Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Miệt mài tìm kiếm đồ chơi cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa bên sản phẩm phục vụ trò chơi vận động mà cô thiết kế lại

Khi đi ngang qua Trường Mầm non Nam Sài Gòn và thấy nhiều đồ chơi ngoài trời hiện đại, nhiều người sẽ có suy nghĩ “trường này giàu, mua sắm toàn đồ chơi đắt tiền”. Nhưng không, đó là những đồ chơi mà cô Hiệu trưởng của trường tự thiết kế hoặc “biến tấu” dựa trên các mẫu đồ chơi có trên thị trường.

Việc tự thiết kế không gian vui chơi, làm đồ chơi, phương tiện dạy học… không chỉ góp phần giảm đáng kể chi phí cho nhà trường mà còn tiết kiệm được thời gian, công sức của giáo viên. Nhờ vậy, các giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý đầu tư vào các hoạt động có chủ đích cho trẻ.
Thiết kế đồ chơi cho trẻ
Tác giả của những sáng kiến góp phần giảm bớt chi phí cho việc mua sắm đồ chơi của Trường Mầm non Nam Sài Gòn là cô Hiệu trưởng Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa. Cái khó, cái khổ trong những ngày đầu bước vào nghề như thôi thúc cô giáo trẻ Phương Hoa làm được nhiều điều, trước hết là cho trẻ. Lúc bấy giờ, phương tiện giảng dạy còn thiếu thốn, thế nên sau giờ lên lớp, chị tự mày mò làm ra đồ dùng dạy học để thu hút học trò. Bao nhiêu năm nay, dù ở cương vị hay hoàn cảnh nào thì chị cũng chưa một ngày thôi nghĩ đến đồ chơi và đồ dùng dạy học.
Trường Mầm non Nam Sài Gòn là một trong những đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn nên kinh phí mua sắm trang thiết bị giảng dạy có phần hạn chế. Đồ chơi phục vụ cho trẻ càng là một món đồ xa xỉ. “Cái khó ló cái khôn”, để khắc phục tình trạng này, chị lân la ở các khu vui chơi, lang thang trên mạng internet… để sưu tầm hình ảnh, tư liệu về những loại đồ chơi và phương tiện giảng dạy hữu ích. Từ đó chị xây dựng ý tưởng, phát triển thêm cho phù hợp với từng độ tuổi và đặc biệt là tìm chất liệu, nguyên liệu để làm sao giảm chi phí mà không ảnh hưởng đến mục đích ban đầu. Mỗi lần được đi đâu đó, xa hay gần, trong túi xách của chị có thể thiếu nhiều thứ nhưng không bao giờ quên chiếc máy ảnh. Nó là vật bất ly thân với chị. Chiếc máy ảnh là công cụ để chị khai thác hình ảnh, chụp lại những món đồ chơi hay không gian vui chơi để về nghiên cứu, thiết kế lại. Với chị, chiếc máy ảnh, thẻ nhớ, máy vi tính sẽ giúp cho giáo viên giảm bớt 50% thời gian và công sức làm ra những đồ dùng dạy học.
Tuổi thơ của chị Hoa là những chuỗi ngày dài sống trong một gia đình khép kín, không được vui chơi, không có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Từ bản thân, chị hiểu được trẻ cần gì, muốn những gì nên chị có thể bỏ hết mọi thứ, kể cả gia đình để dồn hết tâm huyết của mình cho trẻ. Mỗi buổi sáng, chị đến trường rất sớm. Trong bộ áo dài, chị đứng ở cổng để đón từng cháu vào lớp. Cháu được chị xoa đầu, cháu được chị nắm tay… Sự va chạm ấy theo chị là để tạo sự gần gũi, thân thiện. Mỗi ngày, không được đón trẻ, không xuống lớp nói chuyện, vui đùa với các cháu là chị cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. “Chúng ta hãy tạo nên sự va chạm với trẻ. Hành động ôm ấp, vỗ về chẳng những có tác động tích cực đến trẻ mà còn giúp giáo viên ý thức được mình phải gần gũi và yêu thương trẻ nhiều hơn nữa”, chị Hoa chia sẻ.
Thỉnh thoảng, phụ huynh người nước ngoài bắt gặp hình ảnh bà hiệu trưởng trong bộ áo bà ba, đội nón lá, người nhễ nhại mồ hôi ngồi tỉa cây, nhổ cỏ trong khuôn viên trường. Hình ảnh của chị, con người thật của chị ít nhiều đã làm thay đổi nhận thức của phụ huynh, đặc biệt là người nước ngoài.
Truyền “lửa nghề” cho giáo viên trẻ
Làm giáo viên mầm non không dễ. Ngoài tình thương dành cho trẻ, các cô còn phải có kỹ năng hỗ trợ (hát, múa, kỹ năng tổ chức, điều hành nhóm trẻ…). Đối với hiệu trưởng, cần nhất là kỹ năng phối hợp chuyên môn, biết lắng nghe, cảm thông và đồng hành cùng giáo viên. Nếu thiếu đi một trong những yếu tố ấy thì thiệt thòi trước hết thuộc về con trẻ. Hiện nay, không ít giáo viên trẻ sống theo dòng chảy của xã hội, không cam chịu sự vất vả của nghề. Đó là điều làm chị day dứt. Người lãnh đạo phải dám nói dám làm. Mà muốn làm được phải tâm huyết. Chị Hoa tâm sự: “Chỉ cần hiệu trưởng có năng lực lãnh đạo, chịu khó, sáng tạo, cộng với những gì giáo viên có được, chúng ta sẽ làm nên việc. Vì vậy, khi thấy cái gì hay tôi cũng muốn chia sẻ với giáo viên rồi cùng nhau cố gắng hết sức mình để đem lại niềm vui cho trẻ”.
