Sau 4 năm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số cty Nhà nước ở Đồng Nai sang mô hình cty mẹ – cty con, các DN đã tạo được sợi dây liên kết “cần phải có nhau” giữa “mẹ” và “con”, đồng thời kết hợp rất hài hòa “lợi ích riêng – chung” của cty mẹ và các cty thành viên. Đây cũng chính là cơ sở để các Tcty này có thể phát huy sức mạnh “bó đũa” trong những thời điểm khó khăn, nhất là từ cuối năm 2008 đến nay.
Tổ hợp Sonadezi là một điển hình hiện có 20 Cty thành viên, 1 đơn vị trực thuộc nhưng nhờ Cty mẹ biết phát huy vai trò của mình phù hợp và gắn kết các DN thành viên nên đã trở thành đơn vị hoạt động theo mô hình cty mẹ – cty con hiệu quả nhất trên địa bàn hiện nay.
Xây thương hiệu chung
Một số ý kiến cho rằng, trong các cty mẹ – con gốc Nhà nước có một vấn đề mà nhiều cty gặp phải là lợi ích của các Cty con và mẹ trái ngược nhau. Mẹ cũng sản xuất như con, hai bên cạnh tranh nhau, giành thị trường của nhau. Cty mẹ gọi lợi ích của mình là chung, của mỗi con là riêng. Nhưng mâu thuẫn này hoàn toàn có thể hóa giải nếu mỗi bên xác định đúng vai trò, quyền lợi của mình và cùng mục tiêu xây dựng thương hiệu chung. Ở Tổ hợp Sonadezi, ngay từ khi mới chuyển đổi mô hình, đã có chiến lược phát triển các cty thành viên theo ngành nghề sẵn có để hình thành nên 5 nhóm cty trong TCty: Bất động sản khu công nghiệp, khu dân cư; Xây dựng và VLXD; Cảng, kho bãi, vận tải; Kinh doanh và cấp nước; Dịch vụ. Nếu nhìn qua sẽ nghĩ, các cty thuộc nhóm bất động sản KCN, khu dân cư bị một áp lực nặng nề khi cái bóng của cty mẹ – Sonadezi quá lớn bởi đây là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh các KCN và khu dân cư ở Đồng Nai. Nhưng ở vai trò của một cty mẹ, Sonadezi đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về vốn, thị trường cho các cty thành viên đồng thời hướng các cty thành viên vào việc xây dựng thương hiệu chung – Sonadezi.
Ở mô hình TCty mới, cách quản lý bằng mệnh lệnh hành chính không còn, thay vào đó là vận hành theo quan hệ kinh tế. Cụ thể, cty mẹ thực hiện quyền chi phối các Cty con thông qua nguồn vốn góp, qua khả năng bảo lãnh cho các Cty con bằng uy tín, thương hiệu của mình… Sonadezi cũng xuất phát từ điểm này để đưa tổ hợp của mình đến thành công. Kết dính quan hệ “mẹ con” bằng sự hỗ trợ, Sonadezi đã chủ động tìm dự án và để các cty thành viên cùng phối hợp thực hiện trên cơ sở phân chia công việc theo kinh nghiệm, thế mạnh của các đơn vị thành viên nhưng đúng luật và đảm bảo chất lượng. Ví dụ, trong năm 2008, các đơn vị thành viên như Cty CP Xây dựng ĐN, Cty CP Kinh doanh nhà, cty CP Xây dựng Sonadezi, cty CP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu ĐN, Cty D2D… đã cùng cty mẹ tham gia thực hiện dự án Khu chung cư cao tầng Nguyễn Văn Trỗi. Trong năm 2009, với 15 dự án lớn đang triển khai thực hiện: KCN Giang Điền, tòa nhà Sonadezi, Dự án chuyển đổi KCN Biên Hòa I thành khu Đô thị – Thương mại – Dịch vụ, Cầu Hóa An, Cụm CN Tân An và Thiện Tân, Khu liên hợp xử lý rác Quang Trung… Sonadezi tiếp tục phát triển tổ hợp theo hướng kết hợp các thành viên dựa trên lợi thế quan trọng là 5 nhóm ngành nghề của tổ hợp đều có liên quan với nhau và có thể bổ trợ cho nhau rất tốt. Đồng thời, Sonadezi đang tập trung xây dựng lực lượng nhân sự và nâng cao chất lượng sản phẩm để củng cố nội lực và chuẩn bị nhân lực cho các dự án; hỗ trợ đào tạo đội ngũ kế cận cho các đơn vị thành viên thông qua các khóa đào tạo thiết thực của Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi.
