Đóng quân trên đảo Cồn Cỏ, đối mặt với muôn vàn khó khăn, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (BĐBP Quảng Trị) đã nỗ lực vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời tiết, tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ chăm sóc rau xanh
1.Tầm 8 giờ sáng, con tàu cao tốc rời cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) hướng thẳng về phía đảo Cồn Cỏ mang theo sự háo hức của những người lần đầu vượt biển. Màu xanh của đảo tiền tiêu hiện dần ra sau hơn 1 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển. Đón chúng tôi, Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ cười thật tươi: “Nằm cách xa đất liền tới gần 20 hải lý, việc đi lại giữa đất liền và đảo Cồn Cỏ phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Các điều kiện tự nhiên trên đảo cũng khắc nghiệt nên ở đây mỗi người lính không chỉ làm nhiệm vụ canh giữ biên cương Tổ quốc mà còn tăng gia sản xuất để chủ động phục vụ đời sống của mình”.
Dẫn tôi đi một vòng quanh doanh trại đơn vị, khác với hình dung, cả khuôn viên vườn tược phủ một màu xanh của rau trái. Trung tá Nguyễn Đình Cường nói, ở đây nhiều khi cả tháng trời không có tàu ra, vì vậy việc chủ động đảm bảo lương thực đặc biệt là thực phẩm cho bộ đội làm nhiệm vụ trên đảo là rất cần thiết. Đồn luôn đưa ra những biện pháp quyết liệt trong công tác tăng gia, sản xuất. Bên cạnh việc đầu tư vật chất, đơn vị luôn phát huy tinh thần tự lực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ.
Đang miệt mài tưới những luống rau xanh, binh nhất Hồ Công Phát, chiến sĩ đội vũ trang chia sẻ: “Được trực tiếp trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện bữa ăn, tôi cảm thấy rất vui. Bữa cơm có các món ăn chế biến từ các sản phẩm do chính tay mình làm ra có cảm giác ngon miệng hơn hẳn. Đặc biệt, tham gia tăng gia sản xuất, tôi tích lũy thêm được kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, những vấn đề về nông nghiệp mà trước đây tôi chưa thành thạo. Lao động cũng là niềm vui, nhìn những cây trái lên xanh, tâm hồn mình thư thái hẳn”. Nhanh nhẹn gánh nước tưới những luống rau mướt xanh phủ lên trên đá sỏi, binh nhất Hồ Công Phát ngân nga mấy câu thơ theo nhịp đưa đôi thùng tưới nước: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhìn những giọt mồ hôi thấm vai màu áo lính giữa ráng chiều hoàng hôn thật đẹp.
2.Trung tá Nguyễn Đình Cường kể, để khắc phục điều kiện đất đai khô cằn lại nhiều đá sỏi trên đảo, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ bỏ công sức khai hoang, san lấp mặt bằng, chở đất cát từ nơi khác về để bổ sung lớp đất mặt, tận dụng phân chuồng, ủ phân xanh để cải tạo đất. Nước trên đảo cũng khan hiếm nên đơn vị xây hệ thống bể để tận dụng nguồn nước trong sinh hoạt làm nước tưới. Bền bỉ như thế, sau một thời gian, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ đã có khu tăng gia, sản xuất.
“Đảo nhỏ, diện tích để tăng gia sản xuất có hạn nên Đồn Biên phòng Cồn Cỏ phải tận dụng tối đa không gian đất để tăng gia, sản xuất, đầu tư xây hệ thống vườn, chuồng trại với quy hoạch theo hướng tập trung, phân khu chức năng hợp lý, hiệu quả và gắn với xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng phải lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và thổ nhưỡng, khí hậu. Điểm đặc biệt trong tăng gia, sản xuất, anh em tập trung vào cây, con có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình, việc nuôi lợn lai rừng nuôi dê đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều với nuôi lợn thường hay các loại gia cầm”, Trung tá Nguyễn Đình Cường chia sẻ.
Để các mô hình mang lại hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nghiên cứu, tham khảo các mô hình hiệu quả thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đa dạng hóa các loại rau, củ, quả, luân canh, xen canh, gối vụ để bảo đảm rau xanh quanh năm và sản lượng quy định, không để lãng phí đất. Công tác tăng gia, sản xuất được thực hiện theo đúng tiêu chí của Tổng cục Hậu cần, gồm 3 giàn: giàn trên vườn, giàn trên ao và giàn trên chuồng và 5 vườn: vườn rau gia vị, vườn rau ăn lá, vườn rau ăn củ, vườn rau ăn quả và vườn cây ăn quả.
Cồn Cỏ là hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc thuộc vùng biển Quảng Trị, có diện tích khoảng 2,3km2. Là điểm phân chia Vịnh Bắc bộ – Cửa ngỏ phía Nam của Vịnh Bắc bộ – là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, có tọa độ 17008’15’’ – 17010’05’’ vĩ độ Bắc; 1070,19’50” – 107020’40” kinh độ Đông. Cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý. Trước khi thành lập huyện đảo Cồn Cỏ vào ngày 1-10-2004. Trước đó, Cồn Cỏ thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. |
3.Bữa cơm chiều trên đảo nhỏ trông thật đủ đầy và hấp dẫn bởi các món ăn đều do tự tay các cán bộ, chiến sĩ tăng gia ngay trong khuôn viên đơn vị mình. Trung tá Nguyễn Đình Cường chia sẻ, điều kiện về thời tiết trên đảo vô cùng khắc nghiệt, mùa khô nắng nóng kéo dài, lượng mưa rất ít; vào mùa mưa kéo theo gió bão quật ngã gây hư hại hết rau xanh. Khó khăn như vậy nhưng cán bộ, chiến sĩ hàng năm vẫn đảm bảo thực phẩm tự túc đáp ứng được 70% nhu cầu (trong đó 100% nhu cầu rau xanh, 70-80% nhu cầu thịt các loại). Chất lượng bữa ăn của bộ đội ngày càng được nâng lên rõ rệt. Giai đoạn 2015-2020, đơn vị thực hiện tốt bộ tiêu chí đảm bảo hậu cần; thu từ tăng gia sản xuất đạt trên 500 triệu đồng đưa vào tái sản xuất, cải thiện bữa ăn và sử dụng làm phúc lợi cho cán bộ, chiến sĩ… Đây chính là động lực để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.
Chúng tôi lên chuyến tàu cao tốc rời đảo Cồn Cỏ giữa bình minh, thấy ấm hơn trước những cái vẫy tay và lời mời ngày trở lại. Cồn Cỏ xanh – một màu xanh của cây trái, của rừng nguyên sinh và cả màu xanh áo lính của những người đang làm nhiệm vụ canh giữ biên cương Tổ quốc.
Thiên Phúc
Bình luận (0)