Văn học nước ngoài trước nay được coi là mảng khô khan nhất trong môn văn. Thế nhưng, với lễ hội văn học nước ngoài “Đông Tây hội tụ”, thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Hoạt cảnh trong “Bài thơ số 28” (Tagore) của lớp 11A8
“Đông Tây hội tụ” là tiết học trải nghiệm sáng tạo do Tổ ngữ văn nhà trường vừa thực hiện với các nền văn hóa, lịch sử, dấu vết thời gian của các dân tộc từ Đông sang Tây.
Du hành đến các miền đất lạ
“Đông Tây hội tụ” chứng kiến sự góp mặt và lên ngôi của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới thông qua những màn trình diễn, diễu hành đầy ấn tượng của học sinh 15 lớp. Đó là chuyến du hành tới nước Nga xinh đẹp với “Tôi yêu em” của Puskin bằng tình yêu nồng nàn nhưng bất lực qua điệu tango da diết hay u ám thu mình trong cái vỏ bọc với “Người trong bao” của Sê-khốp. Nước Pháp quá lãng mạn mà vẫn nhuốm màu trầm mặc bởi những thân phận người tù túng như cánh chim bị hãm bay trong “Những người khốn khổ” của Victor Hugo; một nước Anh khác lạ mãnh liệt trong tình yêu, cuồng nộ trong hận thù với “Romeo và Juliet”; gần hơn là một Trung Hoa đa chiều bi tráng mà lãng mạn trong “Tam quốc diễn nghĩa”, cùng quẫn mà bất tử trong “Thuốc” của Lỗ Tấn; một Ấn Độ huyền bí, mê hoặc trong “Sử thi Ramayana” nhưng cũng không kém phần đời thực, day dứt qua tình yêu đơn phương trong “Bài thơ số 28” của Tagore; hay một Nhật Bản sống động, cổ kính qua thơ Haiku của BaiShuo… Điểm nhấn của “Đông Tây hội tụ”, ngoài phần diễn trên sân khấu, sắc màu cổ kim còn được thể hiện bằng tập san và triển lãm, một lần nữa tái hiện trọn vẹn không gian văn hóa, lịch sử của từng dân tộc mà điển hình là tác phẩm văn học.
Lựa chọn “Tam quốc diễn nghĩa”, lớp 12A3 đã tái hiện vườn đào kết nghĩa trong triển lãm của mình. Bích Ngân (lớp trưởng 12A3) cho biết với ý tưởng này, các thành viên trong lớp muốn gửi gắm giá trị tình nghĩa mà tác phẩm mang lại. “Bên cạnh những trận chiến bi hùng, ở đó còn là vẻ đẹp lãng mạn trong tình nghĩa giữa người với người. Trong quá trình làm tập san, tìm hiểu về tác phẩm, chúng em hiểu hơn về chiều dài lịch sử của Trung Hoa mà trước giờ thường chỉ thấy qua phim ảnh”, Bích Ngân chia sẻ.
Với “Tôi yêu em”, lớp 12D2 lại vẽ ra khung cảnh nhà thờ BaSil của Nga ảm đạm trong mùa đông lạnh giá, tái hiện khoảng thời gian Puskin bị giam cầm. Khung cảnh ấy như nói hộ lòng nhà thơ trong những tháng tù túng để rồi ông cho ra hàng loạt tác phẩm để đời. “Tôi yêu em không chỉ đại diện cho thơ ca Puskin mà còn đại diện cho cả một nền văn hóa Nga đồ sộ, hùng tráng. Làm ra tập san, em được học nhiều hơn về tác phẩm, hiểu nhiều hơn về tác giả. Và đặc biệt là yêu hơn xứ sở Bạch Dương hùng vĩ, ước một lần được chạm đến đây”, Vũ Thu Hà (thành viên lớp 12D2) cho hay.
Ấn tượng với văn hóa Nhật Bản, lớp 10D3 mang đến một không gian nhuốm màu cũ kỹ với thưởng trà, đối thơ trong lối kiến trúc cổ truyền của Nhật qua dòng thơ Haiku. “Chỉ riêng Haiku thôi cũng đã đủ vẽ ra một nền văn hóa Nhật. Nhưng càng tìm hiểu, chúng em càng vỡ ra nhiều điều, không chỉ là văn học mà còn là văn hóa, lịch sử, kiến trúc, con người Nhật”, Dương Trúc Thảo Anh (lớp trưởng 10D3) bày tỏ.
