HS Trường Tiểu học Hướng Phùng ăn trưa tại trường |
Trong khi nhiều trường học ở hai huyện miền núi Quảng Trị đang loay hoay tìm giải pháp giảm thiểu tình trạng học sinh (HS) bỏ học ngày một gia tăng thì có một ngôi trường tiểu học bên dãy Trường Sơn đã tiên phong trong việc mở lớp ăn bán trú cho HS. Đây được coi là biện pháp tối ưu nhằm giảm tỷ lệ HS bỏ học, giúp phụ huynh yên tâm hơn khi cho con đến trường…
11 giờ trưa, những em HS đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Trường Tiểu học Hướng Phùng (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) bắt đầu xếp cặp sách gọn gàng, lần lượt đến bể rửa tay và vào nhận cơm ở phòng bán trú. Em Dương Công Minh Kỳ (trú ở thôn Tân Pun) – HS lớp 3 vừa bê khay cơm nóng hổi, vừa vui vẻ khoe: “Con thấy bữa nay đến trường rất vui. Bữa trưa còn được ở lại ăn cơm, nghỉ ngơi, không còn phải về nhà rất xa nữa”.
Tranh thủ sau giờ làm rẫy trở về, bà Hồ Thị Đước tạt ngang thăm lớp của con, phấn khởi nói: “Từ ngày nhà trường có bán trú mình thấy yên tâm hẳn. Buổi trưa con được ở lại trường, được ăn cơm no cái bụng lại được cô giáo hướng dẫn học bài, rồi được nghỉ ngơi trong căn phòng sạch sẽ. Các con bây giờ không vất vả đi bộ về nhà như trước nữa”.
Cô Đào Thị Lài – giáo viên – cho biết: “Mỗi tuần HS ở lại ăn bán trú 4 bữa. Trước đây khi chưa có bán trú, sau mỗi buổi học, các em về nhà rồi rất khó đi học lại vì nhà xa, trong khi phụ huynh không có phương tiện đưa đón, đường sá đi lại khó khăn. Từ ngày có bán trú, các em chăm đến trường và phụ huynh cũng yên tâm hơn rất nhiều. Riêng với giáo viên, có thời gian ở lại trưa cùng HS để trao đổi, giải thích, hướng dẫn thêm cho các em trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày”.
Nói về chuyện bán trú, thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Hiện trường có 4 lớp bán trú dành cho HS lớp 1, 2 và 3. Đây là năm thứ 3 nhà trường thực hiện mô hình bán trú này để giúp phụ huynh yên tâm hơn khi cho con tới trường, góp phần hạn chế HS nghỉ, bỏ học”.
Việc mở lớp bán trú không còn xa lạ với vùng đồng bằng, thành phố. Nhưng ở miền núi xa xôi thì Trường Tiểu học Hướng Phùng là điểm sáng. Hỏi thầy Trọng về những khó khăn trong việc tổ chức bán trú, thầy chùng giọng: “Khó khăn vô kể – Khó vì phụ huynh ban đầu chưa tin tưởng, khó về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ bán trú. Thậm chí có không ít lời bàn lui rằng địa bàn xa xôi cách trở, nhỡ xảy ra chuyện gì thì trách nhiệm trường gánh đủ… Nhưng rồi thương các em, nhà trường vẫn quyết định thực hiện. Dần dần phụ huynh nhìn thấy cái lợi cho con, thế là họ gật đầu đồng ý”.
Thầy Trọng bộc bạch: “Mặc dù còn nhiều khó khăn để thực hiện 100% bán trú cho HS, các em khối lớp 4 và 5 vẫn phải về nhà buổi trưa. Dự định năm học tới, trường sẽ cố gắng mở thêm một lớp bán trú theo hình thức “cuốn chiếu”. Với mô hình này, bước đầu góp phần giảm quãng đường di chuyển cho các em HS, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, hạn chế bỏ học, nghỉ học. Đồng thời, lớp học bán trú cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dạy học, tạo thói quen tự học cho HS. Giáo viên có điều kiện phụ đạo, nhắc nhở, theo dõi quá trình học tập của các em HS. Mặt khác, việc HS học bán trú còn giúp phụ huynh giảm gánh nặng về thời gian trong việc đưa đón con. Thời gian đó họ dành để lao động sản xuất nâng cao kinh tế gia đình”.
Có thể nói, sự táo bạo trong cách làm của thầy Trọng không phải thiếu cơ sở khi chính điều đó đã giúp được rất nhiều HS tiếp tục đến trường. Rồi từ chính ngôi trường này, các em có cơ hội tiếp cận với đời sống văn minh cũng như tìm đến một tương lai tươi sáng hơn…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)