Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mô hình giáo dục 4.0 sẽ tạo cú hích cho phát triển giáo dục đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 16-3, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu đoàn đại biểu TP đến thăm và làm việc với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, qua 18 năm hình thành và phát triển theo mô hình trường trong doanh nghiệp, đến nay trường có 8 cơ sở đào tạo, 38 chuyên ngành thuộc 5 nhóm ngành (kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, sức khỏe, khoa học xã hội) với quy mô đào tạo hơn 26.000 sinh viên.

Đoàn đại biểu TP thăm và làm việc với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Hàng năm trường cung cấp cho thị trường lao động gần 5.000 cử nhân, kỹ sư. Số giảng viên cơ hữu của trường là 1.126, trong đó có 12 giáo sư, 20 phó giáo sư, 81 tiến sĩ và hơn 500 thạc sĩ. Trường cũng vừa đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia và được tổ chức quốc tế công nhận đạt chuẩn 3 sao. Trường đặt ra mục tiêu đến năm 2020, các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế. Đồng thời trường cũng là cơ sở đầu tiên trong cả nước nghiên cứu và triển khai mô hình đại học sáng tạo theo mô hình đại học 4.0. 

Tại buổi nói chuyện với đội ngũ giảng viên, ban giám hiệu nhà trường, đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá cao việc lãnh đạo trường chủ động thực hiện và tiếp cận tích cực với mô hình giáo dục 4.0. Đây là mô hình giáo dục phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại và tiên tiến, đồng thời sẽ tạo cú hích để đem đến sự thay đổi lớn đối với sự phát triển của giáo dục đại học TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong mong muốn và tin tưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngôi trường mang tên Bác Hồ thời thanh niên, tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo trong học tập và nghiên cứu, góp phần thực hiện thành công chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đồng thời, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP.

* Chiều cùng ngày, tại UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với GS-TS Đặng Lương Mô (Cố vấn cấp cao Đại học Quốc gia TPHCM) về những vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển công nghiệp vi mạch.

Tại buổi làm việc, GS-TS Đặng Lương Mô tổng kết những giá trị đạt được trong thời gian qua  từ “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 – 2020” và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của ngành này đối với sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Song, theo GS-TS Đặng Lương Mô, trong thời gian gần đây, Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đang có chiều hướng phát triển chậm lại, ít được quan tâm chỉ đạo. Trên tinh thần lắng nghe những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của GS-TS Đặng Lương Mô, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Chúng ta đang bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng thành phố thông minh nên xây dựng công nghiệp vi mạch hết sức quan trọng”.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở TT-TT, Sở KH-CN rà soát lại toàn bộ Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM để xây dựng chương trình vi mạch thích hợp hơn trong tình hình hiện nay, nhất là vi mạch gắn liền với việc xây dựng thành phố thông minh.

* Ngày 16-3, tại TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC)  và Công ty cổ phần Phần mềm Hiệu Năng Cao Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Công ty cổ phần Phần mềm Hiệu Năng Cao Việt Nam (VHES).

VHES là công ty khởi nghiệp công nghệ cao hình thành từ Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM, với sản phẩm dựa trên công nghệ lõi được tạo ra từ đề tài do Sở KH-CN TPHCM cấp kinh phí.

Trong đề tài, ICDREC ứng dụng chip Việt để thực hiện đề tài, làm chủ công nghệ lưới điện thông minh tới mức vi mạch.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến kỳ vọng, VHES sẽ có thêm những sản phẩm mới, như ứng dụng trong quản lý nguồn nước, chất lượng nước để đảm bảo an toàn, chống thất thoát nước… hướng đến xây dụng thành phố thông minh.

Ngày 15-3, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2017, khu vực phía Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia tài trợ các suất học bổng và quà tặng cho các học sinh tham gia cuộc thi. Đặc biệt, nhà trường phối hợp cùng Bộ GD-ĐT công bố Quỹ Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với tổng kinh phí 10 tỷ đồng dành cho học sinh trung học có đề tài tham gia và mong muốn tiếp tục phát triển, hoàn thiện các đề tài sau cuộc thi.

THANH HÙNG – BÁ TÂN (SGGP)

 

Bình luận (0)