Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho hay, thời gian hè là dịp để học sinh thành phố rèn luyện, trang bị thêm các kỹ năng, hình thành các thói quen tốt, nhất là sau một năm học các em đã “thiệt thòi” nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng
Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng về kỳ nghỉ hè đặc biệt năm nay.
Mở cổng trường, mở cửa thư viện đón… học sinh
+ Phóng viên: Học sinh thành phố đã bước vào kỳ nghỉ hè sau một năm học “đặc biệt” chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Xin ông cho biết, sau một năm học đặc biệt, hoạt động hè năm nay được ngành giáo dục triển khai có gì đặc biệt so với các năm trước?
– Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng: Năm nay, TP xây dựng hoạt động hè với chủ đề “Học sinh, học viên thành phố vui hè an toàn, bổ ích”. Xoay quanh chủ đề này, ngành giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động hè phù hợp với lứa tuổi học sinh từng cấp học.
Trong bối cảnh một năm học chịu nhiều ảnh hưởng của dịch, các nhà trường không có điều kiện để tổ chức các hoạt động trang bị kỹ năng cho học sinh. Vì vậy, chương trình hè sẽ đẩy mạnh việc trang bị kỹ năng cho học sinh để các em hoàn thiện hơn, tự tin bước vào năm học mới.
Trong đó, sẽ chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm cho học sinh thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm trong và ngoài nhà trường… Bên cạnh đó là các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng, nâng cao sức khỏe thể chất tinh thần cho học sinh; Các hoạt động nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và các hoạt động chăm lo cho học sinh.
Nội dung sinh hoạt hè năm nay sẽ không thể thiếu việc trang bị cho học sinh các kỹ năng về phòng chống đuối nước, phổ cập bơi cho học sinh, kỹ năng phòng vệ, phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng thoát hiểm, bảo vệ mình trên môi trường mạng, hướng dẫn các quy tắc ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực học đường, hành trình đến địa chỉ đỏ…, làm sao kết thúc mùa hè, mỗi học sinh đều có được những kỹ năng, thói quen tốt, bước vào năm học mới một cách tự tin nhất.
+ Như vậy, các cơ sở giáo dục sẽ thực hiện như thế nào để thu hút học sinh trải nghiệm hè, để trẻ không bị cuốn vào việc học thêm, điện thoại, game…, thưa ông?
– Thời gian sinh hoạt hè của học sinh thành phố trong mùa hè này sẽ kéo dài đến giữa tháng 8. Để kéo được học sinh đến trường sinh hoạt thì trường học phải mở cổng trường học, mở cửa thư viện, thiết kế nhiều hoạt động, trò chơi kỹ năng, hoạt động câu lạc bộ…, phù hợp với từng lứa tuổi.
Đặc biệt, nhà trường phải làm thật kỹ công tác truyền thông, tuyên truyền đến phụ huynh để phụ huynh hiểu, tạo điều kiện cho các em đến sinh hoạt, rèn luyện tại trường. Các hoạt động làm sao phải phù hợp, tạo thuận lợi để phụ huynh đưa đón các em đến sinh hoạt, vừa có thể đi làm được. Có như vậy mới giúp các em tránh xa mạng xã hội, điện thoại, game…
Riêng học sinh bậc THPT thì cần tạo điều kiện để các em được tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, qua đó giúp các em được trang bị kỹ năng, kiến thức, nhận thức, hun đúc trong các em lý tưởng học tập và cống hiến…
Ngoài lực lượng giáo viên, nhà trường cần phối hợp với ban chỉ đạo sinh hoạt hè quận, huyện, địa phương để tổ chức một cách sinh động, đa dạng và thực chất nhất các hoạt động, từ đó thu hút học sinh đến trường vui chơi, sinh hoạt.
Chăm lo học sinh khó khăn, học sinh mồ côi do dịch Covid-19
+ Như ông đã chia sẻ, một trong những hoạt động trọng tâm trong chương trình hè năm nay là quan tâm chăm lo cho học sinh khó khăn. Vậy nội dung ý nghĩa này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
– Việc chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn là hoạt động được các cơ sở giáo dục quan tâm, đẩy mạnh xuyên suốt trong năm học. Tuy vậy, dịp hè sẽ là thời gian để các nhà trường nắm bắt thêm, chăm lo đến các em để hướng đến mục tiêu không một học sinh khó khăn nào phải bỏ học, nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn trong năm học mới.
Ngành giáo dục cũng đã thực hiện chương trình “Sách trao tay – Cầu nối yêu thương” trong hè này để quyên góp sách giáo khoa, tập trắng, dụng cụ học tập gửi tặng đến học sinh khó khăn; Cạnh đó là vận động trao tặng sổ tiết kiệm, học bổng, máy vi tính, thiết bị điện tử thông minh, xe đạp… trao tặng đến học sinh khó khăn, nhất là học sinh mồ côi do dịch Covid-19 để chia sẻ, động viên, san sẻ phần nào khó khăn, mất mát của các em và gia đình.
Việc chăm lo cho học sinh khó khăn, học sinh mồ côi do dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục cần phải là hoạt động mang tính dài hơi chứ không phải là nhất thời, ngày một ngày hai. Do vậy, các cơ sở giáo dục phải có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, đoàn thể, cùng chăm lo cho các em tốt nhất.
Hoạt động hè ý nghĩa tại các nhà trường
Ngoài việc chăm lo về vật chất thì quan trọng không kém đó là sự quan tâm, chăm lo các em về tinh thần, về việc học. Để các em không tự ti khi đến trường, khi ra ngoài cuộc sống… Với tinh thần này, các nhà trường cũng sẽ quán triệt đến giáo viên nắm bắt, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các em trong thời gian các em không đến trường.
Đảm bảo phòng dịch
+ Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn đang có những diễn biến mới, ngoài ra còn là bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Các hoạt động sinh hoạt hè sẽ thực hiện việc phòng chống các dịch bệnh này như thế nào, thưa ông?
– Nội dung phòng chống dịch bệnh mùa hè là nội dung quan trọng được ngành giáo dục đẩy mạnh khi triển khai các hoạt động sinh hoạt hè năm nay.
Khi học sinh, giáo viên đến trường sinh hoạt hè thì tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn… Các cơ sở giáo dục phải vệ sinh môi trường học đường sạch sẽ hàng ngày, thường xuyên khử khuẩn, tổng vệ sinh, diệt các ổ lăng quăng để ngăn ngừa các mầm bệnh từ Covid-19 cho đến tay chân miệng, sốt xuất huyết… trong nhà trường. Nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh để kịp thời có các biện pháp phòng ngừa trong thời gian các em sinh hoạt tại trường. Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT kiểm tra thường xuyên nội dung này tại các nhà trường, nếu vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định.
Ngoài việc tạo môi trường học đường an toàn, nội dung sinh hoạt hè tại các nhà trường sẽ không thể thiếu việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức học sinh, phụ huynh về phòng chống các dịch bệnh trong mùa hè, nhất là bệnh sốt xuất huyết. Việc này sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức như tổ chức các buổi nói chuyện, phát tờ rơi, lồng ghép trong các chương trình sinh hoạt… Để các em và phụ huynh có ý thức ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh tại gia đình, cộng đồng và khu dân cư.
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)