Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mô hình câu lạc bộ: vỏ – ruột tréo ngoe

Tạp Chí Giáo Dục

Không thể phủ nhận những ích lợi mà mô hình hoạt động câu lạc bộ (CLB) sinh viên ở các trường CĐ, ĐH đem đến cho người tham gia như tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng và cơ hội trải nghiệm thực tế. Tuy vậy, ở một số trường hợp, mô hình này đã xuất hiện những gam màu chưa sáng, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của sinh viên đối với phong trào.

Mô hình CLB sinh viên ở các trường CĐ, ĐH với mục tiêu ban đầu là nơi để các em trau dồi, luyện tập kỹ năng; là nơi ứng dụng kiến thức nghề nghiệp trước khi các em tốt nghiệp ra trường và làm nghề thật sự. Những hiệu quả tích cực của mô hình này từ lâu được xã hội công nhận. Song, vẫn không thiếu những câu chuyện “dở khóc dở cười” về mô hình này. Đó là các sự kiện, hoạt động do CLB tổ chức đôi khi chỉ mang tính hình thức. Thành phần tham gia hầu như chỉ là các thành viên của CLB và lác đác vài cộng tác viên. Rốt cùng chỉ là nơi để sinh viên sống ảo, đăng ảnh câu like trên trang cá nhân facebook. Chưa hết, câu chuyện cạnh tranh giữa các CLB trong cùng một trường cũng là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi. Số lượng CLB mỗi năm mỗi tăng nhưng nguồn tuyển thành viên từ sinh viên thì hầu như không mấy thay đổi. Để khuyến khích người tham gia, hẳn nhiên các CLB phải có những chính sách thu hút. Tuy vậy, thay vì ý thức nỗ lực tạo ra các hoạt động chất lượng, tạo lập hình ảnh CLB cuốn hút thì có CLB lại sa đà vào con đường tiêu cực. Xuất hiện các chiến dịch lôi kéo thành viên bởi những kế hoạch tạm gọi là “truyền thông bẩn”, hạ bệ CLB đối thủ bằng cách tuyên truyền xấu, gây ra những cuộc chiến âm thầm nhưng dai dẳng. Không khó để thấy những scandal (vụ bê bối) bị “bóc phốt” trên các confessions (trào lưu sự thú nhận) ở các diễn đàn sinh viên nhằm phản kích CLB đối thủ. Nếu nhà trường không có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, sợ rằng sẽ tạo ra những tâm lý khó chịu.

Hiện nay ở nhiều trường CĐ, ĐH, mô hình CLB sinh viên như “nấm mọc sau mưa”. Quy trình để thành lập CLB khá dễ dàng, nhưng dường như các trường lại chưa chú trọng đến việc quản lý chất lượng hoạt động. Bởi những hệ lụy tiêu cực của một CLB hoạt động không chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, cách nhìn của sinh viên đối với mô hình này, và xa hơn sẽ gây ra tâm lý không thiện cảm đối với các hoạt động phong trào của Đoàn – Hội sinh viên.

Tóm lại, bên cạnh việc tạo điều kiện để các CLB hoạt động thì cũng cần tạo hành lang pháp lý để chấn chỉnh những hoạt động không tốt. Các trường phải kiên quyết nói không với những báo cáo ảo, hay hoạt động chỉ mang tính hình thức của các CLB…

Trn Xuân Tiến
(Trưng ĐH Văn Hiến)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)