Ký kết hợp tác với doanh nghiệp (DN) thực hiện đào tạo nghề theo mô hình đào tạo kép của Đức đã được các trường trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ) chú trọng bởi đây là một trong những giải pháp thu hút tuyển sinh nghề.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng thực hành môn nguội
Sinh viên hứng thú học tại doanh nghiệp
Mô hình đào tạo kép được đánh giá hay, phù hợp với bối cảnh giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam song chưa được triển khai đồng bộ, mỗi nơi làm một kiểu. Không ít trường thực hiện ký kết với DN trong đào tạo nghề nhưng thực chất chỉ dừng lại ở thỏa thuận tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, thực tập là chính, thậm chí hô hào chỉ để quảng bá tuyển sinh.
Ông Lưu Đức Tiến (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) thừa nhận các trường nghề đã có nhiều nỗ lực trong ký kết hợp tác đào tạo với DN nhưng số lượng DN tham gia còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Theo khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp năm 2018, tỷ lệ DN có hợp tác với trường nghề chiếm rất thấp (9,11%), thấp nhất ở khu vực DN ngoài Nhà nước; Tỷ lệ DN có đào tạo nghề cho lao động cũng chỉ gần 40%.
Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Lý đánh giá cao hợp tác với DN thực hiện đào tạo kép. Được xây dựng chương trình đào tạo, trực tiếp đào tạo và đánh giá chất lượng đầu ra của người học là hình thức tuyển dụng tốt nhất cho DN và tiết kiệm chi phí đào tạo lại, đồng thời tránh rủi ro tuyển dụng.
TS. Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) nhìn nhận: Trường nghề có đầu tư trang thiết bị đến đâu cũng khó theo kịp DN. Được học 70% thực hành tại DN với trang thiết bị, máy móc hiện đại, chuyên gia giàu kinh nghiệm, tâm huyết… nên sinh viên rất hứng thú. DN tham gia đào tạo cũng có nhiều cái lợi, rõ nhất là không mất chi phí khi phải đào tạo lại. Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay là các trường không đủ kinh phí để trả cho DN mà trường thì không thể tăng học phí”.
Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) khẳng định, ký kết hợp tác với DN trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm là vấn đề sống còn của trường, đặc biệt là trong bối cảnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn.
“Việc tìm DN để hợp tác không dễ bởi các trường hầu như phải tự bơi trong khi cơ chế, quyền lợi cho họ chưa rõ ràng, kinh phí hạn hẹp trong khi chi phí cho thợ cả là không nhỏ. Đây là lý do khiến DN chưa chủ động tham gia. Nói khó nhưng không phải không thực hiện được, để có nguồn tuyển lao động chất lượng, DN tự nguyện hỗ trợ trường một phần kinh phí cho người hướng dẫn, cùng chia sẻ khó khăn vì người học. Tuy nhiên, số DN này đếm trên đầu ngón tay”, bà Thủy nói.
Chia sẻ khó khăn của các trường, ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH) đề xuất Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thợ cả của DN tham gia đào tạo nghề.
Sợ chảy máu chất xám sau đào tạo
Thực tế, không ít DN chưa mặn mà tham gia đào tạo nghề không phải vì quyền lợi tài chính, cơ chế, chính sách chưa rõ ràng… mà vì lo chảy máu chất xám sau đào tạo.
“Tốt nghiệp, sinh viên có năng lực chuyên môn, có kỹ năng nghề được DN tuyển dụng nhưng chỉ làm việc một thời gian ngắn là nhảy việc. Chúng tôi sẵn sàng tham gia mà không đặt nặng chi phí từ phía trường nghề nhưng tình trạng nhảy việc như thế thì rất khó cho DN, trong khi DN không thể trả lương cao hơn nữa để giữ chân người lao động”, ông Trần Nguyên Phương, phụ trách nhân sự Công ty TNHH MTV Phương Nam thẳng thắn.
Ông Lê Phát (đại diện một DN cơ điện tại Bình Dương) lại lo ngại về chất lượng đào tạo của các trường nghề hiện nay. Thực tế là sau nhiều đợt tuyển dụng học sinh, sinh viên dù đúng chuyên ngành nhưng để làm được việc chúng tôi phải đào tạo lại với chi phí không nhỏ.
Trước phản ánh của các trường về rào cản trong hợp tác đào tạo nghề giữa nhà trường và DN, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) yêu cầu các trường phải nỗ lực mời DN tham gia chứ không thể ngồi kêu khó. Hợp tác này phải thực chất, có đánh giá khách quan giữa các bên chứ không thể làm cho có. Ông Lâm cũng lưu ý phải lựa chọn DN uy tín, gắn kết lâu dài, cử chuyên gia có tâm… để cùng nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo. |
Theo ông Phát, đây là lý do mà DN chủ động đặt vấn đề với các trường để được tham gia đào tạo cái mình cần. Tuy nhiên, sau thời gian đồng hành cùng nhà trường, ông Bình không khỏi băn khoăn: “Sau khi đào tạo 70% thời lượng thực hành tại DN, người lao động được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết… thì lại kiếm chỗ khác lương cao hơn. Chuyên gia sẵn sàng chia sẻ kiến thức, DN chấp nhận mất một khoản chi phí nhưng sinh viên tìm việc ở một DN khác, tốn kém này còn hơn chi phí cho đào tạo lại”.
Trước nỗi lo chảy máu chất xám, ông Bình đề xuất trong biên bản ký kết hợp tác giữa trường và DN cần có cam kết của người học về thời gian làm việc nếu được tuyển dụng để hạn chế lãng phí thời gian cũng như tài chính của DN.
Phương Vy
Bình luận (0)