Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Miệt mài vì chất lượng sống cho thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

“Từ năm 2013 đến nay, tôi đứng tên 60 bài báo quốc tế, trong đó năm 2019 có 8 bài. Mỗi bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế, nhà trường đều thanh toán cho tôi mấy chục triệu. Tôi dùng số tiền đó chi cho các hoạt động của phòng thí nghiệm…”, PGS.TS Cao Minh Thì – Chủ nhiệm Phòng thí nghiệm Cao Minh Thì (CM Thi Lab) Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) – bắt đầu câu chuyện.

PGS.TS Cao Minh Thì tại CM Thi Lab

Bỏ tiền túi làm phòng thí nghiệm

“Năm 1975, tôi được phân công vào tiếp quản Sài Gòn. Lúc đó tôi nhận công tác Hiệu phó Trường ĐH Sư phạm TP. Sau đó thì làm Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm TP (nay là Trường ĐH Sài Gòn – PV); rồi làm Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Từ năm 1995, tôi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường HUTECH. Năm 2010, sau 35 năm làm công tác quản lý ngành giáo dục, tôi nghĩ mình cần phải nghỉ để chuyển sang công tác khác. Lúc đó tôi đã xin thôi chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường HUTECH để làm công tác khoa học. Vốn là tiến sĩ vật lý tại Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva (M.V.Lomonosov) của Liên Xô (nay là Nga) nên niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong tôi rất lớn…”, PGS.TS Cao Minh Thì hồi ức.

Chưa biết bắt đầu từ đâu nên PGS.TS Cao Minh Thì đã tới Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) xin làm việc không lương. Ông hy vọng, việc tiếp xúc với khoa học sẽ giúp ông tìm ra con đường tốt nhất để đi. Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, PGS.TS Cao Minh Thì được làm việc tại Khoa Khoa học Vật liệu. Hơn 2 năm làm việc tại đây, được gặp gỡ, trao đổi với các giảng viên, sinh viên, PGS.TS Cao Minh Thì đã nhìn ra được con đường mà mình cần phải đi.

Với suy nghĩ, Nhà nước và nhân dân cùng làm nên năm 2013,
PGS.TS Cao Minh Thì đã bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ để trang bị một phòng thí nghiệm với máy móc hiện đại đặt tại trụ sở của Trường HUTECH. Ông nói, phòng thí nghiệm này hiện nay có giá khoảng 10 tỷ đồng.

“Vào thời điểm đó, thế giới đang rộ lên việc làm cho các vật nhỏ lại là nano. Tính chất vật lý và hóa học của nano hoàn toàn khác với vật bình thường. Vậy nên tôi “nhảy vào” nghiên cứu nano. Thật may là trong quá trình làm việc tại Khoa Khoa học Vật liệu – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, tôi đã tìm được mấy em có đam mê như mình nên cùng các em nghiên cứu về nano. Chúng tôi đã nghiên cứu về nano kim loại và oxit kim loại. Đồng thời đã viết hai cuốn sách về nano bằng tiếng Việt và một cuốn tiếng Anh về vật lý kim loại”, PGS.TS Cao Minh Thì cho biết.

Giấc mơ… đạt giải Nobel

Đến nay, sau 6 năm, CM Thi Lab đã cho ra đời nano bạc và nano oxit titan. Cả nano bạc và nano oxit titan đều có tính sát khuẩn cao, trong đó nano oxit titan có tính sát khuẩn mạnh hơn, cao cấp hơn.

Riêng với nano bạc, PGS.TS Cao Minh Thì và các cộng sự ở CM Thi Lab đã ứng dụng vào việc sản xuất nước rửa tay và thuốc nước xoa bóp trị bệnh suy giãn tĩnh mạch. Cả 2 sản phẩm này đều đã được gửi qua Viện Pasteur TP.HCM để kiểm nghiệm. Đồng thời, PGS.TS Cao Minh Thì cũng đang tiến hành thành lập công ty để sản xuất đại trà 2 sản phẩm này nhằm cung ứng cho thị trường không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Được biết, hiện nay trên thị trường một miếng gạc nano bạc có giá 50 USD nên những sản phẩm ra lò từ CM Thi Lab chắc chắn sẽ có giá trị kinh tế rất cao.

Đoàn lãnh đạo TP.HCM chúc mừng PGS.TS Cao Minh Thì nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019

Nói về sự ra đời của nano bạc, PGS.TS Cao Minh Thì nhớ lại: “Tôi bị bệnh tiểu đường. Hồi đó có một cái mụn ở mông mãi mà không khỏi. Khó chịu quá nên tôi nảy sinh ra ý tưởng sản xuất nano bạc sát khuẩn. Từ ngày có nano bạc, bị trầy xước, hay mọc mụn tôi không còn sợ nữa…”.