Theo chị Hoa, người hiệu trưởng cần biết tự mình trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin liên tục để chia sẻ với đồng nghiệp và cấp dưới, tạo điều kiện cho mọi giáo viên tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại. Chị không ngại giáo viên trong trường giỏi hơn mình. Và chị luôn quan niệm rằng, nhà trường có thể chấp nhận một giáo viên chưa giỏi nhưng có tâm huyết, làm việc vì mục đích chung (vì trẻ). Chị không đặt yêu cầu cao đối với giáo viên mà mong rằng “Thanh niên phải biết cống hiến. Và để làm được điều đó, bản thân chị phải lăn xả để chứng minh cho giáo viên, phụ huynh và trẻ thấy được kết quả những gì mình đã làm. Bên cạnh đó, khi giao phó bất kỳ nhiệm vụ nào, chị hoàn toàn tin tưởng ở giáo viên. Trong đổi mới, nếu phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa đúng, chị sẽ tận tình góp ý để chất lượng dạy và học của trường ngày một đi lên. Không ít hiệu trưởng ngại cho giáo viên sáng tạo nhưng với chị, đã làm lãnh đạo thì không nên có hai chữ “bảo thủ””.
Muốn cho các giáo viên trong trường tiếp cận với phương pháp ứng dụng phần mềm dạy học tương tác nhưng không có điều kiện mua sắm trang thiết bị, chị liền đặt vấn đề thuê thiết bị trong vòng một tuần. Thấy chị tâm huyết, phía công ty đã cho chị mượn thêm năm ngày. Không bỏ lỡ cơ hội vàng ấy, chị đã tổ chức nhiều buổi thao giảng và giúp cho 100% giáo viên trong trường đều có thể sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại này.
Trường Mầm non Nam Sài Gòn là một trong những đơn vị thực hiện thành công phong trào xã hội hóa giáo dục. Nhằm tạo thêm không gian học tập, vui chơi cho trẻ, chị Hoa đã mạnh dạn liên hệ và xin Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng giảm chi phí cho các hoạt động tham quan, bơi lội, vẽ tranh, vận động… của học sinh nhà trường. Sau khi nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị, Ban giám hiệu nhà trường đã trực tiếp cùng giáo viên đưa học sinh đến các điểm vui chơi. “Đưa trẻ ra ngoài tham quan, vui chơi là việc mà không phải trường mầm non nào cũng dám làm. Không thể để các giáo viên lo hết mọi thứ, Ban giám hiệu nhà trường cũng phải đi theo để xem nơi đó an toàn hay không an toàn chỗ nào. Làm như vậy giáo viên sẽ cực hơn nhưng được cái họ có thêm kinh nghiệm tổ chức, điều hành. Trẻ cũng được hoạt động dưới nhiều hình thức, được quan sát, vận động nhiều hơn”, chị Hoa cho biết.
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua hoạt động nhóm, chị đã đẩy mạnh xây dựng nhiều chương trình lễ hội với quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều chuyên đề cũng đã được triển khai hiệu quả như Sự thật trẻ em và HIV, Chương trình an toàn giao thông, An ninh trước cổng trường, An toàn phòng cháy chữa cháy, Ngày hội tuổi thơ, Chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1… Chương trình Ngày hội tuổi thơ hàng năm là dịp để các cháu gần gũi, chia sẻ với các bạn, các anh chị kém may mắn ở Trường Chuyên biệt Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Bên cạnh đó, để giáo dục tư tưởng, đạo đức chính trị cho trẻ, hàng năm, Chi bộ nhà trường đều tổ chức đi thăm Mẹ Việt Nam anh hùng trong phường; thăm và tặng quà cho người neo đơn trong quận… Và tất cả chi phí thăm hỏi, tặng quà đều do các cá nhân tự nguyện đóng góp.
Những gì đã làm chị luôn cho là chưa đủ. Trong ngăn kéo còn biết bao ý tưởng mà chị chưa có thời gian thực hiện. Hỏi mong muốn lớn nhất bây giờ là gì? Chị trả lời không chút do dự: “Ước gì ngày dài thêm để tôi làm được nhiều việc cho trẻ”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Ít ai biết rằng, đã có thời gian chị làm thêm với nhiều công việc khác nhau: bán sách, bán quần áo, làm trợ thủ ở phòng mạch nha, dạy kèm… ngay những lúc chị đã là chuyên viên của phòng giáo dục. Chị đi làm phần vì tăng thu nhập cho gia đình và phần vì kiếm tiền để mua nguyên, vật liệu làm đồ dùng dạy học.
 

Bình luận (0)