Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Miếng ăn tẩm kháng sinh!

Tạp Chí Giáo Dục

Người tiêu dùng đang đối mặt với các loại thực phẩm chứa tồn dư chất kháng sinh mà không biết. Mỗi miếng thịt, con tôm, con cá… có thể là những bịch kháng sinh liều cao vô hình tuồn vào cơ thể qua đường ăn uống. Chúng vô tình khiến cho các loại kháng sinh thực sự mất tác dụng khi điều trị…

Với những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu như thủy sản, mật ong... chúng ta phải “nói không với kháng sinh”. Ảnh: Như Ý.
Với những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu như thủy sản, mật ong… chúng ta phải “nói không với kháng sinh”. Ảnh: Như Ý.

Phát sợ trước tình trạng lạm dụng kháng sinh

Thời gian qua, nhiều thị trường lớn như Nhật, EU… liên tục cảnh báo vi phạm của các lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật. Chỉ tính năm 2015, gần 260 lô hàng thủy sản Việt Nam bị các nước nhập khẩu cho “hồi hương” vì hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép. Trong quý I/2016, con số trên là 31 lô, trong đó, 10 lô vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh (Nhật, EU cảnh báo nhiều nhất).

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện ngành thủy sản cấm doanh nghiệp trộn kháng sinh khi sản xuất thức ăn thủy sản và có 23 loại hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong ngành này. Ngành cũng khuyến cáo người dân không dùng kháng sinh để phòng bệnh, chỉ sử dụng khi xác định được nguyên nhân gây bệnh cho tôm, cá là vi khuẩn (kháng sinh không có tác dụng với virus, nấm). Tuy nhiên, với tâm lý “ăn chắc”, sợ  dịch bệnh sẽ “trắng tay”, nhiều hộ nuôi tôm đã tự mua kháng sinh về trộn với thức ăn; thậm chí đổ cả kháng sinh nguyên liệu trực tiếp xuống ao nuôi.

    “Trong chăn nuôi và thủy sản đang có tình trạng lạm dụng kháng sinh. Ăn thực phẩm tồn dư kháng sinh nhiều dần sẽ bị nhờn thuốc và khi đó sẽ rất khó chữa bệnh, nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của chúng ta cũng bị cảnh báo, trả về… nên phải làm mạnh với kháng sinh như chất cấm, và làm tận gốc”.
    Bộ Trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát

Theo Bộ NN&PTNT, năm ngoái, qua kiểm tra tại cửa hàng thuốc thú y, cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, TPHCM… cơ quan chức năng của Bộ đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng. Trong đó, có nhiều sản phẩm thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm sinh học đang dùng ngoài luồng, hoặc chưa được cho phép sản xuất, kinh doanh. Đáng lo ngại, nhiều cửa hàng thuốc thú y mua từng thùng nguyên liệu kháng sinh, sau đó đó chia ra những gói nhỏ, loại 1kg  hoặc 0,5 kg để bán cho người nuôi. Thậm chí, cửa hàng còn bán loại thuốc cấm dùng để phòng, trị bệnh thủy sản như Enrofloxacin…

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cũng cho phép sử dụng trên 40 loại hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) cho lợn, gia cầm, bò thịt… để kích thích tăng trưởng.  Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, kháng sinh có nhiều loại, dùng để kích thích tăng trưởng, phòng bệnh, nhưng quan trọng nhất là để chữa bệnh.

Với khoảng trên 15,5 triệu tấn TACN công nghiệp được sản xuất mỗi năm, sẽ “ăn” một lượng kháng sinh rất lớn. Về việc lạm dụng kháng sinh, ông Lịch cho biết, trong bối cảnh ngành sản xuất cám cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay, những DN nhỏ dễ “đổ” nhiều kháng sinh trong thức ăn nhất.

“Hai doanh nghiệp cùng bán một loại cám, đáng ra cả hai phải dùng liều lượng kháng sinh theo quy định, thì doanh nghiệp này cho kháng sinh vào cám nhiều hơn. Mục đích là để phòng bệnh, lợn gà, chứ không phải là kích thích sinh trưởng. Người dân thấy cám ông này nuôi mà không bị dịch bệnh thì khen cám tốt! Tuy nhiên, lượng kháng sinh tồn dư sẽ tích tụ dần trên thịt của vật nuôi, và nếu không đảm bảo thời gian trước khi giết mổ, nó lại đến miệng người tiêu dùng”- ông Lịch nói.

Miếng ăn tẩm kháng sinh!     - ảnh 1
Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản đang ở mức báo động. Ảnh: Nam Khánh.

Nguy cơ nhờn thuốc

Theo các chuyên gia, nếu cho dùng kháng sinh “vô tội vạ”, hậu quả sẽ khôn lường. PGS. TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vệ sinh ATTP Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Khác với chất cấm dùng để tăng trọng như Salbutamol, các loại kháng sinh hiện nay đang được phép sử dụng khá phổ biến cho vật nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, việc lạm dụng khiến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm gây nhiều lo ngại.

Theo bà Hảo, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, lạm dụng kháng sinh sẽ gây nhờn thuốc. Lượng kháng sinh tồn dư trên thực phẩm, khi người ăn vào sẽ tăng sức kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh. Lúc đó chúng ta có bệnh nhưng “hết thuốc chữa”. “Mặt khác, trong điều trị bệnh, cũng chỉ cho phép sử dụng kháng sinh, hóa chất một thời gian ngắn. Nếu dùng dài sẽ ảnh hưởng đến gan. Nhiều người gan yếu, đào thải độc sẽ kém đi có thể sinh ra nhiều bệnh khác nhau” – TS Hảo nói.

Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, kháng sinh cũng là “con dao hai lưỡi”, dùng đúng sẽ có tác dụng tốt, nhưng quá liều, có thể khiến vật nuôi bị “nghiện” kháng sinh, có thể ốm yếu.

TS Thịnh cũng cho rằng, một trong những lo ngại hiện nay, chính là dùng kháng sinh ở khâu bảo quản dẫn đến tồn dư rất cao.

“Do kháng sinh có thể diệt khuẩn, vì sợ thịt ôi, bốc mùi, nên nhiều tiểu thương bán thịt phun phủ kháng sinh trên bề mặt miếng thịt. Cách làm vô tội vạ này, khiến tồn dư không biết bao nhiêu mà kể, lại độc hại. Vậy nên, kháng sinh bị cấm trong sản xuất thực phẩm. Do đó, người tiêu dùng nếu mua thịt về, để chắc ăn, có thể ngâm qua một chút nước muối, sau đó, có thể rửa sạch rồi luộc, xào nấu sẽ an toàn hơn”, TS Thịnh nói.

Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)