Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mò cua, xúc tép nuôi 4 con học đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Thành tích học tập của các con chị Lý

Ở cái thôn nghèo này, từ đầu đến cuối thôn ai cũng biết nhà chị có 4 đứa con học đại học. Nhưng ít ai biết được rằng để có được điều đó, chị đã phải trải qua muôn vàn khổ cực, đắng cay…
Cái nghèo đeo bám
Đến thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, hỏi nhà chị Võ Thị Lý ai cũng biết. Giữa những căn nhà xây kiên cố, căn nhà của mẹ con chị Lý lọt thỏm, thấp lụp xụp. Nhà chị Lý nghèo lắm, phải nói là nghèo nhất làng. Nhìn bề ngoài thấy nhà cũng lợp ngói đỏ như ai. Nhưng vào bên trong mới thấy hết nỗi cơ cực của mẹ con chị. Bên dưới mái ngói không phải là gỗ mà là tre nứa, như kiểu đá treo trên đầu. Tường nhà là một hỗn hợp được trộn bùn non với rơm trát lên những thanh tre, bên ngoài bức tường đất được che chắn bằng những vỏ bao xi măng để tránh mưa tạt làm bùn nhũn ra. Qua một mùa đông, tường đất bị thấm nước nên đồ đạc trong nhà chị lên mốc meo. Trong nhà, đáng giá nhất là chiếc ti vi đen trắng.
Đón chúng tôi trên bậc thềm thấp tối u u, chị Lý cùng mấy đứa con từ chối tiếp chuyện bởi lẽ họ e ngại về hoàn cảnh gia đình của mình. Phải mất một thời gian trò chuyện, các em mới cởi mở hơn. Chị Lý năm nay đã 49 tuổi. Dẫu lao động cả đời cật lực nhưng đến nay vẫn chưa cất nổi cho mình và các con một ngôi nhà che mưa nắng. Ngôi nhà chị và các con đang sống thuộc quyền sở hữu của bố mẹ chồng.
Chị Lý cho biết, anh chị lấy nhau với hai bàn tay trắng, những năm tháng còn trẻ chồng chị là lao động chính trong gia đình. Ngày ấy, anh chăn nuôi vịt đàn nhưng do dịch bệnh đàn vịt chết hết, bao nhiêu vốn liếng cũng theo đó đổ xuống sông. Thất bại từ chăn nuôi vịt để lại một món nợ lớn khiến anh chị phải ôm con bỏ quê hương vào tận Đắk Lắk kiếm sống. Lang bạt tận xứ người không có lấy một bóng người quen, trong khi con đông, bao nhiêu thứ cần trang trải. Dắt díu nhau làm thuê được một thời gian, chị Lý ngộ ra rằng nếu cứ mãi sống như thế này thì tương lai các con không thể khá hơn mình. Vậy là vợ chồng quyết định quay về nơi chôn rau cắt rốn, cố bám lấy quê để cho con có chỗ học hành.
Thế nhưng, trở về quê, chồng chị không may bị bệnh rối loạn tuần hoàn não, mất khả năng lao động. Những ngày bình thường trời mát mẻ anh có thể làm được chút việc nhẹ nhàng. Còn những ngày trái gió trở trời anh thường hay bị ngất xỉu. Mọi việc trong nhà dồn lên đôi vai của chị Lý. Thu nhập từ trồng lúa khoảng vài tấn mỗi vụ nếu được mùa nhưng chị phải nuôi 9 miệng ăn, tiền thuốc men cho ba mẹ già và người chồng đau ốm triền miên. Đã thế hàng tháng chị phải gửi tiền ăn, học phí cho 4 đứa con đang theo học đại học nên bao nhiêu lúa trong nhà đều lần lượt “đội nón ra đi”. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống chị phải thức khuya dậy sớm cùng đứa con út năm nay lên lớp 8 kéo lưới bắt con tép, con tôm. Thức khuya dậy sớm nhưng cũng chỉ kiếm được từ 50.000-80.000 đồng/ngày. Có những lúc ốm đau phải nghỉ ở nhà nhưng ngồi nhà chị lại không yên tâm. Chị cứ suy nghĩ mình mà ở nhà thì làm gì có tiền để gửi hàng tháng cho các con. Căn nhà vì thế bao nhiêu năm qua vẫn chỉ là vách đất rệu rã với mưa nắng.
Vì tương lai của con

Chị Lý kèm cặp con trai út học bài

Cuộc sống khó khăn có lúc tưởng chừng không thể vượt qua nhưng bằng nghị lực phi thường của một người mẹ, chị vượt lên tất cả để lo cho 5 đứa con ăn học. Từ đầu thôn đến cuối thôn ai cũng biết nhà chị có nhiều đứa con học đại học. Có nhiều lời khen ngợi khâm phục gia đình chị nhưng không ít lời xì xào, bàn tán “nghèo mà cứ đeo nhau học”. Chị Lý cho biết: “Đã sống vất vả gần một đời người rồi nhưng chị cố chịu khổ thêm vài năm nữa để cho mấy đứa con ra trường ổn định công việc mới yên tâm được”.
Thông cảm với hoàn cảnh gia đình chị Lý, chính quyền xã Sơn Thủy đã hỗ trợ 30 triệu đồng để xóa căn nhà tạm nhưng gia đình chị đã từ chối. Không phải chị kiêu căng hay đòi hỏi. Đơn giản, người phụ nữ ấy nghĩ rằng nếu lấy số tiền đó để xây nhà vào thời buổi này thì không thấm vào đâu. Ít nhất cũng phải có vốn của mình góp vào vài chục triệu nữa mới mong xây được căn nhà cấp 4. Như thế thì lấy đâu ra tiền cho con đóng học phí, ngay cả tiền gửi hàng tháng nhiều lúc chị còn vay nóng với lãi suất đến 25%. Thế là chị ậm ừ rồi xin không nhận tiền hỗ trợ. “Kể ra được quan tâm thì gia đình tui cũng mừng lắm. Với nghề nông từng ấy tiền không hề nhỏ, có khi làm cả chục năm không tích cóp được. Nhưng nhận rồi mà không làm nhà thì mình có tội. Thôi, chờ các con có nghề nghiệp rồi tính”, chị Lý tâm sự. 
Chia tay chúng tôi, chị Lý bảo, chị vất vả cả đời nhưng vẫn thấy vui, thấy được đền đáp xứng đáng bởi sự hiếu học của con cái. Chị bảo, với chị đó là thứ tài sản quý giá nhất. Chị kể trong niềm vui khó tả xen lẫn với niềm tự hào: “Cháu đầu vừa mới tốt nghiệp đại học ngành du lịch và đang chờ xin việc; thằng thứ 2 học trung cấp cảnh sát năm cuối; đứa con gái học Đại học Quảng Nam 3 năm liền đều là sinh viên giỏi lại làm lớp trưởng; đứa thứ 4 đang học năm 2 ngành xây dựng của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Còn thằng út năm nay lớp 8 rồi, có phải ở nhà đất suốt đời, có cực khổ chi tui cũng cố cho nó học xong ĐH”.
Vĩnh Yên – Đại Lánh

Bình luận (0)