Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Miền Trung sau bão lũ: Dốc sức khôi phục sản xuất nông nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 27-11, tại Quảng Trị, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai”. Gần 150 đại biểu các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tham dự.

Quảng Trị huy động lực lượng khơi thông kênh mương nội đồng  bị vùi lấp sau bão lũ. Ảnh: VĂN THẮNG
Quảng Trị huy động lực lượng khơi thông kênh mương nội đồng bị vùi lấp sau bão lũ. 

Ưu tiên giống ngắn ngày
Theo Bộ NN-PTNT, ngoài thiệt hại về người, nhà cửa và các công trình dân sinh, bão lũ dồn dập từ cuối tháng 9 đến tháng 11-2020 ở miền Trung đã gây thiệt hại kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng. Lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại nặng nề với hàng vạn hécta lúa; cây công nghiệp, cây ăn quả và cây trồng khác bị thiệt hại hơn 70%; hàng triệu con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi… Khó nhất là vụ đông xuân cận kề nhưng 2.620ha đất nông nghiệp bị vùi lấp, lượng giống dự trữ trong dân đều đã bị hư hỏng hoặc lũ cuốn trôi…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo hỗ trợ giống rau, xây dựng các mô hình điểm tái thiết sản xuất ở các địa phương miền Trung, như bưởi Thanh Trà ở Thừa Thiên – Huế, hồ tiêu ở Quảng Trị… Đồng thời, sẽ xin Thủ tướng cho các tỉnh ứng trước giống, kịp thời sản xuất. Định hướng về con giống, vật nuôi trong thời gian đến, Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, đang hỗ trợ người dân sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt lương thực ngắn ngày để phục vụ nhu cầu trước mắt. Trong đó, ưu tiên các giống rau màu, vật nuôi có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể thu hoạch sớm.
Tại hội nghị, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Seed, gửi lời chia sẻ với đồng bào 6 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lũ, và cho biết, công ty sẽ tặng 50 tấn giống hỗ trợ bà con.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp 
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, hiện 745km kênh mương bị vùi lấp, ảnh hưởng đến vụ đông xuân. Ngoài ra, hơn 300 trạm bơm bị ngâm nước, bồi lắng cửa vào, cửa ra. Máy móc ngâm nước lâu ngày rất có thể hỏng hóc nặng. Thủy lợi nội đồng dù đã kiên cố hóa vẫn bị sạt lở nặng, bồi lắng. “Đây là vấn đề cần xử lý ngay, các địa phương khẩn trương vào cuộc. Tôi thấy, cần có chiến dịch toàn dân ra quân làm thủy lợi nội đồng, như cách Quảng Trị đã và đang làm”, Thứ trưởng Hiệp đề nghị.
Trước thực trạng đất sản xuất bị bồi lấp nặng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh đánh giá kỹ thực trạng hơn 3.000ha ruộng bị vùi lấp đất, cát do mưa lũ, để có giải pháp sản xuất phù hợp. Nơi nào bùn cát vùi lấp mỏng thì có thể khắc phục để tái sản xuất cho vụ đông xuân 2020-2021; nơi nào vùi lấp quá dày thì có thể nghiên cứu, xem xét chuyển đổi sang sản xuất cây trồng khác phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Chúng ta phải triển khai đánh giá lại toàn bộ tái cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Đối với những điểm sạt lở từ biển, núi, đồng bằng, các địa phương phải tính toán lại tổng thể đề án quy hoạch, chiến lược phát triển căn cơ, nhằm đảm bảo không chỉ thích ứng mà phải chủ động thích ứng một cách bền vững bằng các nhóm giải pháp. Bộ sẽ có đề xuất Chính phủ, Trung ương có những chương trình tổng thể, dự án phù hợp đảm bảo được mục tiêu thích ứng với thiên tai một cách chủ động, biến nguy thành cơ”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không được chủ quan, tuyệt đối không để dân đói. 16.000 tấn gạo vừa rồi chưa giải quyết hết vấn đề, vì còn nhiều vùng chia cắt. Mặt khác, không chỉ có gạo mà người dân còn cần các loại thực phẩm khác. Về môi trường, phải tiếp tục đẩy mạnh việc vệ sinh chuồng trại, ao nuôi. Chính quyền, doanh nghiệp, người dân cần huy động tổng lực, không chỉ đợi công ty môi trường. Năm nay, dự báo mùa đông đến sớm, rét đậm, mưa phùn, gió bấc, chúng ta phải hết sức thận trọng. Ví dụ như dịch tả heo châu Phi rất dễ lây lan trong điều kiện như thế. Trong trung hạn và dài hạn, cần đánh giá lại toàn bộ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.
“Chúng ta cần xác định sống chung với các hiện tượng lũ lụt, mưa bão, biến đổi khi hậu là bình thường. Từ đó, có sự thích ứng, đưa ra được đối tượng, quy trình sản xuất, giải pháp tổng thể phù hợp với điều kiện này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận.
VĂN THẮNG (theo SGGP)

 

Bình luận (0)