Ca sĩ Minh Tuyết (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Ca sĩ xuất thân công nhân ra album nhạc tiền chiến vào độ tuổi U40 được giới chuyên môn đánh giá cao. Liệu có phải một trường hợp đáng tiếc?
Chương trình Văn Cao – Phạm Duy ở một bar ven hồ Trúc Bạch. Chị hát liền ba bài: Ngậm ngùi, Ngày xưa Hoàng Thị, Thuyền viễn xứ.
Nghe dễ chịu. Cả giọng hát, cả người hát có vẻ gì khép nép trong tà áo dài nên lại càng dễ… gây chú ý. Đó là Minh Tuyết.
Ngậm ngùi là tên album đầu tay ra mắt đầu năm 2008, kèm DVD. Được bạn bè hỗ trợ nên tổng chi phí ước tính chỉ khoảng 150 triệu đồng.
Ngậm ngùi với những bài rất quen: Con thuyền không bến, Lá đổ muôn chiều, Ai lên xứ hoa đào, Hoài cảm, Trăng mờ bên suối, Đà Lạt hoàng hôn… – sau sáu tháng, Minh Tuyết thông báo hết veo 3.000 bản. Dihavina khuyên tái bản.
Minh Tuyết là trường hợp hiếm hoi được Dihavina đầu tư một phần kinh phí sản xuất album.
Đĩa tiếp theo thực hiện với Dihavina – nơi tưởng như chuyên xuất bản đĩa nhạc đỏ – lại là một đĩa nhạc sến, vừa được cấp phép 9/12 bài: Em về kẻo mưa, Sầu lẻ bóng, Sang ngang, Không bao giờ quên anh…- xưa gọi là nhạc vàng.
Dù sao, chị xuất hiện thế cũng hơi muộn. Minh Tuyết không khai tuổi, mà kể: “Hôm viêm họng vào viện. Anh bác sĩ hỏi tên. Rồi chẳng hỏi tuổi, tự ghi 32. Sướng quá!”.
Người có công “phát hiện” Minh Tuyết là nhạc sĩ Lương Dũng – Giám đốc NXB Âm nhạc (Dihavina). Một tối tháng 3/2007, Lương Dũng nghe Minh Tuyết lúc đó còn mang tên thật Ánh Tuyết, hát Dư âm ở khách sạn Melia trong chương trình của ông bầu – NSƯT Thanh Vinh.
Sau buổi diễn, nhạc sỹ Lương Dũng, nói: “Giọng của em có gì đặc biệt, anh thích, nghe da diết, cấu xé. Anh rất muốn kết hợp làm album”. Và cho Tuyết một cái hẹn.
Lần lữa mãi, chị mới dám gọi điện: “Liệu có được không anh?”, bị Lương Dũng mắng cho một mẻ, rồi gọi nhạc sĩ Xuân Sơn đến làm biên tập. Ánh Tuyết giờ mới cải thành Minh Tuyết.
Đến lượt Xuân Sơn cũng mê giọng Minh Tuyết. Nghe chị hát sến xong, anh nhận định: “Em hát có nét tự nhiên giống Thái Thanh, Khánh Ly, Giao Linh ngày xưa. Ra chất. Nên làm”.
Từ năm 2000, Minh Tuyết sống bằng nghề hát, dù không dư giả. Hai nơi chị hát thường xuyên là 51 Trần Hưng Đạo và 92 Trấn Vũ. Ngoài ra, Minh Tuyết cũng nhận show cơ quan, liên hoan.
Gốc Hưng Yên, Tuyết sinh ra và lớn lên ở Gia Lâm trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Là diễn viên gánh hát tiền thân đoàn cải lương Kim Phụng, bố Tuyết lại không muốn con theo nghề hát.
Mẹ chị đẹp, hát hay, bố cũng chỉ cho làm cấp dưỡng của đoàn. Sợ bố, cô con gái độc nhất không thi vào Nhạc viện, mà đi làm công nhân. Tuy nhiên, hàng tuần vẫn lén đạp xe sang Cung Việt-Xô học hát.
Vừa học công nhân kỹ thuật được một năm, xí nghiệp nhựa Hàm Rồng xin Tuyết về làm văn nghệ. Cùng một loạt nghệ sĩ về Hàm Rồng thời điểm đó, họ lập một đoàn tạp kỹ gọi là Rồng Xanh, cầm giấy phép của Sở Công nghiệp và Sở Văn hóa đi biểu diễn bán vé khắp nơi, từ Sầm Sơn, Đồ Sơn đến Sóc Sơn…
Có nơi, khán giả cuồng nhiệt đập thủng tường để vào xem. Minh Tuyết tiếc không thi các cuộc lớn mà “toàn giải của Sở Công nghiệp”. Ngoài thời gian diễn, chị lại làm công việc của một công nhân phân loại sản phẩm.
Vào tuổi chị, nhiều ca sĩ thành danh lâu rồi, chị có chạnh lòng? “Thật ra trong lòng mình cũng có những cái đố kỵ, nhưng mình sợ không đố kỵ được, nên cứ rụt rè. Để khắc phục nó, khó kinh khủng. Vì mình – một ca sĩ không có giải, đào tạo bài bản cũng chưa. Để tự khẳng định, không biết nhìn vào cái mốc nào. Cứ mông lung như thế” – Minh Tuyết, nói.
Minh Tuyết cho hay, chị bị gò bó cũng vì đứng chung sân khấu với những đồng nghiệp mà chị cho rằng đẳng cấp hơn. Một trong những đồng nghiệp đó – NSƯT Đức Long – khuyên: “Đừng rụt rè bởi những người đẳng cấp mới hát được ở đây. Có giải chưa chắc đã hát được như em”.
Minh Tuyết đang cân nhắc Nam tiến. Chị nhớ mãi một dịp đã lâu – hát nhạc Phạm Duy không nhạc đệm cho một số khán giả trong Nam ra Hà Nội. “Nhạc Phạm Duy có cái gì đấy mình rất thích. Chứ hồi đấy không để ý tác giả bị cấm hay không”, chị phân trần.
Một năm sau, số khán giả ấy có việc ra Hà Nội lại mời Minh Tuyết. Có người còn cho quà. Lại hỏi vào Nam liệu ông xã có cho đi không?
Giữ bí mật chuyện riêng, chị chỉ cười ý nhị: “Mình gần như là tự do”.
Theo Nguyễn Mạnh Hà / Tiền Phong
Bình luận (0)