Duy trì và nuôi dưỡng thói quen tốt cho bản thân đã khó huống chi là làm cho người khác. Ấy thế mà tại một ngôi trường ở ngoại ô TP.HCM có một cô giáo đã làm được điều ấy. Đó là cô Nguyễn Thu Hà (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12).
Học sinh trong trường tặng hoa cho cô Nguyễn Thu Hà trong một ngày lễ
Theo đó, cô Hà không chỉ truyền tình yêu sách đến học sinh mà còn biến tiết học văn trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn hơn. Cô chính là tấm gương của đổi mới, sáng tạo.
“Dụ” học sinh tìm đến sách
Chứng kiến nhiều bạn trẻ, trong đó có học sinh của mình chỉ biết cắm mặt vào những chiếc điện thoại thông minh, trở thành “con nghiện” của công nghệ thông tin mà quên rằng thế giới ngoài kia còn biết bao điều thú vị; nhìn những quyển sách cứ nằm im ỉm, đóng bụi trên các kệ sách trong thư viện, nhà sách bởi nó không còn được quan tâm và tìm kiếm như trước đây nữa, cô Hà cảm thấy rất đau lòng. Là một giáo viên dạy văn và có niềm đam mê đọc sách từ thuở nhỏ nên cô Hà luôn ý thức được những giá trị mà sách đem đến cho nhân loại và tầm quan trọng của việc đọc sách trong quá trình hình thành nhân cách của con người. Do đó, cô luôn trăn trở làm sao để học sinh “nghiện” đọc sách, có thói quen tìm đến một quyển sách, xem sách như một món ăn tinh thần cần thiết. Nghĩ là làm, năm 2013, quán cà phê sách của cô ra đời kiểu “cây nhà lá vườn”. Từ những đầu sách mà bản thân tích lũy được trong nhiều năm cũng như mua lại của người thân, người quen, cô đem ra trưng bày tại quán. Biết được tâm lý tuổi teen, cô khuyến khích “nếu học sinh đến quán đọc và tóm tắt một quyển sách bất kỳ trên kệ sẽ được uống nước miễn phí”.
Ngay sau đó, học sinh đã đến quán của cô nhưng với suy nghĩ, chỉ cần “cố” đọc cho xong một quyển sách là có ngay ly nước… 0 đồng. Dần dà, nhiều em “nghiện” sách từ khi nào không hay. Sau mỗi giờ tan học, quán cô Hà lại là nơi gặp gỡ của những học sinh thích đọc sách. Quán cà phê còn trở thành điểm học hỏi kiến thức, kỹ năng sống, là “ông tơ bà nguyệt” se duyên cho nhiều mối tình giữa học sinh và sách. “Khi nghe các em nói rằng “bây giờ chúng em đến không phải để được uống nước của quán cô nữa mà là để được đọc sách”, tôi rất vui bởi tôi thấy được sự tác động tuyệt vời của sách thế nào”, cô Hà không giấu được niềm hạnh phúc khi việc làm của mình đạt hiệu quả. Có nhiều học sinh thấy tủ sách của cô vơi đi, thế là lặng lẽ đặt vào những vị trí trống ấy bằng những bộ sách mà các em biết “cô mình rất thích”.
Nhận thấy sáng kiến quán cà phê sách của cô Hà hay, Quận đoàn Q.12 đã liên hệ tổ chức buổi giới thiệu quyển sách mà bạn yêu thích cho hơn 70 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận. “Hôm đó, tôi đã giới thiệu tác phẩm “Bài giảng cuối cùng” của giáo sư Randy Pausch. Đây là một câu chuyện đầy nghị lực để truyền cảm hứng đến cho các bạn thanh niên. Buổi giới thiệu rất thành công, có anh Lâm Đình Thắng (Phó Bí thư Thành đoàn TP.HCM) về dự và trao tặng một phần quà cho quán là những đầu sách mới tinh. Rồi thế hệ học sinh mỗi năm mỗi lớn, có những em đã ra trường, lâu lâu lại ghé quán tặng sách. Vì thế mà tủ sách của quán ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu bạn đọc”, cô Hà nhớ lại.
