Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Mở cửa hoàn toàn du lịch, Việt Nam vẫn “đói” khách quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 9 tháng trong năm, Việt Nam đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế song mới chỉ đạt 33% của mục tiêu đón 5 triệu khách cả năm.
"Rất khó để đạt được lượng khách quốc tế đến Việt Nam như dự kiến bởi còn nhiều khó khăn phía trước, đặc biệt là từ các thị trường nguồn", ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nhận định.
Khách quốc tế đóng vai trò quan trọng
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9 ước đạt gần 432.000 lượt, giảm 11,2% so với tháng trước. Tổng 9 tháng trong năm, khách quốc tế xấp xỉ 1,65 triệu lượt, đạt 33% của mục tiêu 5 triệu khách cả năm.
Trong khi đó, tổng số khách du lịch nội địa trong 9 tháng đạt khoảng 86,8 triệu lượt, vượt xa mục tiêu 65 triệu và cao gấp nhiều lần so với khách quốc tế.
Ông Chính nhấn mạnh, tuy lượng khách quốc tế đến Việt Nam không lớn nhưng nguồn thu từ nhóm khách này lại chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng thu từ khách du lịch.
Bởi vậy, việc tập trung phát triển và thu hút thị trường khách quốc tế là rất quan trọng, không chỉ làm giảm tình trạng thiếu hụt khách của ngành du lịch trong mùa thu và đông, mà còn mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn và thúc đẩy kinh tế.
Từ tháng 10 sẽ là giai đoạn chính vụ khách quốc tế. Thời điểm này, nhiều quốc gia trên thế giới có các kỳ nghỉ lễ lớn, du khách có xu hướng đi du lịch tránh lạnh,…
"Mùa cao điểm hút khách quốc tế là từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau do giai đoạn này ở nước ngoài có nhiều kỳ nghỉ lớn và khách có xu hướng đi du lịch tránh lạnh.
Trong khi đó, lượng khách nội địa chỉ bùng nổ theo đợt mang tính thời vụ như vào các những dịp lễ lớn, kỳ nghỉ dài hay mùa cao điểm hè từ tháng 5 đến tháng 9. Khách nội địa cũng có xu hướng du lịch tập trung vào một số điểm đến nổi tiếng, gây quá tải về mặt không gian", ông Chính nói.
Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng, việc tập trung thu hút cả khách nội địa và khách quốc tế sẽ thúc đẩy du lịch phát triển đều suốt cả năm, đồng thời trải đều lượng khách khắp các khu vực.
Những rào cản
Việt Nam là một trong những nước tiên phong mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch sau đại dịch, song lượng khách quốc tế đạt được chưa thực sự cao.
Đại diện một số đơn vị lữ hành nhận định, có nhiều nguyên nhân, gồm cả khách quan và chủ quan khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng.
Ví dụ, khoảng 60-70% khách quốc tế đến từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn du lịch. Thị trường Trung Quốc với khoảng 32% thị phần, chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế hiện vẫn đóng cửa. Nhật Bản và Đài Loan mới mở cửa, tuy nhiên tâm lý của du khách vẫn còn e dè.
Còn thị trường khách Nga năm nay, thậm chí có thể vài năm tới gần như vắng bóng do tác động từ xung đột quân sự Nga – Ukraine.
"Cuộc xung đột này tác động đến nhiều lĩnh vực và quốc gia như giá xăng dầu tăng dẫn đến giá vé máy bay tăng, lạm phát,… Nó còn là nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý du khách, tạo ra sự lo ngại về an ninh, an toàn và cả vấn đề kinh tế", ông Chính cho hay.
Đồng quan điểm, ông Christopher Farwell – Giám đốc điều hành Vivu Journeys cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất với dòng khách quốc tế vào Việt Nam là năng lực bay của các hãng hàng không.
Theo ông Christopher, cuộc xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt đối với Nga và tình trạng thiếu nguồn cung trên toàn cầu khiến các công ty lữ hành thực sự chật vật trong việc duy trì giá vé ở mức phù hợp. Điều này cũng là lý do mà du khách loại bỏ phương án đi du lịch xa để tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, việc kết nối thị trường của các doanh nghiệp sau dịch Covid-19 chưa hiệu quả; chưa phải mùa cao điểm du lịch quốc tế; thiếu văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài,… cũng là những rào cản làm giảm sức hút của du lịch Việt đối với khách quốc tế.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà khách quốc tế gặp phải khi du lịch tới Việt Nam còn nằm ở chính sách thị thực chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch.
Những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch mới, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thậm chí, thị thực điện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và còn yêu cầu nhiều loại văn bản hơn so với trước đây.
Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế đến nước đó, như Thái Lan đang áp dụng miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 nước, Indonesia – 170 nước, Philippines – 157 nước.
Mặc dù Việt Nam hiện miễn thị thực cho 24 nước nhưng chỉ hơn một nửa con số đó được cho là thị trường nguồn khách quốc tế đến Việt Nam (Top 25). Còn lại một số nước không phải thị trường nguồn như Chile, du khách được miễn thị thực tới 90 ngày nhưng lượng khách từ quốc gia này rất ít.