Nhìn ra thế giới bao la
Nói về việc lựa chọn chủ đề văn học nước ngoài, cô Lê Ngọc Hân (Tổ trưởng Tổ ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn) cho biết đây là phần không nằm trong chương trình thi nên thường bị lướt qua, xếp vào phần tự học ở nhà cho học sinh. Trong khi đó, văn học nước ngoài lại gợi mở ra rất nhiều điều, ngoài kiến thức còn là sự đa dạng về văn hóa, lịch sử. Từ đó có thể mở rộng ra những hiểu biết, hun đúc tình yêu, khát khao gắn bó, đặt chân đến những đất nước nào đó cho học sinh. “Trên cả việc học văn và kiến thức về văn học, đó là mong muốn các em dám mơ xa, nghĩ xa, mở toang cánh cửa tri thức để nhìn ra thế giới, từ Đông sang Tây, sẵn sàng hội nhập”, cô Hân nói.
Bên cạnh đó, theo cô Hân, chính thời gian tìm hiểu về tác phẩm, tác giả, đất nước là quá trình học sinh được trải nghiệm kiến thức. Qua cách trình bày của các em với gian hàng triển lãm, tập san và trình diễn trên sân khấu đã thể hiện sự sáng tạo, cách cảm thụ về tác phẩm, góc nhìn về dân tộc… “Không theo một lối văn mẫu nào cả, mỗi tác phẩm được học sinh các lớp thể hiện góc nhìn khác nhau. Có thể chọn cùng 1 đất nước, cùng 1 tác phẩm nhưng các em lại truyền đạt những thông điệp khác nhau, phát huy tối đa sự sáng tạo của mình. Điều này khiến giáo viên hoàn toàn bất ngờ”, cô Hân chia sẻ.
Gian hàng trưng bày “Thuốc” (Lỗ Tấn) của lớp 12D5
Thật ra ở “Đông Tây hội tụ” không thiếu sự trùng lặp tác phẩm nhưng hoàn toàn không có sự giẫm chân trong cách thể hiện. Cùng là Ấn Độ, cùng là sử thi Ramayana nhưng trong góc nhìn của lớp 10A7 khác với lớp 10D1, càng khác với lớp 11A1. Hay xứ Bạch Dương xinh đẹp trong “Tôi yêu em” qua sự sáng tạo của lớp 11D4 cũng chẳng giống với lớp 12D2. Hoặc đất nước Trung Hoa ở “Thuốc” của lớp 12D5 và 12D1 lại mang những “cồn cào” riêng biệt. “Qua “Thuốc”… của Lỗ Tấn, lớp 12D5 thể hiện bằng một liều thuốc theo đúng nghĩa đen, tái hiện hiệu thuốc truyền thống của Trung Quốc… lớp trưởng Nguyễn Đức Duy chia sẻ. Ngược lại, ở “Thuốc” của lớp 12D1 lại là sự bứt phá về lối ẩn dụ. Nhưng, dù ở phương thức nào cũng đã mở ra nhiều kiến thức mới mẻ nằm ngoài SGK về Trung Quốc thời Lỗ Tấn.
Ấn tượng trước sự sáng tạo và tài năng của học sinh qua các phần thể hiện trong “Đông Tây hội tụ”, cô Mai Thu Thủy (giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) cho rằng từ chính cách làm này, các tác phẩm văn học nước ngoài không còn bất động trên trang sách nữa mà được làm mới hoàn toàn, lồng ghép tất cả các loại hình nghệ thuật, văn hóa, lịch sử của đất nước đó. “Trước giờ học sinh chỉ quen nhìn trong nước thì nay các em được nhìn ra thế giới. Mà lại nhìn đa chiều về một đất nước, được nói những gì các em biết, làm những gì các em chưa bao giờ làm”, cô Thủy nói.
Yến Hoa
Bình luận (0)