Nhằm tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên đọc sách, UBND phường chọn quán cà phê sách của cô Hà làm nơi đặt bản “Điểm sáng văn hóa”. “Những việc này giúp tôi càng có thêm động lực để duy trì, phát triển vì được mọi người quan tâm, cổ vũ”, cô Hà bộc bạch.
Vận dụng sách vào tiết học văn
Ngoài giờ mở cửa quán cà phê sách, cô giáo tận tâm vì công việc còn mang sách đến trường để lan tỏa tinh thần đọc sách. Biết học sinh tuổi teen thích uống trà sữa, ăn bánh tráng trộn, cô Hà đã lấy những món ăn “ô mai” này làm phần thưởng khích lệ cho học sinh đọc và tóm tắt một quyển sách vào giờ ra chơi. Với lớp mình chủ nhiệm, cô Hà còn đưa hoạt động đọc sách vào tiết sinh hoạt lớp. Thay vì chỉ tập trung vào khen thưởng, xử phạt học sinh, cô còn dành thời gian cho các em trao đổi, chia sẻ những quyển sách hay. Và cứ thế quen dần, sách đã trở thành món ăn tinh thần, nhu cầu giải trí, là cầu nối giữa cô giáo và học sinh.
Với tâm niệm không “trói” học sinh trong khuôn khổ của sách giáo khoa mà phải chắp cánh cho các em bay lên tìm hiểu thêm những quyển sách có cùng đề tài, cô Hà đã vận dụng sách vào giờ dạy văn rất hiệu quả. “Nên gợi cho học sinh tìm đến sách để các em có thêm kỹ năng đọc, hiểu, diễn đạt và trên hết là cảm nhận thêm cái đẹp nhân văn mà sách đem đến”, cô Hà chia sẻ. Bằng cách này, mỗi tiết dạy văn, cô điều gợi ý cho học sinh đọc trước những cuốn sách liên quan đến bài học để mở rộng tác phẩm, mở rộng tư duy. Cô Hà ví dụ: “Cùng là tác phẩm Tấm Cám nhưng lại có nhiều kết thúc khác nhau. Nếu các em không tự tìm hiểu thì sẽ không biết được nguyên nhân vì sao như vậy, không thể tranh luận khi giáo viên đặt ra hai tình huống trái chiều, tư duy của các em cũng chỉ gói gọn trong sách giáo khoa mà thôi. Là giáo viên, tôi không chỉ có trách nhiệm truyền đạt kiến thức mà còn bồi đắp tâm hồn cho học sinh, giúp các em hiểu: hãy thành nhân rồi sẽ thành tài. Khi chúng ta nuôi dưỡng để phát triển thể lực và trí tuệ thì chúng ta chỉ tạo ra một nhân tài, nhưng nếu chúng ta vừa nuôi dưỡng thể lực, phát triển trí tuệ và vun đắp tâm hồn thì chúng ta sẽ có được một thiên tài”.
Các em học sinh đọc sách tại quán cà phê của cô Hà “Là giáo viên, tôi không chỉ có trách nhiệm truyền đạt kiến thức mà còn bồi đắp tâm hồn cho học sinh, giúp các em hiểu: hãy thành nhân rồi sẽ thành tài”, cô Nguyễn Thu Hà nói. |
Để đỡ tốn chi phí mua sách cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đọc sách, trong lần họp phụ huynh mới đây, cô Hà đã trình bày ý tưởng thành lập tủ sách tại lớp học và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người. Với tủ sách này, những em có nhiều sách có thể đóng góp, còn em nào không có thì có thể mượn đọc. “Học sinh mà, đâu phải em nào cũng giàu, có điều kiện. Ngày xưa tôi cũng vậy. Xuất thân trong gia đình khó khăn, mỗi lần muốn đọc sách phải hùn tiền với một nhóm bạn mua rồi chia nhau ra đọc. Cứ thế khi lớn lên, tôi thấy những em học sinh nghèo như thấy chính mình trong đó, rất đồng cảm. Đọc sách rất quan trọng. Một người tìm đến sách sớm sẽ có sự phát triển tư duy rất tốt, có suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn”, cô giáo có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề bày tỏ.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)