Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Miệt mài làm đẹp cho đời!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gii thưng Võ Trưng Ton năm 2019 tiếp tc vinh danh nhng tm gương nhà giáo tr yêu ngh. Vi trái tim “nóng” nhit huyết vi ngh, h đã và đang mit mài làm đp cho đi, cho ngh

Cô Nguyn Th Bích Duyên vui cùng hc sinh

Cô giáo “nh mà có võ”

Sinh năm 1987, cô Nguyễn Thị Bích Duyên (giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Q.Tân Phú) là giáo viên trẻ tuổi nhất trong số 50 giáo viên nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019. “Nhỏ mà có võ”, tính đến nay tròn 10 năm gắn bó với nghề, số lượng bằng khen cô Duyên nhận được đã chạm mốc con số 40 qua các hội thi: Giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên viết chữ đẹp, thiết kế đồ dùng dạy học…

Có mẹ làm giáo viên tiểu học tại ngôi trường cô Duyên đang công tác, tuổi thơ của cô gắn với những buổi lẽo đẽo theo mẹ đến trường, ngồi yên hàng giờ ngắm nhìn mẹ đứng trên bục giảng dạy. Đó còn là những buổi tối phụ mẹ kèm miễn phí các bạn học sinh học yếu, kém tại nhà. “Ngày ấy, yêu thương mẹ nên tôi mê luôn nghề giáo. Khi còn nhỏ thì chỉ mơ ước thôi. Lớn lên một chút, hình ảnh mẹ và thầy cô tận tụy với học sinh càng để lại trong tôi nhiều ấn tượng, trở thành động lực để tôi quyết tâm theo nghề giáo”, cô Duyên bộc bạch.

Ngày mới “chân ướt chân ráo” vào nghề, cô Duyên được phân công phụ trách học sinh lớp 5. Mọi sự mới toanh đã khiến cô gặp nhiều bỡ ngỡ. Cô Duyên kể: Đó là trường hợp một học sinh lấy trộm tiền nhưng nói dối với phụ huynh là bị bạn trong lớp bắt nạt, trấn lột, và phụ huynh thay vì tìm hiểu ngọn ngành thì lại vào trường làm ầm ĩ lên, gặp trực tiếp học sinh để tra hỏi. “Suốt nhiều năm qua, đó vẫn là hình ảnh ám ảnh tôi mãi và là bài học của nghề mà có lẽ suốt cuộc đời này tôi không quên. Ngày ấy, vì mới ra trường chưa có kỹ năng xử lý nên câu chuyện trên đã khiến học sinh tổn thương, bản thân tôi cũng tổn thương”, cô Duyên nói.

Từ bài học đó, cô Duyên đăng ký học khóa tham vấn tâm lý để có thêm nhiều kỹ năng “chạm” đến học sinh, qua đó có thể trò chuyện, tháo gỡ những hiểu lầm với phụ huynh. Khi làm công tác chủ nhiệm khối 1, nhận thấy những khoảng trống tình cảm, kỹ năng kết nối, chăm sóc bản thân và quan tâm đến người khác ở học sinh còn yếu, năm học 2017-2018, cô Duyên đã mạnh dạn đưa ra sáng kiến kinh nghiệm “Giải pháp phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc giáo dục, rèn kỹ năng sống cho học sinh đạt hiệu quả”. Với sáng kiến này, cô Duyên trao cho phụ huynh những “phiếu làm việc nhà” để phụ huynh ghi nhận những việc làm tốt của con, đơn giản như phụ mẹ quét nhà, rót nước mời ông bà, tự mình mặc áo…; còn cô sẽ tặng học sinh những bông hoa mặt cười. “Chỉ là những việc làm rất nhỏ bé nhưng mỗi ngày, từng chút một lại hình thành trong học sinh những đức tính tốt, đó là sự quan tâm, chia sẻ với người thân, bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh, tránh xa thói vô cảm. Sáng kiến này hiện vẫn được tôi duy trì”, cô Duyên cho biết.  Cũng trong hành trình giáo dục nhân cách cho học sinh, gắn kết với phụ huynh, cô Duyên còn cùng phụ huynh dẫn học sinh đi thăm các mái ấm, nhà mở nuôi trẻ mồ côi vào những dịp lễ, Tết. Cách họp phụ huynh hàng năm cũng được cô đổi mới bằng hình thức trao gửi những bức thư. Đặc biệt, để học sinh yêu thích đến trường hơn, cô đưa ra sáng kiến “chào hỏi” các em mỗi ngày đến lớp bằng việc ôm, nhảy, đập tay, bắt tay… “Mỗi học sinh mà phụ huynh trao cho tôi đều là một kho báu. Nhiệm vụ của tôi là gìn giữ và khai sáng kho báu đó. Mỗi học sinh đều là một câu chuyện, buồn có, vui có. Để hòa cùng với học sinh, để học sinh “theo” giáo viên thì không gì khác là thầy cô phải hiểu được những câu chuyện của các em. Thậm chí, khi làm chủ nhiệm lớp, không phải xong một năm là “phủi tay”, thầy cô phải luôn theo sát học sinh, nhất là những em học yếu, kém”, cô Duyên quan niệm. Bởi vậy, với các lứa học sinh của cô Duyên, dù cô không còn chủ nhiệm lớp nhưng nhiều em sau giờ học vẫn nấn ná ở lại trò chuyện cùng cô, nhiều em đến trường sớm để được gặp cô… Lứa học sinh lớp cô chủ nhiệm đầu tiên giờ đã là sinh viên ĐH, vẫn hay tìm đến cô để kể cho cô nghe những câu chuyện buồn vui về gia đình, tình cảm, các em vẫn coi cô là “cô chủ nhiệm của em”…

Cô Nguyễn Lý Bích Chiêu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám) cho biết: “Cô Duyên là giáo viên trẻ nhưng rất tâm huyết và có năng lực, là một trong những hạt nhân để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở trường. Nhìn cách cô đứng lớp giảng bài, cách cô quây quần với học sinh trong giờ ra chơi mới hiểu tâm huyết của cô như thế nào”.

