Các gốc cây đều bị chiếm chỗ ngay từ 9 giờ sáng
|
Mới đầu mùa hạ nhưng tại địa bàn các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, nhiệt độ ở ngoài trời nhiều nơi đã lên tới 43, 44 độ C. Nắng nóng khiến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị đảo lộn; bệnh tật tăng đột biến, hàng chục hécta rừng bốc cháy ngùn ngụt…
Bệnh nhân nhập viện tăng đột biến
Mặc dù mới bước vào đầu mùa hè, nhưng ở miền Trung những ngày này liên tục diễn ra nắng nóng, cực điểm có nhiều ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến 44, 45 độ C. Không chịu được cái nắng nóng bất thường, người dân đổ xô về các bãi biển hóng mát. Những nơi như Công viên 29-3 (Đà Nẵng), công viên hai bên bờ sông Hương (Huế), Công viên Lê Duẩn (Đông Hà, Quảng Trị) bất kể gốc cây nào cũng trở thành điểm tránh nắng lý tưởng bởi nếu ở trong nhà ngay từ tầm 9 giờ sáng đã trở nên vô cùng ngột ngạt, oi bức. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các bãi biển Đà Nẵng, chưa đến 4 giờ chiều, người dân, du khách và cả hàng ngàn sinh viên đang theo học tại các trường đại học với đủ loại xe máy, ô tô, taxi đổ xô về đây tránh nắng. Người động nghịt, cả bãi biển kéo dài hàng chục cây số đâu đâu cũng thấy một biển người. Ông Lê Cầm (72 tuổi), một người dân Đà Nẵng nói: “Tui sống ở đây gần cả đời người rồi mà chưa khi nào thấy cái nắng oi bức như mấy ngày ni”.
Nắng không chỉ gây nên tình trạng “quá tải” ở các nơi có bóng mát mà còn khiến tỷ lệ mắc bệnh tăng cao. Chỉ tính trong vòng 5 ngày trở lại đây, mỗi ngày Trung tâm Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tiếp nhận, khám và điều trị cho khoảng 700 lượt người. Trong đó bệnh nhi chiếm từ 300 đến 400 lượt. Hiện tại, Trung tâm Phụ sản – Nhi đang điều trị nội trú cho gần 900 bệnh nhi trong khi đó, trung tâm chỉ có 120 giường bệnh, điều này dẫn đến tình trạng quá tải. Người nhà lẫn bệnh nhân phải trải chiếu dọc hành lang mới có chỗ nằm.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, ông Hà Lâm Chi, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp cho biết, do tình trạng nắng nóng, bệnh nhân nhập viện điều trị tăng khá cao, gấp 20% so với các tháng trước, nhiều nhất là trẻ em và người già. Bệnh nhân chủ yếu mắc phải các bệnh về hô hấp; sốt; đường ruột; chân – tay – miệng… Chỉ tính riêng trong ngày 2 và 3-5, số bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị tăng đột biến (gần 700 ca); trong đó bệnh nhi chiếm 79/55 giường bệnh!
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị lưu ý người dân cần chú trọng sức khỏe, tránh bị say nắng. Nhất là với nông dân trong mùa gặt thường làm việc quá sức trên nắng, dưới nước rất dễ ngã bệnh. Một khi bị say nắng bệnh nhân rất dễ bị tổn hại về thận, não. Do đó, với tình trạng này, người dân phải hết sức chú trọng cho việc tránh nắng nóng. Ông Thành cũng cho biết, trước tình hình này, Sở Y tế đã tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị ban hành công văn chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống các bệnh do nắng nóng gây ra, đặc biệt là các bệnh liên quan đến trẻ em…
Hàng chục hécta rừng bốc cháy ngùn ngụt
15ha rừng ở đèo Hải Vân (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) bốc cháy ngùn ngụt
|
Nắng nóng gây ra tình trạng hanh khô khiến những khu rừng dày đặc cây cối cỏ tạp ở khu vực miền Trung luôn trong tình trạng cảnh báo cháy mức độ đặc biệt. Vào khoảng 14 giờ ngày 2-5, tại tiểu khu 11 (thuộc P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã xảy ra vụ cháy rừng làm thiêu rụi khoảng 15ha rừng tạp. Ngay sau khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng thành phố đã huy động hơn 500 chiến sĩ gồm: Bộ đội, dân quân tự vệ, lực lượng công an cùng người dân tham gia dập lửa, ngăn chặn đám cháy phát sinh. Tuy nhiên, do nắng nóng gay gắt kết hợp với gió mạnh, địa hình đồi núi phức tạp, đường cứu hộ không có, việc chữa cháy buộc phải hoàn toàn thủ công theo kiểu dùng rựa cắt rừng để ngăn cháy nên gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Văn Rộng (Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đà Nẵng), nơi xảy ra cháy rừng là một khu sân bay dã chiến cũ vốn vẫn còn nhiều thuốc bồi cũ để lại. Vì thế, nguyên nhân ban đầu được xác định không ngoại trừ khả năng trời nắng nóng làm thuốc nổ phụt lửa gây ra cháy rừng.
Sau một đêm thức trắng, huy động tối đa phương tiện và hơn 1.000 con người vật lộn với lửa để ngăn cháy nhưng do địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, nơi xuất phát cháy rừng lại có độ cao cách mực nước biển gần 600 mét, cây cối rậm rạp nên đến rạng sáng ngày 3-5 đám cháy vẫn chưa bị khống chế hoàn toàn, có khả năng lây lan rộng sang các khu rừng đặc dụng xung quanh và lan rộng sang phần rừng của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã có mặt tại hiện trường kịp thời chỉ đạo việc chữa cháy. Đồng thời, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng đã gọi điện thoại thông báo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế để kịp thời có biện pháp phối hợp ngăn chặn đám cháy đe dọa lây lan thiêu rụi hàng trăm hécta rừng của hai tỉnh này.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ông Phạm Văn Rộng (Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đà Nẵng) cho biết, hiện Đà Nẵng có khoảng 50.000ha rừng, đa phần là rừng đặc dụng. Nắng nóng gay gắt, cộng với gió Tây Nam thổi mạnh đang là vấn đề cảnh báo cho nhiều khu rừng đứng trước nguy cơ cháy rất cao. |
Bình luận (0)