Loạt dự án mở rộng cửa ngõ và liên kết giao thương với các tỉnh, thành lân cận được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế TP.HCM cũng như toàn vùng kinh tế phía nam.
Nút giao 3 tầng An Sương vừa chính thức thông xe ngày 15.7. ẢNH: KHẢ HÒA
Khơi thông các cửa ngõ
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (BQLDA) vừa thông xe nhánh hầm N2 thuộc dự án xây dựng hầm chui tại nút giao An Sương, sau khi nhánh N1, hướng từ trung tâm TP đi H.Củ Chi, dài 445 m đã khởi công từ tháng 3.2017 và hoàn thành – thông xe vào tháng 3.2018.
Về mặt giao thương, nhu cầu vận chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm ngày càng tăng cao, dẫn đến ùn tắc. Ách tắc là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh cao hơn so với các nước khác. Điều này dẫn đến hàng hóa xuất khẩu khó cạnh tranh, ảnh hưởng lớn đến kinh tế TP cũng như phát triển kinh tế toàn vùng.
TS Nguyễn Bá Hoàng
|
Nhánh N2, hướng từ H.Củ Chi đi trung tâm TP dài 385 m, đã thi công xong 11/18 đốt hầm từ tháng 12.2018, sau đó phải tạm ngưng thi công chờ giải phóng mặt bằng. Giữa tháng 10.2019, H.Hóc Môn (TP.HCM) đã bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và thi công mở rộng mặt đường QL22. Sau 5 tháng tập trung thi công, nhánh hầm N2 đã hoàn thành, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan và được Sở GTVT cho phép thông xe vào ngày 15.7 vừa qua để phục vụ người dân cùng các phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn hơn qua khu vực nút giao thông này. Các hạng mục còn lại của công trình, như các vị trí cải tạo vỉa hè, cải tạo mảng xanh, hoàn thiện mặt đường khu vực vòng xoay An Sương (phía trên đỉnh hầm)… sẽ được các đơn vị tập trung triển khai thi công để hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 9 tới.
Dự án hầm chui N1 và N2 qua nút giao thông ngã tư An Sương có tổng mức đầu tư 514 tỉ đồng. Nút giao 3 tầng tại cửa ngõ tây bắc này được đánh giá là 1 trong 6 dự án trọng điểm của TP.HCM trong việc giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn TP bởi đây là điểm kết nối nhiều trục giao thông huyết mạch như QL1, QL22, đường Trường Chinh và gần kề Bến xe An Sương.
“Sau khi hoàn thành toàn bộ dự án, nút giao thông An Sương sẽ gồm 3 tầng, với tầng hầm cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh qua QL22 và ngược lại. Tầng trên mặt bằng nút giao có đảo tròn trung tâm, kết hợp hệ thống đèn tín hiệu giao thông cho các xe đi vào vòng xuyến rẽ trái, rẽ phải về các hướng. Tầng trên cùng là cầu vượt cho xe đi thẳng theo hướng QL1. Khi đó, khu vực này sẽ giảm giao cắt giữa các luồng xe trong nút, giúp tình hình giao thông ổn định, các phương tiện sẽ lưu thông an toàn hơn theo đúng mục tiêu dự án đề ra”, đại diện BQLDA nhận định.
Trước đó, hầm chui trên QL1 đoạn qua trước khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Q.9) – nút giao thông Đại học Quốc gia (thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội) chính thức được thông xe sau hơn 3 năm rưỡi thi công. Với 8 làn xe chính, chưa kể 6 làn đường song hành hai bên, đây là một trong những tuyến quốc lộ có lộ giới rộng nhất nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại cũng như trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Đông, TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Với vùng cửa ngõ phía nam, dự án xây dựng nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) với tổng vốn đầu tư hơn 830 tỉ đồng cũng đang được gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2023, giải tỏa ùn tắc khu nam Sài Gòn.
Tăng kết nối liên tỉnh
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học GTVT TP.HCM, đánh giá việc các nút giao trọng điểm tại nhiều khu vực cửa ngõ hình thành và được đưa vào hoạt động không chỉ giải tỏa ùn tắc cho các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối liên vùng mà còn cải thiện mỹ quan đô thị, góp phần giảm tải cho mạng lưới giao thông nội đô. Tuy nhiên, song song với việc khơi thông các cửa ngõ, hoàn thành quy hoạch nhiều dự án mở rộng, tuyến đường kết nối giao thông liên vùng là điều cấp bách cần làm.
