Theo nhiều chuyên gia giáo dục, TP.HCM cần tính toán lại mô hình lớp chuyên trong trường thường để “gỡ khó” cho các trường trong tuyển sinh chuyên, nâng cao hiệu suất đào tạo chuyên, để giáo dục chuyên phát triển xứng tầm.
Chương trình GDPT 2018 đặt ra yêu cầu lớp chuyên trong trường thường phải có sự thay đổi
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) chia sẻ, với Thông tư 05/2023 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, Bộ GD-ĐT đã “xóa sổ” lớp thường trong trường chuyên, điều này đồng nghĩa với việc đầu tư nguồn ngân sách cho công tác đào tạo mũi nhọn, nhân tài sẽ mang tính trọng tâm hơn. Ông cho rằng, với quy định mới này thì tuyển sinh lớp chuyên trong trường THPT thường tại TP.HCM càng cho thấy sự “manh mún”, chưa thực sự phù hợp.
Hơn nữa, theo ông, cần thiết phải thấy rằng khi tổ chức lớp chuyên trong trường THPT thường thì trường THPT đó sẽ nhận 2 nguồn ngân sách đào tạo khác nhau, việc điều hành cũng dẫn đến sự phức tạp, nhiêu khê. Đặc biệt, nhiều năm nay hiệu suất đào tạo của hệ thống lớp chuyên trong trường thường không đạt hiệu quả cao. Đơn cử, các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế và thậm chí là cấp thành phố hàng năm không có sự bứt phá của hệ thống này. Điều này đặt ra câu hỏi là ngân sách đầu tư vào hệ thống đào tạo chuyên trong các trường THPT thường đã thực sự hiệu quả hay chưa…
“Hiện nay, giáo viên trường THPT thường mà dạy lớp chuyên thì được hưởng chế độ như giáo viên dạy trường chuyên. Trong khi đó, nếu xét về hiệu suất đào tạo theo mục tiêu chuyên thì lại chưa thực sự như kỳ vọng, không có sự bứt phá, như vậy là lãng phí nguồn lực đào tạo. Do đó, việc đào tạo chuyên cần được tập trung, đào tạo bài bản hơn, vừa giúp tập trung nguồn lực học sinh cũng như nguồn ngân sách Nhà nước và thành phố. Điều này cũng phù hợp để 2 trường THPT chuyên phát triển đúng mục tiêu, trang bị đầu tư cơ sở vật chất theo đúng Thông tư 05/2023 của bộ, xây dựng thêm khu nội trú để tạo điều kiện cho học sinh ở xa…” – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân nhấn mạnh.
Đặt trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018, ông Phú cho rằng Sở GD-ĐT TP.HCM cần tính toán xây dựng, phát triển mô hình lớp chuyên trong trường thường để phù hợp với mục tiêu chương trình mới, và Luật Giáo dục 2018. Thậm chí, nếu sự vận hành theo thời gian đã không còn phù hợp thì cần mạnh dạn dừng tuyển sinh, dành sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào hệ thống trường chuyên, tạo cơ chế cạnh tranh cho các trường THPT thường, tạo sự bình đẳng cho học sinh…
Theo nhiều chuyên gia, TP.HCM nên tính toán lại mô hình lớp chuyên trong trường thường
Gắn bó với mô hình trường THPT thường tuyển sinh lớp chuyên tại TP.HCM từ ngày đầu khởi xướng, nguyên hiệu trưởng một trường THPT có lớp chuyên tại TP.HCM chia sẻ, mô hình lớp chuyên trong trường thường ngay những năm đầu triển khai đã tạo ra sự bứt phá rất lớn với riêng nhà trường. Bằng chứng là từ một trường THPT thường, từ khi có lớp chuyên chất lượng giáo dục nhà trường đã chuyển biến mạnh mẽ, giúp trường vươn lên đứng vào vị trí tốp 5 trường THPT chất lượng nhất TP.HCM.
Theo bà, có nhiều lý do để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, giúp nhà trường thu hút được học sinh giỏi trong tuyển sinh, song điều quan trọng đối với việc giảng dạy lớp chuyên trong trường THPT thường đó là phải tạo ra sự khác biệt đối với lớp thường. Sự khác biệt ở đây không phải là “chăm chăm luyện gà” giúp học sinh học thật giỏi môn chuyên mà chính là giúp những học sinh có đam mê với môn học này có định hướng nghề nghiệp gắn với môn học, tạo ra cho các em môi trường và những cơ hội, trải nghiệm gắn với môn học…
“Muốn vậy, việc giảng dạy lớp chuyên không chỉ nằm ở việc dạy theo hướng chuyên sâu về môn chuyên, mà còn phải giúp các em có thể phát triển đồng đều ở các môn học theo định hướng nghề nghiệp. Điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu, chiến lược của chính hiệu trưởng nhà trường. Hiện nay, có tình trạng các trường THPT thường tuyển lớp chuyên chỉ nhằm mục tiêu đào tạo học sinh giỏi, luyện học sinh theo hướng này, làm thiếu đi sự hài hòa trong phát triển mô hình, dần mất đi sức hút của môi trường đào tạo…”.
TS. Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia TP.HCM nhìn nhận, mô hình lớp chuyên trong trường thường ở TP.HCM hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, dường như đang bị “thả nổi”. Bởi lẽ, việc tổ chức như thế nào, phân công giáo viên đứng lớp chuyên ra sao còn lệ thuộc nhiều vào người hiệu trưởng chứ chưa có một quy định cụ thể nào, vì thế chưa phát huy được hết nguồn lực. Ông cho rằng TP.HCM nên tính toán lại mô hình để phát triển hệ thống giáo dục chuyên cho phù hợp, xứng tầm.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)