Thích ứng an toàn, linh hoạt là mục tiêu mà TP.HCM đặt ra khi mở cửa trường học trong 2 tuần thí điểm (từ 13 đến 25-12). Các trường tiểu học tại TP đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn, tạo vùng xanh khi đón học sinh lớp 1 trở lại trường.
Trường TH Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM) chuẩn bị đón học sinh
Tạo “vùng xanh” khi trẻ đến trường
Tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), nhiều phương án an toàn phòng chống dịch đón học sinh lớp 1 đã được nhà trường xây dựng. Trong đó, trường tổ chức lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát, đảm bảo giãn cách trước giờ học, giờ chơi và giờ tan trường. Công tác khử khuẩn, vệ sinh được thực hiện liên tục, nhất là các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, khu vực nhà vệ sinh, cầu thang…
“Ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, nhà trường, giáo viên sẽ dành thời gian để hướng dẫn các em hình thành thói quen phòng dịch tại trường, xây dựng nề nếp học tập cho học sinh, theo hình thức trực quan sinh động. Mọi khu vực vui chơi, học tập của học sinh đều được tách biệt, hạn chế thấp nhất việc học sinh tiếp xúc với nhau. Đặc biệt, việc phối hợp với phụ huynh khi học sinh trở lại trường sẽ được đẩy mạnh, duy trì xuyên suốt, đảm bảo nắm tình hình sức khoẻ của học sinh để kịp thời có biện pháp phù hợp…”, cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Tương tự, để đón học sinh lớp 1 trở lại trường, Trường TH Nguyễn Huệ (Q.1) đã chia nhiều khu vực nhỏ trong việc di chuyển, vui chơi của học sinh, nhằm hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc giữa các lớp. Phương án an toàn phòng chống dịch khi đón học sinh trở lại trường còn qua việc tạo thêm mảng xanh trong khuôn viên mỗi lớp học; Trang bị thêm nhiều vòi rửa tay, bố trí nước rửa tay sát khuẩn mỗi lớp; Viêc vệ sinh khử khuẩn lớp học được thực hiện trước, trong và sau mỗi buổi học.
Cô Bùi Thị Thanh (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin: “Ngay khi học sinh đến trường, các em đã được đón vào trường theo nhiều cổng khác nhau. Mỗi lớp sẽ được hướng dẫn di chuyển vào lớp, ra về theo những đường line có màu sắc riêng, đảm bảo khép kín. Giờ ra chơi, ra về cũng được nhà trường bố trí lệch giờ, mỗi lớp sẽ có một khu vực vui chơi riêng. Nhà trường cũng bố trí thêm bảo mẫu cùng ngồi học với học sinh trong mỗi lớp học, hỗ trợ GVCN giúp các em phòng chống dịch một cách an toàn…”.
Theo cô Thanh, trong thời gian học sinh đến trường, nhà trường sẽ tập trung dạy cho các em ý thức phòng chống dịch, giúp học sinh lớp 1 biết cách đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên, biết về dịch bệnh.
Phương án đi học lại cho hơn 200 học sinh khối 1 được Trường TH Lê Văn Tám (Q.7) xây dựng theo nguyên tắc khoanh vùng, hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc giữa học sinh. Mọi hoạt động học tập, vui chơi của học sinh được chia theo các khu vực nhỏ. Bên cạnh việc vệ sinh khử khuẩn, học sinh đến trường, ra về theo một chiều khép kín. Học sinh các lớp luân phiên ra chơi tại sân trường theo từng ngày, đảm bảo giãn cách.
Cô Nguyễn Hà Phương Thanh (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, khi học sinh lớp 1 đi học trực tiếp, nhà trường chia thành nhiều khu vực nhỏ, mỗi khu vực 2 lớp. GVCN đón học sinh ngay từ ngoài cổng, sau đó các em sẽ được dẫn lên lớp. Học sinh mỗi lớp sẽ được đeo thẻ theo một màu riêng để giáo viên dễ dàng quản lý. “Việc này sẽ giúp công tác khoanh vùng nhỏ nhất nếu xuất hiện ca nghi nhiễm trong trường, không gây ảnh hưởng đến các lớp học khác, cũng như không gây hoang mang…”.