Cùng vượt sóng
Một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai nhận xét: “Khi sang mô hình mẹ – con thì trách nhiệm của "mẹ" chỉ bớt đi những sự vụ, hành chính, còn trách nhiệm về chiến lược phát triển, vốn liếng, tài chính, đầu tư, con người… lại rất nặng nề. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái và các DN liên tục chịu những cú sốc lớn trong thời gian qua. Sonadezi đã là một đầu tàu rất tốt. Hiện nay, hầu hết các đơn vị thành viên của Sonadezi đều hoạt động có hiệu quả xét trên tất cả các tiêu chí về vốn, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách… duy trì và phát triển nguồn vốn Nhà nước trong các cty cổ phần hoá. Tất cả các công việc kinh doanh đều thông qua hợp đồng kinh tế bình đẳng giữa các bên. Cty con không chịu sự áp đặt hành chính của cty mẹ. Bên cạnh đó, cty mẹ vẫn đảm bảo sự điều hành, chi phối của mình đối với các Cty con không chỉ bằng tỷ lệ vốn đầu tư mà còn bằng định hướng chiến lược kinh doanh, thị phần, uy tín và thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực… tạo ra sự gắn kết thực sự giữa cty mẹ và cty con”.
Do vậy, trong năm 2008 đầy thử thách, tổ hợp Sonadezi vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra với doanh thu 2.097 tỷ đồng, đạt 106,9% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 436 tỷ đồng, đạt 156,6% so với kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước 20,80%, đạt 130,2% so với kế hoạch; nộp ngân sách 218 tỷ đồng, đạt 177,7% so kế hoạch. Và trong tổng số 20 đơn vị thành viên, nhiều cty có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, tỷ lệ chia cổ tức rất cao như cty CP Xây dựng Sonadezi, Cty CP Sonadezi Long Thành, Cty Phát triển KCN Biên Hòa, Cty CP D2D, Cty CP Cảng Đồng Nai… Đặc biệt, không có Cty nào lỗ, tỷ lệ chia cổ tức thấp nhất là 6%, cao nhất là 25% và đa số các cty đều chia cổ tức từ 10% trở lên. Riêng Cty CP Sonadezi Châu Đức, do mới thành lập nên chỉ chia cổ tức 3,8% nhưng đó cũng là một con số đáng nói bởi cho đến thời điểm này, cty vẫn đang trong quá trình triển khai dự án và doanh thu chủ yếu là từ hoạt động phụ như tài chính, thu phí giao thông.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng – Chủ tịch HĐQT Sonadezi cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm 2009, tổ hợp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của nền kinh tế và kết quả kinh doanh của từng nhóm trong tổ hợp đang thể hiện rõ diễn biến của nền kinh tế đất nước. Cụ thể, nhóm xây dựng và VLXD dự kiến đạt doanh thu, lợi nhuận cao. Nhưng nhóm KCN, cảng, kho bãi, vận tải và dịch vụ tương đối khó khăn. Nhất là việc thu hút đầu tư FDI khá chậm. Tuy nhiên, Sonadezi sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà sẽ thu hút có lựa chọn theo quốc gia, hướng tới đối tượng DNNVV và ưu tiên những dự án sạch. Hiện nay, toàn bộ các KCN của Sonadezi đang ráo riết tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung trước rồi mới ký kết, giao đất cho nhà đầu tư. Cách làm này có thể làm cho dòng chảy FDI thêm chậm nhưng mục tiêu lâu dài của chúng tôi là tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”.
Cũng theo bà Hằng, khó khăn trước mắt vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là công tác đền bù giải tỏa còn chậm trễ. Nếu kéo dài thời gian làm dự án thì chí phí đầu tư DN phải bỏ ra càng lớn trong khi tổng vốn đầu tư của năm nay khác với năm sau. Như vậy, để vượt qua những khó khăn này, bên cạnh nỗ lực tự thân của mỗi thành viên, sự đồng thuận trong tổ hợp là rất quan trọng và cũng cần nhiều hơn nữa sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN từ các cấp chính quyền để cùng DN vượt sóng.
Kim Huệ (dddn)
Bình luận (0)