Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mở cửa thị trường bán lẻ: Nhiều địa phương còn lúng túng

Tạp Chí Giáo Dục

Mở cửa thị trường có nghĩa là nhận lấy thách thức, đồng thời có cả cơ hội. Ảnh: Lê Toàn

Về việc mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam kể từ ngày 1-1-2009, Bộ Công Thương nhận định sẽ phát triển mạnh hình thức nhượng quyền thương hiệu; nhưng điều đáng lo là nhiều địa phương hiện còn lúng túng trong việc cấp phép.

Mở đầu cuộc họp báo hôm 25-12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, nhiều e ngại về việc mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam kể từ đầu năm 2009 có thể làm cho các nhà phân phối, bán lẻ trong nước bị đổ vỡ, phá sản có thể còn phiến diện.

Ông Tú nhấn mạnh, mở cửa là nhận lấy thách thức đồng nghĩa với cả cơ hội. Vấn đề là phải giảm thiểu khó khăn và nhân lên thuận lợi mới là cách của các nhà bán lẻ Việt Nam.

Ông Tú dẫn chứng rằng, kể cả trước khi gia nhập WTO, Việt Nam đã mở cửa cho Metro, Big C. “Còn sau khi vào WTO, lộ trình này sẽ được chuẩn hóa hơn”, ông nhấn mạnh và nói về việc, kể từ ngày 1-1-2009, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam vẫn phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể.

Ví dụ như số lượng mở, điều kiện mở tiếp điểm bán lẻ mới hay hạn chế một số mặt hàng nhà đầu tư nước ngoài chưa được phép phân phối. Nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý, còn vận dụng như thế nào hành lang đó để giảm thiểu khó khăn là bài toán mà các doanh nghiệp phải trực tiếp thực hiện.

Ông Võ Văn Quyền, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước nhấn mạnh đến việc, nhà nước tính toán rằng mở cửa cách gì thì cũng đặt vấn đề quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu.

Ông nói về việc nhà nước sẽ tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp phân phối vì qua đó là hình thức tác động nhanh nhất đến sản xuất, kích cầu mà chính phủ đang khuyến khích. Ông cũng nói về việc thị trường bán lẻ nội hiện nay còn phân tán, quy mô vừa phải nên bài toán tập trung để nâng cao sức cạnh tranh phải được đặt lên hàng đầu.

“Nếu tập trung nhiều ở các thành phố thì phù hợp với các nhà phân phối hiện đại, có vốn đầu tư lớn. Các nhà bán lẻ nội còn thị trường rộng lớn ở các địa phương và nông thôn, nơi truyền thống mua hàng qua chợ dù vẫn được duy trì nhưng cũng đã có nhiều thay đổi”, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước giải thích thêm.

Ông Xuân cũng cho hay, điều đáng lo là hiện tại các địa phương còn lúng túng trong việc cấp phép bán lẻ. Do vậy, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo để các địa phương hiểu rằng, việc mở cửa thị trường với nhà bán lẻ ngoại, đặc biệt là điểm bán lẻ thứ hai phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ ở địa phương.

Bộ cũng đã lập tổ công tác tư vấn cho các địa phương trong việc thực hiện nghiêm để việc cấp phép có trật tự, tránh cấp tràn lan, ồ ạt sau khi mở cửa thị trường.

Bộ Công Thương cho rằng, điều mà các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước cần quan tâm là việc các nhà phân phối nước ngoài sẽ đẩy mạnh việc nhượng quyền thương hiệu vào Việt Nam để gia tăng thị phần. Đây là hình thức gia nhập thị trường nhanh nhất mà những doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm này có thể gây áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam.

NGỌC LAN (TBKTSG)

Bình luận (0)