Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM học thực hành tại trường |
Mô hình đào tạo nghề 9+4 dành cho đối tượng tốt nghiệp THCS vừa được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho phép thí điểm đào tạo tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM. Trường chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngày 8-6 năm nay.
TS. Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM – nhận định đây là con đường ngắn để người học lấy bằng cao đẳng nghề (CĐN), đồng thời đã thông tin thêm với Giáo dục TP.HCM những điểm nổi bật ở mô hình đào tạo này.
PV: Thưa ông, những đối tượng nào được tham gia mô hình đào tạo nghề 9+4 và ông có thể cho biết rõ thêm về mô hình này?
TS. Phạm Hữu Lộc: Mô hình đào tạo 9+4 vừa được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cấp phép đào tạo thí điểm tại trường. Trường chúng tôi là đơn vị đầu tiên trên cả nước được đào tạo thí điểm mô hình này. Đối tượng chính của mô hình là HS tốt nghiệp THCS, tuy nhiên, những em đang học dở dang lớp 10, 11 hoặc 12 (chưa tốt nghiệp THPT) đều có thể tham gia.
Với mô hình này, HS tốt nghiệp THCS sau 4 năm học sẽ được cấp bằng CĐN. Cụ thể, quá trình đào tạo sẽ gồm 2 giai đoạn. HS tốt nghiệp THCS học 3 năm (mô hình 9+3) để được cấp bằng trung cấp nghề (TCN). Sau đó, các em sẽ học chuyển tiếp 1 năm lên trình độ CĐN (mô hình 9+4).
Việc học chuyển tiếp lên bậc CĐN có yêu cầu điều kiện gắt gao không thưa ông?
HS tốt nghiệp 9+3 (được cấp bằng TCN) được học chuyển tiếp ngay mà không phụ thuộc xếp loại tốt nghiệp khá, giỏi. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo chất lượng đầu vào vẫn sẽ được nhà trường cân nhắc, chú ý.
Trong bối cảnh khó tuyển sinh chung của hệ thống trường nghề những năm gần đây, nhà trường có lo lắng mô hình mới này cũng sẽ khó thu hút?
Dù trường mới thông báo, tuy nhiên hiện nay đã có 60 phụ huynh, HS liên hệ đăng ký. Nhiều phụ huynh khác cũng hỏi dò, tìm hiểu thông tin để cân nhắc lựa chọn cho con trong thời gian sắp tới. Hiệu trưởng nhiều trường THCS hiện cũng khá hào hứng với mô hình này. Dù cũng có lo lắng, nhưng với lợi thế đáng kể, tôi nghĩ mô hình 9+4 sẽ “lấy lòng” được người học.
Từ hôm nay (8-6) Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển vào hệ cao đẳng nghề 9+4 cho đối tượng HS sau THCS. Ảnh: Một lớp học tại trường |
Xin ông nói rõ hơn nữa những ưu điểm của mô hình này?
Mô hình đào tạo này chính là con đường ngắn để người học có tay nghề, sớm ra đời tham gia thị trường lao động. Thời gian học tập chỉ gói gọn trong 4 năm, người học đã có được bằng CĐN. Dù áp dụng chính cho đối tượng HS tốt nghiệp THCS nhằm phục vụ định hướng đào tạo nghề, tuy nhiên trường vẫn đáp ứng chương trình văn hóa để HS tốt nghiệp có nhu cầu vẫn vào được ĐH. Việc xen kẽ, rải đều các môn văn hóa trong suốt thời gian học nghề cũng sẽ giúp HS được tiếp cận kiến thức nhẹ nhàng, không quá áp lực, nhàm chán.
Đặc biệt, sự linh động trong mô hình đào tạo sẽ tạo thuận lợi tối đa cho người học. Cụ thể, người học hoàn thành giai đoạn đào tạo nào sẽ được cấp bằng ngay giai đoạn đó. Chẳng hạn, hoàn thành giai đoạn đào tạo 9+3, người học được cấp bằng TCN; nếu chưa có nguyện vọng học chuyển tiếp vẫn có thể đi làm ngay. Thời gian sau, khi có nhu cầu và điều kiện, người học có thể trở lại học chuyển tiếp lên CĐ. Tuy nhiên, đối với những người đã tốt nghiệp lâu, để được tham gia học chuyển tiếp phải được nhà trường kiểm tra đầu vào hoặc học chuyển đổi một số môn vì chương trình đào tạo sẽ thường xuyên được cập nhật.
Lứa tuổi HS vừa tốt nghiệp THCS còn nhỏ, dễ bồng bột, nhất là chưa quen với cuộc sống tự lập, xa nhà. Điều này có gây khó khăn cho việc tổ chức đào tạo cũng như quản lý các em không?
Đúng là đối tượng HS này còn khá nhỏ để thích ứng với cuộc sống học tập xa nhà, nhất là ở ngoại trú. Vì vậy, trường sẽ ưu tiên bố trí chỗ ở nội trú cho các em. Đồng thời, quá trình đào tạo sẽ kết hợp “vừa dạy vừa dỗ” để đạt kết quả tốt nhất. Vừa qua, trường cũng đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho 120 giáo viên sẽ tham gia đảm trách giảng dạy các nghề thí điểm. Mặc dù trước đó, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng như tổng thể các điều kiện khác của trường đã được Tổng cục Dạy nghề kiểm tra chặt chẽ. Việc bồi dưỡng giúp giáo viên tăng khả năng nắm bắt tâm lý HS, xử lý tốt các tình huống… nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo.
Phương thức xét tuyển và vấn đề việc làm sau đào tạo thì sao, thưa ông?
Từ ngày 8-6, người học có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển về trường. Phương thức xét tuyển thông qua học bạ của HS. Cũng như các ngành, hệ đào tạo khác, nhà trường thường mời doanh nghiệp tham gia giảng dạy, đồng thời kết nối doanh nghiệp để giới thiệu chỗ thực tập, việc làm cho các em.
Xin cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Mê Tâm
Chỉ tiêu 10 nghề được thí điểm đào tạo: Nghề lắp đặt thiết bị điện lạnh (90 chỉ tiêu CĐN và 60 chỉ tiêu TCN); cơ điện tử (105 CĐN – 60 TCN); công nghệ ô tô (35 CĐN – 60 TCN); kỹ thuật mạng ngoại vi và thiết bị đầu cuối (90 CĐN – 70 TCN); công nghệ may Veston (35 chỉ tiêu cho mỗi hệ CĐN và TCN); quản trị mạng máy tính (120 CĐN – 50 TCN); cắt gọt kim loại (70 CĐN – 50 TCN); các nghề điện công nghiệp, điện tử công nghiệp và may thời trang đều cùng mức chỉ tiêu (90 CĐN – 50 TCN). |
Bình luận (0)