Trong khi đó, những thị trường xa như Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha,… phần lớn du khách muốn du lịch tập trung một nước với hành trình dài từ 18-20 ngày nhưng chỉ được miễn thị thực 15 ngày. Điều này khiến họ buộc phải xin visa để kéo dài thời gian lưu trú nhưng thủ tục làm thị thực điện tử lại chưa thuận lợi.
Ông Christopher ghi nhận, lượng khách quốc tế đến Việt Nam thông qua đơn vị này đã hồi phục nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, chính sách thị thực là trở ngại lớn.
"Khi Việt Nam áp dụng chính sách miễn thị thực với một số quốc gia và miễn thị thực trong 15 ngày đầu tiên thì lượng khách du lịch từ các quốc gia đó tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, với du khách đến từ các thị trường xa hơn như châu Âu thì thời gian miễn thị thực đó chưa đủ khiến họ buộc chuyển hướng du lịch các quốc gia có chính sách cởi mở hơn", đại diện Vivu Journeys đưa thông tin.
Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú hơn các quốc gia láng giềng nhưng còn một số rào cản khiến khách quốc tế gặp khó khi muốn du lịch tới đây.
Đồng quan điểm như trên, đại diện một số công ty du lịch nhận định, thời gian miễn thị thực quá ngắn, trong khi khách đến từ châu Âu thường đi nghỉ dài đến cả tháng, kết hợp sang Campuchia, Thái Lan,… Nếu muốn quay lại Việt Nam, họ phải xin cấp lại visa từ đầu.
"Ở Thái Lan, du khách xin cấp visa rất nhanh và hiệu quả, thậm chí chỉ phải chờ một lúc là biết có được cấp hộ chiếu hay không. Trong khi đó, việc xin e-visa của Việt Nam vẫn còn vướng mắc như hệ thống chậm, lỗi, khách không nhận được phản hồi và chẳng biết khi nào được cấp.
Đó cũng là lý do khiến họ không thể đặt trước các dịch vụ khác như vé máy bay, phòng khách sạn,… dù đặt sớm sẽ tiết kiệm chi phí và có nhiều lựa chọn hơn", đại diện một đơn vị lữ hành ở Hà Nội bày tỏ.
Ngoài ra, các chuyến bay quốc tế còn ít, giá vé đắt cũng là một hạn chế. Đơn cử, đường bay giữa Việt Nam với Thái Lan, Campuchia vẫn thưa thớt, thậm chí còn chưa mở lại.
Phát triển chất lượng hơn số lượng
Ông Chính cho rằng, thay vì chú trọng quá nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch cần phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn nữa.
"Rất khó để đạt được lượng khách quốc tế đến Việt Nam như trước dịch. Tuy nhiên, không nhất thiết số lượng khách năm sau phải cao hơn năm trước, mà quan trọng là doanh thu từ du lịch phải tăng, thông qua việc thu hút những thị trường khách có khả năng chi trả cao", ông Chính nói.
Để làm được điều đó, du lịch Việt Nam cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là thay đổi chính sách thị thực thuận lợi hơn vì đây là yếu tố quyết định tới việc thu hút khách quốc tế.
"Thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa cần xem xét tăng lên 18-20 ngày vì xu hướng của khách quốc tế là đi du lịch nhiều hơn hai tuần. Nếu có thể loại bỏ các rào cản trong chính sách thị thực thì du lịch Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn", ông Christopher Farwell bày tỏ.
Thay vì chú trọng quá nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch cần phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn nữa.
Hiện nay, hành vi du lịch của khách quốc tế đã thay đổi. Họ tiếp nhận, tìm kiếm thông tin về một điểm đến, sản phẩm du lịch chủ yếu qua các trang web. Vì vậy, du lịch Việt Nam cần tập trung và phát triển tiếp thị điện tử, tăng cường các chiến dịch truyền thông ngoài nước.
Đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm visa điện tử, tăng cường các chuyến bay quốc tế,… để hút khách quốc tế tới Việt Nam.
"Khi thu hút được lượng lớn khách quốc tế thì ngành du lịch phát triển đều và cân đối cả về không gian và thời gian mà vẫn đưa ra những dịch vụ tốt hơn", ông Chính nói thêm.
Các địa phương và doanh nghiệp lữ hành hiện cũng lên phương án và kế hoạch tập trung thu hút khách quốc tế. Ngoài nguồn khách châu Âu, Mỹ…, nhiều công ty trong nước đang thay đổi chiến lược, tìm kiếm thị trường mới để bù đắp lại các thị trường nguồn như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga,… chưa thể hồi phục từ giờ đến cuối năm.
Tổng cục Du lịch đã xây dựng Chiến lược marketing đến năm 2030 trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu sau tác động của Covid-19.
Theo đó, ngành du lịch sẽ tập trung xúc tiến truyền thông quốc tế đến các thị trường mục tiêu; tham gia các hội chợ quốc tế lớn tại nước ngoài; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, báo chí tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nước ngoài; đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế đến khảo sát du lịch Việt Nam; triển khai chương trình kích cầu du lịch tại các thị trường trọng điểm; tăng cường vai trò của các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông xúc tiến,…
NN (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)