Sở GTVT TP.HCM thừa nhận sự liên kết giữa hệ thống giao thông đô thị TP với hệ thống giao thông các vùng lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam còn thiếu và gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, mạng lưới đường còn thiếu, hạn chế năng lực lưu thông; đường Vành đai 2 chưa khép kín, các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50 chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch, đường Vành đai 3, 4, hệ thống đường cao tốc hướng tâm (TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Biên Hòa) chưa được đầu tư nên một lượng lớn phương tiện giao thông quá cảnh vẫn lưu thông qua trung tâm TP, gây quá tải cho hệ thống giao thông hiện hữu, cản trở lưu thông kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh cũng như giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Mới đây, trong cuộc họp giữa 2 Sở GTVT TP.HCM và Long An, 2 bên đã thống nhất danh sách 23 tuyến đường quan trọng kết nối 2 địa phương cần được ưu tiên đầu tư trong thời gian tới. Trong đó, có 12 tuyến đường hiện hữu cần được đầu tư mở rộng, 8 tuyến đường cần nhanh chóng triển khai theo quy hoạch và 3 tuyến đường cần nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch.
Cụ thể, Sở GTVT TP.HCM và Long An thống nhất nghiên cứu nối dài đường Võ Văn Kiệt từ TP đến Khu công nghiệp Hải Sơn – Tân Đô (H.Đức Hòa, Long An); Mở rộng QL50 từ H.Bình Chánh (TP.HCM) kết nối với H.Cần Giuộc (Long An) lên quy mô 34 m (6 làn xe), đồng bộ với đoạn qua tỉnh Long An; Đầu tư làm đường song song QL50 từ đường Phạm Hùng (H.Bình Chánh) đến Long An từ giai đoạn 2021 – 2025…
Ngoài ra, TP.HCM và Long An cũng sẽ nghiên cứu đường mở mới phía tây bắc dài khoảng 19,8 km có điểm đầu tại QL1 (Bình Tân) và điểm cuối tại Vành đai 4 gần TT.Hậu Nghĩa (Long An) với quy mô 6 làn xe. Đây là đường trục giao thông rất quan trọng kết nối TP đi tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây. Khi tuyến này hình thành sẽ chia sẻ lượng xe trên tỉnh lộ 9 và 10 hiện hữu, cải thiện giao thông, tạo tiền đề phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Việc khép kín đường Vành đai 2, xây dựng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh), xóa thế độc đạo QL22 cũng nằm trong danh sách các dự án cấp bách đang được TP.HCM gấp rút xúc tiến ngay trong năm nay để hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025.
“Chia lửa” bằng đường sắt và đường thủy
Trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia cũng như lãnh đạo TP đã nhất trí quan điểm TP.HCM cần ưu tiên đầu tư phát triển đường sắt để tăng khả năng kết nối và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh vận chuyển đường thủy, phối hợp giữa hai phương thức vận tải đường bộ – đường thủy nội địa để tận dụng 1.000 km đường sông đang bị “bỏ quên”, chia lửa cho vận tải đường bộ.
Theo PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, kinh nghiệm từ các nước cho thấy để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí thì cần phát triển vận tải đường sắt và đường thủy. Vận chuyển bằng đường bộ chi phí cao, mất thời gian, dễ dẫn đến tắc nghẽn, chi phí bảo dưỡng đường sá cao. Chưa kể không thể phát triển quá mạnh đường bộ vì kéo theo nhiều rủi ro tai nạn giao thông. Do đó, nên bố trí các đường sắt chuyên dụng xuống cảng Cái Mép, cảng Cát Lái, kết hợp thêm với các cảng cạn để sử dụng đường sông một cách triệt để. “TP.HCM nên rà soát lại quy hoạch, tuyến nào cần mở rộng, kéo dài thì nên thực hiện sớm. Những tuyến đường bộ thêm vào cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng, làm sao phải hài hòa giữa các loại hình vận tải. Đặc biệt chú trọng ưu tiên đường sắt và đường thủy trong hệ thống vận tải liên vùng”, ông Hoàng nói.
Theo Hà Mai/TNO
Bình luận (0)