Vừa tổ chức ôn tập trực tiếp lẫn trực tuyến tùy theo tình hình địa phương, vừa làm công tác tâm lý cho học sinh và bố trí tăng điểm thi kèm phòng thi dự phòng… chuẩn bị cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là những gì các tỉnh thành tại miền Trung như Quảng Trị và Đà Nẵng đang thực hiện.
Học sinh một số trường ở Quảng Trị ôn tập trực tiếp tại trường đến sát ngày thi
Giúp học sinh ôn tập đến sát ngày thi
Trong khi nhiều trường ở đồng bằng việc ôn tập đã tạm thời kết thúc, thì ở miền núi Quảng Trị các trường vẫn miệt mài ôn tập cho học sinh nhằm giúp các em duy trì điểm rơi để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Thầy Nguyễn Hữu Thịnh – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết: “Do nhiều lý do khách quan và chủ quan, mặt bằng lực học của các em học sinh còn chưa tốt so với miền xuôi nên nhà trường chú trọng ôn tập cho các em đến sát ngày thi. Với mục tiêu ôn tập bám sát đối tượng, rèn kỹ năng làm bài để có được kết quả tốt nhất. Nằm ở địa bàn vùng cao, dịch bệnh được kiểm soát tương đối ổn nên nhà trường quyết định cho học sinh ôn tập trực tiếp ở trường để tránh việc học sinh về nhà ở các bản làng xa xôi, không có đủ điều kiện và phương tiện học tập. Bên cạnh đó, học sinh ở lại học trực tiếp cũng giúp các em có thêm thời gian để giáo viên động viên tinh thần, tư vấn tâm lý trước khi bước vào kỳ thi quan trọng. Dự kiến đến 2-7, chương trình ôn tập sẽ kết thúc”. Toàn trường có 127 thí sinh khối lớp 12 đăng ký dự thi. Để đảm bảo cho các em có đầy đủ trang thiết bị dự thi, nhà trường cũng đã kêu gọi hỗ trợ được 200 cuốn Atlat môn địa lý và 150 máy tính cầm tay Casio để cho học sinh mượn dự thi.
Nằm ở địa bàn vùng cao, nơi có nhiều đồng bào Cơ Tu sinh sống, điều kiện kinh tế còn khó khăn, thầy Nguyễn Bá Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, toàn trường có 416 học sinh khối lớp 12. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc ôn tập cho học sinh hơn 1 tháng này thực hiện thông qua dạy học trực tuyến. Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã quán triệt đến từng giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lập nhóm để giữ sợi dây liên lạc giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh để hỗ trợ các em khi cần. “Do địa bàn có 4 xã vùng núi điều kiện còn khó khăn, nhiều em là con em đồng bào thiểu số đời sống còn nghèo, mặt khác thời tiết khắc nghiệt, điều kiện ôn tập ở nhà không được đầy đủ và mát mẻ như ở trường nên nhà trường cũng rất lo. Dự kiến, sẽ giúp các em ôn tập, chủ yếu thời điểm này là giải đề bám sát cấu trúc minh họa của Bộ GD-ĐT và hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho các em đến trước ngày thi khoảng 1 tuần. Trong năm học nhà trường đã tư vấn cho học sinh chọn khối, ngành để ôn tập sớm tuy nhiên đây là thời điểm nước rút nên việc giao bài, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở cũng như làm công tác tư vấn cho học sinh được thực hiện thường xuyên hơn”, thầy Hảo cho biết thêm.
Bố trí thêm điểm thi dự phòng vì Covid-19
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy ngành giáo dục Quảng Trị và Đà Nẵng đã lên phương án cụ thể để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cán bộ làm nhiệm vụ thi. TS. Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Quảng Trị có 8.529 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 536 thí sinh so với năm 2020); trong đó có 461 thí sinh chỉ thi lấy điểm xét ĐH, CĐ và 1.748 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT. Sở huy động 2.023 người. Trong đó: 1.438 cán bộ, giáo viên; 18 cán bộ của Sở GD-ĐT; 567 nhân viên y tế, bảo vệ, phục vụ (trong đó: y tế 102; công an bảo vệ 220; phục vụ 245 người). Ngoài ra, bố trí dự phòng 370 cán bộ, giáo viên, nhân viên khối Phòng GD-ĐT để điều động tăng cường làm thi trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Toàn tỉnh có 30 điểm thi (tăng 6 điểm so với năm 2020), với 366 phòng thi, trong đó có 24 điểm thi liên trường, 6 điểm thi độc lập. Mỗi điểm thi bố trí 2 phòng thi dự phòng và 1 phòng cách ly y tế tạm thời.
Ngoài 30 điểm thi chính thức, bố trí 1 điểm thi dự phòng đặt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. “Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh có phát sinh các đối tượng thí sinh thuộc diện F1, hội đồng thi sẽ kích hoạt phương án tổ chức thi tại điểm thi dự phòng đối với các thí sinh này trong toàn tỉnh. Sở cũng sẵn sàng các phương án thay thế, bổ sung khi có cán bộ không đáp ứng yêu cầu về sức khỏe; không cử cán bộ thuộc diện F0, F1, F2 tham gia các khâu của kỳ thi”, TS. Lê Thị Hương cho biết.
Trong khi đó ở Đà Nẵng – địa phương vừa có đợt dịch lần thứ 5 bùng phát lại vào ngày 18-6, việc tổ chức kỳ thi đang được ngành giáo dục cũng như Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố theo sát từng diễn biến. Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết: “Thời điểm này, các trường THPT gần như đã kết thúc thời gian ôn tập trực tuyến. Học sinh chủ yếu dành thời gian giải đề thi của các môn do thầy cô giáo cung cấp để làm quen với các dạng đề, rèn kỹ năng làm bài và làm quen với tâm lý thi cử. Một số trường THPT, dựa vào nền tảng có sẵn khi tổ chức kiểm tra cuối học kỳ với khối lớp 10, 11, đã tổ chức thi thử theo hình thức trực tuyến cho học sinh lớp 12”.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: “Đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn chưa quyết định dời lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Thành phố đã rất khẩn trương và ưu tiên cho công tác truy vết, cách ly và xét nghiệm những trường hợp nguy cơ nhằm khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đà Nẵng có 31 điểm thi, trong đó có 1 điểm thi dự phòng cho các đối tượng F1, F2 và vùng cách ly y tế đặt tại Trường THPT Võ Chí Công. Tại mỗi điểm thi đều có ít nhất một phòng thi dự phòng. Ngoài ra, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đồng thời dự kiến đặt 14 điểm thi dự phòng, để dự phòng các tình huống đặc biệt của yêu cầu phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ làm công tác thi phải thay đổi điểm thi.
Phan Nhật Lệ
Bình luận (0)