Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Miền Trung vào “mùa” thiếu nước

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều địa phương ở miền Trung đang bước vào cao điểm khô hạn, không ít vùng thiếu nước trầm trọng. Cùng đó là tình trạng thiếu nước hồ đập lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Thi công dự án hồ chứa nước Đồng Mít (An Lão, Bình Định). Ảnh: NGỌC OAI
Thi công dự án hồ chứa nước Đồng Mít (An Lão, Bình Định). 

Khô hạn bên hồ chứa nước
Trên địa bàn huyện Phù Mỹ (Bình Định) có 45 hồ chứa thủy lợi, nhưng mùa khô lại không đủ lượng nước cấp cho ruộng đồng, dân sinh. Một lãnh đạo phụ trách lĩnh vực thủy lợi tỉnh Bình Định thừa nhận, số lượng hồ chứa ở Phù Mỹ dày đặc, song toàn hồ nhỏ và siêu nhỏ nên khả năng tích nước không cao. Vài tháng đầu mùa khô là hầu hết các hồ chứa đều cạn, không đủ khả năng chống hạn lâu dài. Giữa cái nắng gay gắt đầu tháng 7, bà Võ Thị Thìn (68 tuổi) chỉ tay lên phía hồ chứa Hố Trạnh (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) than: “Ở bên hồ chứa mà ruộng đất của người dân thôn Công Trung này vẫn khô cháy, khát nước, lúa chỉ làm 1 vụ”.
Tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình), theo lời Bí thư Huyện ủy Bùi Anh Tuấn, trên địa bàn có hàng chục hồ đập lớn nhỏ, nhưng vì là vùng núi rẻo cao, nên vào mùa khô tầm 2 tháng, gặp nắng nóng gay gắt là nước trong các hồ về mực nước chết, khiến hoạt động sản xuất của bà con rất khó khăn. Thời điểm này, các hồ nhỏ và siêu nhỏ đã cạn, báo động nhất là hồ xã Minh Hóa, hồ Yên Hóa. 
Trong khi đó, hơn 21.000 dân xã Vĩnh Ninh, Lương Ninh (thị trấn Quán Hàu, tỉnh Quảng Bình) dù nằm cạnh hồ Trôốc Trâu đang chứa khoảng 11 triệu m3 nước, nhưng vẫn khát nước sinh hoạt. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh Đỗ Mười cho hay, hồ chứa vận hành từ năm 2016 nhưng không có cửa đóng xả đáy nên mùa lũ nước trôi tuột về tạo lũ, lại còn không có hệ thống dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. 
Người dân 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) may mắn hơn khi đã được cấp nước từ Nhà máy nước Rào Nan gần 5 năm nay. Vậy nhưng thời điểm này, người dân lo ngay ngáy vì nước đóng cặn đá vôi. Bí thư Chi bộ thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) Nguyễn Khắc Tiến cho biết, nước sinh hoạt từ Nhà máy nước Rào Nan đóng cặn trắng xóa sau khi đun sôi để nguội. Mặc dù người dân rất lo lắng cho sức khỏe, nhưng do không còn nguồn nước nào khác nên phải dùng liều. 
Tại thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), nguồn nước sinh hoạt cấp cho dân chủ yếu lấy từ hồ Liệt Sơn và đầm Lâm Bình. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, 2 vùng chứa nước này không đủ cấp cho dân. 
Giải khát bền vững
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Hồ Đắc Chương cho biết, tại Phù Mỹ, tỉnh đang đề ra 2 giải pháp giải hạn căn cơ, trong đó có giải pháp chuyển nước từ hồ Đồng Mít (An Lão) về Lại Giang (Hoài Nhơn) và phía Bắc huyện Phù Mỹ. “Cùng đó, chúng tôi đề xuất nghiên cứu chuyển nước từ hồ chứa Định Bình, vừa giúp điều tiết, phòng chống lũ cho vùng hạ du, vừa giúp chống hạn cho khu vực Phù Cát, Phù Mỹ. Dung tích hồ chứa Định Bình là 230 triệu m3, nếu nâng cấp sức chứa thêm 150 triệu m3 là có thể giải quyết căn cơ câu chuyện hạn hán ở Phù Mỹ thông qua hệ thống kênh thủy lợi. Tuy nhiên, dự án này cần kinh phí lớn”, ông Hồ Đắc Chương cho hay.
Với tình trạng hồ Liệt Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn cho biết, Bộ NN-PTNT vừa đồng ý đầu tư, nâng cấp hồ chứa Núi Ngang từ dung tích 21 triệu m3 nước hiện tại lên 31 triệu m3 để tiếp sức cho hồ Liệt Sơn, giải hạn cho các xã phụ cận thị xã Đức Phổ. Ngoài ra, Quảng Ngãi đang nâng cấp, đầu tư mới 2 hồ thủy lợi Hóc Cày, Bàu Đăng (xã Phổ Cường) với nguồn vốn trên 90 tỷ đồng để cung cấp nước vùng hạn Đức Phổ. 
Về Nhà máy nước Rào Nan đóng cặn đá vôi, Giám đốc dự án Cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch Nguyễn Thế Hào cho biết, nhà máy được đầu tư 12 triệu EUR, vốn vay ODA của Hungary. Dự án hoàn thành năm 2016, cấp nước sinh hoạt cho 10 xã vùng Nam huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn). Ngay khi mới đưa vào sử dụng, người dân cũng đã phản ánh hiện tượng này và ban quản lý dự án đã đưa nước đi kiểm nghiệm, nhưng các thành phần độc hại đều nằm dưới ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế về nước sinh hoạt. Hiện nay, mỗi tháng địa phương 3 lần lấy mẫu đi xét nghiệm tại CDC Quảng Bình nhưng không thấy có gì bất thường. 
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành cấp nước sinh hoạt, hiện tượng nói trên là do Nhà máy nước Rào Nan đang lấy nước mặt, mà ở thượng nguồn lại có rất nhiều núi đá vôi nên nước bị nhiễm MgCaCO3. Trong lúc đó, công nghệ lắng lọc, xử lý hàm lượng đá vôi hòa tan trong nước rất khó và tốn kém. Rất có thể Nhà máy nước Rào Nan chưa xử lý triệt để hiện tượng này. Nếu dùng nước này lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như gây khô tóc, khô da, sỏi thận, sỏi mật, tắc động mạch.
MINH PHONG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)