tiên Phước, Hội An, Nam Trà My và Phú Ninh.
Tại TP.Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, bắt đầu từ 10 giờ ngày 27-10 cho đến khi có thông báo. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, tối ngày 26-10, cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng (Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng) đã vận động di dời các hộ dân thuộc Chung cư 6,7,8 (tổ 50, 51 phường Thuận Phước) do lo ngại điều kiện chống bão không đảm bảo về tập trung tránh trú tại trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) với tổng cộng 17 hộ/47 khẩu. Cùng với đó, tiến hành vận động sơ tán về nhà người thân và thuê nhà nghỉ, khách sạn là 61 hộ /297 khẩu.
Ngoài ra, đơn vị giúp hàng chục hộ dân trên địa bàn chằng chống, gia cố nhà cửa để phòng, chống bão. Lực lượng bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng cũng đã đưa thuyền thúng, ngư cụ của ngư dân về nơi tránh trú an toàn để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Mặt khác, đối với các phương tiện thực hiện nhiệm vụ tiếp liệu, Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng đề nghị di dời ra khỏi âu thuyền, neo đậu tại vị trí hợp lý để đề phòng cháy nổ dây chuyền khi bão đổ bộ.
Hiện tại Đà Nẵng có gần 1.200 tàu, thuyền đánh cá với 8.316 ngư dân đã vào vị trí neo đậu an toàn, không có phương tiện hoạt động trên biển.
Các ban ngành, đơn vị trên toàn thành phố thực hiện các phương án phòng, chống bão. Lực lượng xung kích của Thành đoàn Đà Nẵng ra quân khơi thông cống rãnh tránh ngập úng và cắt cưa cây ngã đổ để đảm bảo an toàn giao thông. Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng đã điều 4 xe thiết giáp của Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699 để chuẩn bị làm nhiệm vụ.
Tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó bão số 6, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị Thủ trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tuyệt đối không được chủ quan; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn,… thực hiện nghiêm túc Công văn số 5297-CV/TU ngày 24/10/2024 của Thành ủy Đà Nẵng; Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 25/10/2024 và Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 26/10/2024 của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng về ứng phó với Bão số 6 (Bão TRAMI). Thực hiện nghiêm túc công tác ứng trực thường xuyên tại các địa phương, đơn vị,… chốt chặn tại các khu vực nguy hiểm, ngập lũ,… hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân;
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố chủ trì phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy cho các phương tiện đang neo đậu, trú tránh bão, đặc biệt chú ý các phương tiện neo đậu tại các điểm như trên bãi biển Nguyễn Tất Thành, vịnh Mân Quang, Sông Hàn,… Thực hiện nghiêm lệnh cấm ra biển, không cho các phương tiện xuất bến cho đến khi có thông báo mới.
Các địa phương, đặc biệt là các quận/huyện Sơn Trà, Liên Chiểu, Hòa Vang chú ý các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá,… Tổ chức sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân theo phương án đã được phê duyệt;
Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, Công ty Công viên cây xanh và phối hợp với UBND các quận huyện, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện dọn dẹp rác, khơi thông các miệng hố thu nước để đảm bảo thoát nước, phòng, chống ngập lụt; kịp thời tổ chức dọn dẹp, xử lý cây xanh bị ngã đổ để đảm bảo an toàn.
Tại Thừa Thiên Huế, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu người dân không được ra đường từ 7h sáng 27-10 cho đến khi có thông báo mới (trừ lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có nguy cơ ngập lụt do mưa lớn liên tục và nước đổ về từ thượng nguồn. Lượng mưa từ 19h ngày 26-10 đến 6h sáng nay ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phổ biến 50-100mm, một số nơi cao hơn như Vườn Quốc gia Bạch Mã 146,6mm; huyện Nam Đông 144,0mm; cảng Tư Hiền 129,0 mm. Tại các vùng thấp trũng, lực lượng chức năng đã nhắc nhở và hỗ trợ người dân kê cao đồ đạc, khẩn trương đến nơi an toàn để trú tránh.
Hiền Lương
Bình luận (0)