Đối với thuốc xoa bóp trị bệnh suy giãn tĩnh mạch, PGS.TS Cao Minh Thì cùng cộng sự nghiên cứu và sản xuất cũng xuất phát từ thực tế phu nhân của ông bị bệnh này, đi đứng rất khó khăn, uống rất nhiều loại thuốc tây nhưng vẫn bị bệnh hành. Theo đó, từ ngày ông cho ra đời loại thuốc này, phu nhân của ông là người đầu tiên thí nghiệm dùng thử. Kết quả ngoài mong đợi, bà đã đi lại nhanh nhẹn như chưa từng bị bệnh. Ngoài ra, rất nhiều người bạn của PGS.TS đã dùng thử, chỉ xoa bóp vài ngày là chân bớt nặng, đi lại dễ dàng hơn hẳn…

Về nano oxit titan, PGS.TS Cao Minh Thì nói: “Có nhiều bài báo quốc tế đã khẳng định, nano oxit titan có thể làm tế bào chết sống lại. Hiện nay tôi và các cộng sự ở CM Thi Lab đang tập trung nghiên cứu và ứng dụng theo hướng này. Tôi rất hy vọng khi thành công, Việt Nam sẽ có giải Nobel”.

Vâng! “Việt Nam có giải Nobel” thật sự là một giấc mơ rất đẹp mà những người làm khoa học như PGS.TS Cao Minh Thì có quyền mơ và cố gắng biến giấc mơ đó thành hiện thực…

Làm sạch nước dơ, không khí ô nhiễm

Ngoài giấc mơ “đạt giải Nobel”, PGS.TS Cao Minh Thì còn có tham vọng làm sạch nước dơ và không khí ô nhiễm, trước tiên là cho TP.HCM.

PGS.TS Cao Minh Thì thông tin, do nano oxit titan có tính sát khuẩn cao hơn rất nhiều so với nano bạc nên ông và các cộng sự ứng dụng để lắng đọng bùn dơ tại các con kênh rạch, dòng sông. Và khi ứng dụng này được triển khai vào thực tế thì những dòng kênh đen, những con rạch nước hôi thối, các con sông ô nhiễm sẽ biến mất, thay vào đó là những con kênh xanh xanh, những dòng sông nước trong vắt.

“Nước không chỉ trong, nhìn thấy đáy mà còn sạch nữa, có thể uống được”, PGS.TS Cao Minh Thì nhấn mạnh.

Như vậy là bài toán nước sạch cho người dân không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà cả các địa phương khác trong cả nước sẽ được giải.

PGS.TS Cao Minh Thì sinh năm 1937. Ông nói, năm 2020, ông tròn 83 tuổi, tròn 60 năm tuổi Đảng. Ông tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1960. Sau đó thì ở lại trường làm giảng viên tại Khoa Vật lý. Đến năm 1966, qua Nga (Liên Xô) làm nghiên cứu sinh. Và đam mê làm khoa học của ông được hình thành từ những ngày học tập trên đất nước Nga xinh đẹp… Hiện nay ông là Phó Chủ tịch Trung ương Hội Vật lý Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật lý TP.HCM và hội viên Hội Hóa học Hoa Kỳ.

Chưa hết, trước tình hình không khí ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, CM Thi Lab đang triển khai ý tưởng bẫy khí độc gây hại cho sức khỏe con người và nhốt chúng lại để không khí trở nên trong lành hơn. Khi ý tưởng này được hiện thực hóa thì người dân sẽ bớt phải đối mặt với các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, ung thư phổi…

Cũng với mong muốn làm trong sạch không khí, PGS.TS Cao Minh Thì và cộng sự tại CM Thi Lab đã tách được hydro ra khỏi nước. Sản phẩm này sẽ được dùng để chạy máy thay thế cho xăng, dầu và điện.

Theo PGS.TS Cao Minh Thì, khi thành lập CM Thi Lab, ông đề ra 3 mục đích. Một trong số đó là dùng kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào thực tế. Từ năm 2013 đến nay, rất nhiều công trình nghiên cứu của ông và các cộng sự đã, đang được ứng dụng vào thực tế. Đồng thời dự báo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt…

Hai mục đích còn lại của CM Thi Lab là đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Theo đó, mỗi năm PGS.TS Cao Minh Thì lựa chọn 10 sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4 của Trường HUTECH để đào tạo, bồi dưỡng. Những sinh viên này cùng tham gia học tập và nghiên cứu tại CM Thi Lab. Sau khi 10 sinh viên này tốt nghiệp sẽ chọn ra 3-4 em xuất sắc gửi đi học cao học trong nước và quốc tế. Hiện có 6 em đang học cao học ở Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp… Năm 2019 có một em làm xong luận án tiến sĩ.

PGS.TS Cao Minh Thì kỳ vọng, những sinh viên từ “cái nôi” CM Thi Lab sẽ tiếp tục cùng ông đi trên con đường mang tên “nano”.

Hòa Triều

 

 

 

Bình luận (0)