Thy Nguyn Phương Bình dy tr múa hát

“Ngh ca tôi là ngh… làm m!”

Thầy Nguyễn Phương Bình (sinh năm 1985, giáo viên Trường Mầm non 1, Q.5) là cái tên rất “hot” ở các trường mầm non trên địa bàn Q.5. “Hot” không chỉ bởi thầy là giáo viên nam hiếm hoi ở bậc mầm non mà còn bề dày thành tích với hàng chục giải thưởng to, nhỏ. Quyết định “theo nghề… làm mẹ”, thầy Bình đã gặp không ít sự gièm pha, áp lực từ người thân, bạn bè… “Năm học lớp 11, tôi đã quyết định sau này sẽ trở thành giáo viên mầm non. Ban đầu, ba mẹ phản đối dữ lắm, hàng xóm cũng gièm pha, nói “thằng Bình là con trai sao lại theo nghề giáo viên mầm non”; thậm chí có nhiều người còn đặt nghi vấn về… giới tính của tôi. Khi học ở trường sư phạm, những câu hỏi thắc mắc vẫn được thầy cô và bè bạn đặt ra, nghe riết rồi tôi quen luôn”, thầy Bình nhớ lại. Nói về lý do “phải lòng” với nghề mà theo quan niệm chỉ dành cho nữ, thầy Bình chia sẻ: Bản thân tôi rất thích trẻ con. Từ khi còn là học sinh THPT, hầu hết các đứa cháu trong nhà đều do tôi chăm sóc, cho ăn, dạy kỹ năng, lớn hơn thì dạy chữ. Tôi yêu trẻ con, muốn được vun đắp cho các cháu nên đăng ký học sư phạm mầm non”. “Yêu” là vậy mà cũng có thời điểm thầy Bình muốn chia tay với nghề. Đó là vào năm 2006, khi thầy vừa ra trường nhận công tác tại Trường Mầm non 1 (Q.5). “Lúc đó, tôi phụ trách trẻ từ 24-36 tháng tuổi. Suốt gần 1 tháng, tôi bị sốc với nghề, thậm chí là hoài nghi về nghề mình đã chọn. Lớp có 40 trẻ, nào là khóc lóc, gào thét, đi vệ sinh tại chỗ, nôn trớ… Nhiều đêm về nhà đặt lưng xuống giường không ngủ được vì tưởng tượng đến ngày mai phải đối mặt với 40 trẻ nữa, thấy dài đằng đẵng. Tôi đã từng nói với người chị là “Chắc em không theo nghề nữa đâu””, thầy Bình nhớ lại. Thời gian đó, “câu thần chú” theo thầy Bình đến trường mỗi ngày là “trẻ là con, là cháu mình thôi mà!”, riết rồi quen, thấy nhẹ nhàng, gần gũi.

“2-3 năm đầu ra trường, lương chỉ có 1 triệu đồng/tháng, tôi đưa hết cho mẹ, còn tôi thì gói ghém chi tiêu trong khoản tiền học phí 300-400 ngàn đồng. Nhiều người nói cực vậy mà lương thấp quá, thôi nghỉ đi, nhưng thực ra khi đã gắn bó rồi thì đôi khi đồng lương không còn là áp lực”, thầy Bình bộc bạch.

Gần 14 năm gắn bó với nghề, với đồng lương ít ỏi, hàng tháng thầy Bình vẫn trích một khoản nhỏ để mua quà tặng trẻ, hay mua vật dụng để thay đổi không gian lớp học. Bên cạnh đó, thầy còn mày mò sáng chế thêm đồ chơi học tập cho trẻ, đưa ra nhiều ý tưởng trong các góc học tập để phát triển khả năng tư duy, vận động của trẻ… “Với trẻ mầm non, phải để các em thấy sự mới mẻ mới ham thích đến lớp, rồi sau dần… đi vào trái tim các em”, thầy Bình nói. 9 năm nay, thầy Bình phụ trách trẻ mẫu giáo, chăm nhiều trẻ giáo dục hòa nhập. Với thầy, ở từng đối tượng trẻ lại đặt ra cho người giáo viên những đòi hỏi khác nhau. Quan trọng hơn cả đó là tình yêu thương. Khi càng được yêu thương, trẻ sẽ càng gần gũi thầy cô hơn.

Một ngày làm việc của thầy Bình cũng giống như các cô giáo mầm non khác, đó là đón trẻ sớm, bón cháo, vệ sinh, dạy kỹ năng; thầy cũng cột tóc, thắt bím cho trẻ, dạy trẻ diễn văn nghệ… Có những ngày 9 giờ tối thầy vẫn còn ở trường trông trẻ vì phụ huynh chưa xong việc đón con. “Nhiều trẻ về nhà khoe với phụ huynh là thầy Bình cột tóc đẹp, dạy múa hay, tôi cảm động lắm. Những ngày đầu phụ huynh gửi con cho tôi còn thắc mắc, hoài nghi thì càng về sau càng tin tưởng. Đó cũng là động lực lớn trong nghề. Bây giờ, ai hỏi làm nghề gì, tôi tự hào nói: Tôi theo nghề… làm mẹ!”, thầy Bình tự hào.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)