Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mờ ảo quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá, xác nhận việc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) sử dụng sai mục đích quỹ bình ổn giá xăng dầu 1.200 tỉ đồng.

 
Trong khi đó, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đều từ chối cho biết hiện nay quỹ bình ổn giá xăng dầu đã trích lập được và sử dụng bao nhiêu.
Người dân khi mua 1 lít xăng phải chi thêm 300 đồng cho quỹ bình ổn, nhưng quỹ này trích lập và sử dụng ra sao lại không rõ ràng – Ảnh: T.ĐẠM
Theo ông Thỏa, Petrolimex đã dùng tiền trích lập quỹ để bù lỗ kinh doanh thay vì bù vào mức chênh lệch giá bán theo đúng mục đích của quỹ. Trong công văn 17311 gửi các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ngày 27-12-2010 về việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá thị trường xăng dầu, Cục Quản lý giá đã lưu ý chung chung rằng một số doanh nghiệp trích quỹ không đủ và sử dụng quỹ chưa đúng mục đích…
Quỹ của ai?
Theo một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc xây dựng quỹ bình ổn hết sức cần thiết trong bối cảnh căng thẳng về giá vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp như hiện nay. Tuy nhiên, việc quỹ này được đặt tại các doanh nghiệp trong khi cơ chế kiểm soát lại chưa được chặt chẽ là điều không nên. Một số ý kiến cho rằng nên áp dụng tương tự mô hình ở Thái Lan, quỹ do nhà nước quản lý và điều hành trực tiếp, giá cả được điều tiết qua công cụ này cùng với chính sách thuế để can thiệp thị trường khi cần thiết.
Theo quy định, cứ mỗi lít xăng, dầu bán ra doanh nghiệp trích lại 300 đồng để lập quỹ, khi giá thế giới biến động mạnh mà Nhà nước không muốn tăng giá trong nước, tiền từ quỹ sẽ được xả ra bù vào mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ. Quỹ này được giữ tại doanh nghiệp thông qua việc mở một tài khoản kế toán và doanh nghiệp phải báo cáo hằng tháng cho Bộ Tài chính tiến độ trích và sử dụng.
Tất cả doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đều phải trích lập quỹ dù đang kinh doanh lãi hay lỗ vì khoản tiền này được xem là do được người tiêu dùng ứng trước khi mua xăng, dầu.
Trong khi đó, Petrolimex nhiều lần cho rằng doanh nghiệp kinh doanh lỗ thì không thể trích lập quỹ nên cho rằng đây chỉ là quỹ ảo. Ông Vương Thái Dũng, phó tổng giám đốc Petrolimex, nói: “Trước đây các lãnh đạo của Petrolimex đã bày tỏ quan điểm và nay chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm về việc này. Chúng tôi đã gửi cả thảy 12 công văn cho cơ quan quản lý nhà nước để giải thích và kiến nghị nhưng không nhận được trả lời”.
Ông Dũng từ chối giải thích và bình luận trước đánh giá của một quan chức Bộ Tài chính về việc Petrolimex sử dụng sai mục đích quỹ bình ổn. “Giải thích cái này rất dài dòng, chúng tôi sai hay đúng sẽ có nơi xử lý” – ông Dũng nói.
Trong khi đó, theo quan điểm của Bộ Tài chính và nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu khác, số tiền 300 đồng/lít xăng, dầu trích lập quỹ là tiền của người tiêu dùng. Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong công thức tính giá cơ sở được Bộ Tài chính công bố hồi năm ngoái.
 
Mỗi tháng quỹ có 3.600 tỉ đồng
Như vậy có thể hiểu quỹ bình ổn giá xăng dầu là do người tiêu dùng lập nên. Tuy nhiên, tiền trong quỹ đã trích lập được bao nhiêu và còn bao nhiêu dường như vẫn là điều bí mật. Câu trả lời từ các doanh nghiệp đầu mối và cả của cơ quan quản lý cũng rất khác nhau và né tránh những con số cụ thể.
Với sản lượng tiêu thụ toàn thị trường mỗi tháng khoảng 1,2 tỉ lít xăng, dầu, ước tính mỗi tháng quỹ bình ổn giá xăng dầu góp được 3.600 tỉ đồng.
Định mức trích lập quỹ bình ổn giá của mỗi lít xăng, dầu là 300 đồng, nhưng mức sử dụng tại thời điểm này lại gấp 2-4 lần tùy từng sản phẩm. Chẳng hạn, hiện xăng và dầu hỏa được sử dụng 1.200 đồng, dầu diesel là 1.000 đồng từ quỹ bình ổn. Nghĩa là về lý thuyết, nếu tính từ lúc áp dụng mức sử dụng kể trên từ ngày 13-11-2010 đến nay, quỹ bình ổn giá đã bị âm. Nhưng trước đó trong một khoảng thời gian dài, doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh có lãi, quỹ bình ổn đã tích lũy được khá nhiều. Chỉ duy nhất một lần Bộ Tài chính công bố con số tích lũy được của quỹ bình ổn giá xăng dầu là trên 3.600 tỉ đồng vào thời điểm tháng 7-2010.
“Nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng việc trích lập quỹ thì bây giờ vẫn còn tiền để bù vào khoản lỗ do chênh lệch giá” – một doanh nghiệp đầu mối khẳng định. Theo doanh nghiệp này, với khoản tiền còn trong quỹ bình ổn giá, hoạt động kinh doanh còn có thể cầm cự đến giữa tháng 2-2011.
Tương tự bối cảnh cuối năm 2009, hiện nay Bộ Tài chính kiên quyết giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu đến Tết Nguyên đán. Phương án tăng giá sau tết chưa được chính thức đề cập nhưng theo các doanh nghiệp, trừ trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm, việc tăng giá bán lẻ gần như là giải pháp bắt buộc. Theo một số nhà phân phối tại TP.HCM, cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán để tránh lặp lại tình trạng như đầu năm 2010 khi tăng giá xăng, dầu một cách đột biến sau một thời gian dài kìm giá.
Giá xăng, dầu nhập khẩu hiện vẫn đứng ở mức trên 100 USD/thùng. Theo tính toán của Petrolimex, giá cơ sở mặt hàng xăng A92 đã vượt 2.500 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Nhưng chênh lệch này không phải là mức lỗ của doanh nghiệp như nhiều người lầm tưởng. Theo công thức tính được Bộ Tài chính công bố, sau khi trừ các khoản thuế, phí và mức sử dụng quỹ bình ổn giá, mỗi lít xăng mà hiện các doanh nghiệp lỗ chỉ khoảng 300 đồng.
Theo Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)