Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mô hình nào cho trường học tương lai?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tìm một mô hình nhà trường phổ thông phù hợp cho VN sau 10-15 năm tới để làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp đào tạo giáo viên đón đầu cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 – đó là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học được Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam tổ chức sáng 21-9 tại Hà Nội.

Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3 – một trong 66 trường đăng ký xây dựng mô hình trường tiên tiến ở TP.HCM. Những trường này có sĩ số lớp không cao, học bán trú, phương pháp giảng dạy đổi mới… – Ảnh: H.Hương

Chủ đề của cuộc hội thảo là một phần nội dung trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông” do Quỹ Hòa bình và phát triển VN chủ trì thực hiện và bà Nguyễn Thị Bình – nguyên phó chủ tịch nước, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục – làm chủ nhiệm đề tài.

Trường phổ thông 2-4-8
PGS. TS Trần Kiều, nguyên viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, đã làm không khí của cuộc hội thảo sôi động hẳn lên bằng những đánh giá về mô hình nhà trường phổ thông VN giai đoạn hiện nay – những nhận xét mà theo ông “được rút ra từ kinh nghiệm và thực tế nhiều năm nghiên cứu về giáo dục”.
PGS Trần Kiều nhìn nhận “Nhà trường phổ thông VN về cơ bản vẫn là một nhà trường truyền thống với hoạt động cơ bản là thầy truyền thụ và trò tiếp nhận những điều đã được quy định sẵn trong sách giáo khoa. Với mục đích cuối cùng là hiểu được bài, làm được bài tập, bài kiểm tra, ứng phó được với các kỳ thi…”.
Theo ông Kiều, khuôn mẫu này được một số nước phương Tây mô tả là “mô hình 2-4-8”: 2 là muốn nói tới giới hạn trong hai bìa của cuốn sách giáo khoa, 4 là muốn ám chỉ bốn bức tường quây kín lớp học và 8 là liên tưởng tới lối làm việc trong tám giờ hành chính, thiếu linh hoạt.
Với kiểu tuân thủ tuyệt đối mô hình nhà trường 2-4-8 này, “nhà trường phổ thông nước ta cho đến nay vẫn có thể xem là một nhà trường chỉ tập trung vào hai từ: chữ nghĩa, ứng thí” – ông Kiều đánh giá.
Ông Kiều được nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với ý kiến phân tích: Mức độ đạt được trong mục tiêu giáo dục của nhà trường phổ thông thường được chứng minh qua kết quả của sự việc cụ thể, qua các con số liên quan đến các chỉ tiêu như tỉ lệ lên lớp, kết quả phân loại hạnh kiểm, tỉ lệ HS khá giỏi, tỉ lệ chuyển cấp, tốt nghiệp, thi học sinh giỏi, thi đỗ ĐH… và những con số liên quan đến phong trào thi đua.
Đồng thời nhà trường phổ thông hiện nay – theo đánh giá của PGS.TS Trần Kiều và nhiều đại biểu – cũng chưa thực hiện được mối quan hệ hai chiều với xã hội: chiều quan hệ, tác động ngược lại của nhà trường đến cộng đồng đang rất hạn chế.
Hay nói cách khác “chức năng quan hệ cộng đồng của nhà trường phổ thông ở nước ta hiện nay đang bị coi nhẹ và ở mức độ đáng lo ngại” – ông Kiều đưa ra cảnh báo.
Cần thay đổi thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bình đưa ra gợi ý: “Một kiểu nhà trường phổ thông đóng vai trò là một tổ chức học tập nền tảng trong xây dựng nhân cách con người, để học tập suốt đời, cho sự bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc… có thể là lựa chọn hợp lý, khả thi tương thích với nước ta sau 10-15 năm tới?”.
GS.TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến căn cứ vào tình hình thực tế ở VN đưa ra bốn mô hình: nhà trường hành chính – quan liêu, nhà trường – tổ chức học tập nền tảng, nhà trường  – thiết chế giáo dục cốt lõi trong mạng giáo dục và nhà trường – nơi cung cấp dịch vụ giáo dục.
Với quan điểm “chắc chắn phải cải cách tổng thể giáo dục”, GS Tiến cho rằng mô hình mong muốn và khả thi của trường phổ thông VN trong tương lai là mô hình thứ hai, chính là mô hình “nhà trường- tổ chức học tập nền tảng”.
Theo PGS.TS Trần Kiều, trong tương lai gần, cần và có thể cải tiến mô hình trường phổ thông VN hiện nay theo năm định hướng.
Trước hết là mục tiêu giáo dục của nhà trường phổ thông cần cụ thể hóa và cập nhật hóa theo hướng xác định các yêu cầu về đầu ra, tập trung vào những phẩm chất và năng lực cần thiết của con người VN trong giai đoạn công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Thứ hai, phải có một nội dung giáo dục mà khi xây dựng cần bám sát các đầu ra của mục tiêu, đảm bảo tính cơ bản, cập nhật, thiết thực, bảo đảm nguyên tắc phân hóa, tiếp tục coi trọng thực hành và ứng dụng. Ông Kiều nhấn mạnh: “Cần có các hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học trên cơ sở đảm bảo dân chủ trong trường học”.
Định hướng thứ ba về nhà trường phổ thông của PGS Trần Kiều – cũng chính là mục tiêu của đề tài nghiên cứu đang được Quỹ Hòa bình và phát triển thực hiện – là phải có một đội ngũ giáo viên nắm vững chức năng giáo dục, có bản lĩnh để đáp ứng các yêu cầu thay đổi một cách đa dạng của giáo dục phổ thông.
Định hướng thứ tư là có một môi trường giáo dục thân thiện.
Và cuối cùng, ông Kiều cho rằng “những người làm giáo dục phải hiểu được thế hệ trẻ và đặt đúng vai trò chủ thể của họ trong hoạt động của nhà trường”.
Đề cập dưới một góc độ khác và nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu, GS.TSKH Thái Duy Tuyên cho rằng khi xây dựng mô hình nhà trường phổ thông mới cho VN, không thể bỏ qua yếu tố bản sắc văn hóa VN. Đồng thời phải chú trọng đến tình trạng người giỏi không vào ngành sư phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến mong muốn đào tạo giáo viên giỏi.
GS Tuyên cũng nhấn mạnh: “Muốn cải cách giáo dục thành công, phải giải quyết được vấn đề động lực cho giáo dục. Chừng nào còn chưa giải quyết được vấn đề động lực cho giáo dục, giải quyết vấn đề lương giáo viên thì không thể cải thiện chất lượng, cải cách giáo dục được. Cũng không thể thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, làm giáo dục”.
THANH HÀ / TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)