Trong khi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) khuyến khích trường nghề đào tạo chương trình CĐ cho học sinh sau THCS (9+CĐ), ngược lại, các trường TC lại lo lắng không tuyển sinh được vì cửa vào CĐ đã rộng hơn.
Sinh viên một trường CĐ nghề học tại xưởng cơ khí
Rộng đường vào… CĐ
Hiện nay hầu hết các trường nghề đã công bố phương án tuyển sinh năm 2019, trong đó có trường tuyển sinh chương trình 9+CĐ ở một số ngành nghề như CĐ Kỹ nghệ II, CĐ Lý Tự Trọng, CĐ Công nghệ Thủ Đức… Theo đó, các trường tuyển sinh bậc CĐ kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành, ngoài đối tượng tốt nghiệp THPT, TC hoặc CĐ cùng ngành nghề còn tuyển đối tượng tốt nghiệp THCS với thời gian đào tạo 4 năm.
Được biết, năm 2018 Trường CĐ Quốc tế TP.HCM đã tuyển sinh chương trình này. Ông Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết dù là năm đầu tiên tuyển sinh chương trình 9+CĐ nhưng trường tuyển được 70 chỉ tiêu. “Trước đây, tỷ lệ học sinh, sinh viên bỏ học ở TC-CĐ rất lớn, tuy nhiên qua thời gian học tại trường, người học không giảm mà tăng lên nhờ chất lượng đào tạo tốt hơn. Ý thức học tập, hỗ trợ bạn bè của các em rất tốt, ngay cả những em chưa ngoan ý thức trách nhiệm cũng nâng cao”, ông Lý nói.
Giữa năm 2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản khuyến khích các trường nghề đào tạo chương trình CĐ cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Chương trình đào tạo phải đảm bảo giai đoạn chuyển tiếp từ TC lên CĐ không phải học lại chương trình đã học và người học phải học văn hóa THPT theo quy định để lấy bằng, đủ điều kiện học liên thông CĐ. |
Theo ông Lý, lâu nay phụ huynh vẫn chưa quen khi con em chỉ mới 15 tuổi mà phải đi học nghề. Họ quan niệm học nghề là xấu hổ. Cái dở nữa là lâu nay tỷ lệ học sinh học nghề bỏ học rất lớn, gây mất niềm tin ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Rồi ra trường không có bằng THPT, trong khi nhu cầu của phụ huynh là học xong phải có nghề, có bằng cấp.
Tuy nhiên, chương trình 9+CĐ có nhiều ưu điểm như thay vì tốt nghiệp THCS phải mất 3 năm nữa mới lấy bằng THPT, rồi mất 2,5-3 năm mới lấy bằng CĐ; trong khi chương trình 9+CĐ học 3,5-4 năm là có bằng CĐ, rút ngắn được thời gian học. Hơn nữa, hiện nay một số ngành nghề đảm bảo 100% có việc làm lại vừa có bằng THPT, TC và CĐ, giảm rủi ro có thể xảy ra trong quá trình học.
TS. Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) khẳng định mô hình 9+CĐ sẽ khó thành công nếu công tác phân luồng chưa hiệu quả. Phân luồng của Việt Nam ngược so với các nước trên thế giới, cụ thể là Nhật Bản. Theo đó, học sinh không vào được THPT mới tính đến chuyện vào trường TC hoặc CĐ. Nhận thức xã hội về học nghề còn hạn chế, vì vậy chủ trương thí điểm chương trình 9+CĐ của Bộ LĐ-TB&XH là phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Trường TC lo lắng
Đến thời điểm này vẫn chưa có cơ sở pháp lý cho chương trình 9+CĐ, nhưng đại diện nhiều trường cho rằng, xét về Luật Giáo dục nghề nghiệp thì không sai bởi trường phối hợp với các trung tâm GDTX tổ chức dạy văn hóa 7 môn THPT, đảm bảo học sinh lấy bằng đủ điều kiện liên thông CĐ. Trong khi trường CĐ mừng thì ngược lại, trường TC lại lo. Bởi nếu chính thức áp dụng chương trình 9+CĐ thì cửa vào CĐ rộng hơn, chẳng mấy ai đăng ký học TC. Đại diện Phòng Đào tạo Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương cho rằng tuyển sinh nghề đang gặp khó, đặc biệt là các trường TC. Với chương trình 9+CĐ cửa vào trường CĐ rộng hơn thì việc tuyển sinh ở trường TC đã khó lại càng khó hơn. Lúc này, các trường TC chẳng khác nào trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Lý cho rằng trường CĐ có lợi thế riêng, trường TC cũng có thế mạnh riêng, vì vậy để đảm bảo hoạt động thì trường TC phải “bắt tay” với trường CĐ để tuyển sinh, đào tạo.
Xây dựng mô hình 9+CĐ theo điều kiện của Việt Nam TS. Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) chia sẻ: Hiện nay chưa có cơ sở pháp lý cho mô hình đào tạo 9+CĐ tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những ưu việt của nó, các trường có thể triển khai theo hướng này. Theo đó, trường tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào, vừa đào tạo văn hóa vừa đào tạo nghề nghiệp, sau 2 năm lấy bằng TC và hoàn thành chương trình văn hóa THPT. Tiếp theo, trường tổ chức đào tạo liên thông từ TC lên CĐ. Như vậy, theo mô hình này, người học tốt nghiệp THCS hoàn toàn có thể hoàn thành chương trình để lấy bằng CĐ (kỹ sư thực hành) sau khoảng 4 năm đào tạo. Bên cạnh đó, TS. Hùng đề xuất cần nghiên cứu và xây dựng mô hình đào tạo 9+CĐ theo điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam. Theo đó, mô hình này chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 gồm 2 năm (9+2), đào tạo chính là phần khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo yêu cầu của chương trình và một nội dung nhỏ tri thức nghề nghiệp tương đương trình độ sơ cấp. Giai đoạn 2 gồm 1 năm (9+2) đào tạo chính là phần tri thức nghề nghiệp tương đương trình độ TC và một phần văn hóa THPT. Giai đoạn 3 gồm 2 năm (9+5) đào tạo chính tương đương trình độ CĐ với các dự án, đồ án tốt nghiệp và một phần nhỏ kiến thức văn hóa THPT hỗ trợ cho việc hoàn thành các đề án. “Cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép đào tạo thí điểm theo mô hình trên ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Người học sẽ không phải học văn hóa THPT riêng rẽ mà học theo chuẩn đầu ra theo yêu cầu của chương trình. Khi lựa chọn trường, chuyên ngành/nghề tham gia thực hiện thí điểm trong đó sẽ phải xây dựng tiêu chí lựa chọn trường; khảo sát lựa chọn trường; xây dựng tiêu chí lựa chọn chuyên ngành/nghề thí điểm. Xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tích hợp nội dung văn hóa THPT và chuyên môn nghề nghiệp. Chuẩn bị mô hình đào tạo 9+5 phải xây dựng kế hoạch, điều kiện về giáo viên dạy văn hóa, giáo viên vừa đào tạo văn hóa vừa đào tạo chuyên môn…”, TS. Hùng kiến nghị.
Học sinh thực hành nghề hàn tại Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương |
Ông Phan Thiềm (Hiệu trưởng Trường CĐ Thaco) cho biết phân luồng của Việt Nam sau THCS là quá trễ so với nhiều nước, đây là nguyên nhân khiến giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn. “Phân luồng không tốt chắc chắn tuyển sinh nghề sẽ khó, và càng khó hơn nếu áp dụng chương trình 9+CĐ”, ông Thiềm chia sẻ.
T.Anh
Bình luận (0)