Trẻ đến trường để hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng
Trong buổi họp phụ huynh học sinh khối 1 thông báo về công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, cô Bùi Thị Thanh (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Huệ) chia sẻ, những lo lắng của phụ huynh khi học sinh lớp 1 trở lại trường trong bối cảnh dịch bệnh như các con chưa được tiêm vắc-xin, các con còn quá nhỏ để có ý thức phòng chống dịch, thực hiện 5K, khoảng cách, khẩu trang, rửa tay thường xuyên… là điều nhà trường rất thấu hiểu.
Tuy nhiên, theo cô Thanh, ngay cả khi học sinh học trực tuyến tại nhà thì khả năng lây nhiễm của trẻ vẫn có vì phụ huynh đã đi làm, tiếp xúc. Trong khi đó, dịch bệnh không biết khi nào sẽ kết thúc, trẻ lớp 1 cần hoàn thiện, phát triển thêm nhiều kỹ năng khi học trực tiếp với thầy cô, bạn bè…
“Điều quan trọng nhất hiện nay là phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Nhà trường, phụ huynh cùng chung tay để tạo môi trường an toàn nhất cho các em đến trường”.
Cô Ngô Lan Anh (GVCN lớp 1/5, Trường TH Nguyễn Huệ) khẳng định, học trực tuyến kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của học sinh lớp 1. Nhu cầu được giao tiếp, học tập, vui chơi cùng thầy cô, bạn bè của trẻ lớp 1 là rất lớn. Chỉ qua việc cùng giao tiếp, vui chơi, học tập, các em mới phát triển được những kỹ năng về nề nếp, ý thức tự giác, kỹ năng giao tiếp…
“Từ mẫu giáo lên lớp 1, các em cần môi trường để được hoàn thiện thêm những kỹ năng trong độ tuổi, phát triển thêm về tâm tư, tình cảm. Những điều này chỉ có thể đến trường các em mới hoàn thiện được. Trong bối cảnh dịch bệnh, khi học sinh trở lại trường, GVCN sẽ sẽ tăng cường quan sát, theo dõi các con. Giáo dục các con về kỹ năng phòng chống dịch…”.
Giáo viên Trường TH Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM) chuẩn bị đón học sinh lớp 1 trở lại
Theo cô Lan Anh, hiện nay tỷ lệ tiêm vắc-xin tại TP.HCM là rất cao. Trẻ lớp 1 dù chưa được tiêm vắc-xin nhưng các con đã có nhứng lớp “áo giáp” là người lớn bảo vệ các con. Điều cần thiết là mỗi phụ huynh cùng nhà trường ý thức việc trang bị cho con kỹ năng bảo vệ mình khi các con đến trường, thích ứng an toàn trong tình hình mới, tạo môi trường an toàn nhất để trẻ được vui chơi, học tập.
“Gia đình, nhà trường cùng chung tay tạo vùng xanh, giữ gìn “vùng xanh” khi trẻ đến trường”, cô Lan Anh nói.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, ưu tiên trong 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp với khối 1, 9 và 12 là thích ứng an toàn trong phòng chống dịch. Công tác phòng chống dịch sẽ là trên hết…
Việc dạy học trực tiếp là tận dụng thời gian vàng để khắc phục những tồn tại của dạy học trực tuyến. Việc tổ chức dạy học phải linh hoạt, không cứng nhắc. Ưu tiên số giờ dạy học trực tiếp để giúp đỡ học sinh, bổ sung những thiếu sót cho học sinh. Lãnh đạo nhà trường phải cân nhắc dựa vào đặc thù thực tế trường mình để xây dựng phương án, kế hoạch dạy học trực tiếp một cách phù hợp, đảm bảo các quy định phòng chống dịch, trao quyền chủ động cho giáo viên.
Yến Hoa
Bình luận (0)