Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mô hình trường công lập tự chủ tài chính và trường công lập học phí cao: Nhanh chóng tổng kết để nhân rộng

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 23-2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức buổi tổng kết chương trình hoạt động khảo sát và nghiên cứu (KS&NC) ở một số cơ sở giáo dục thực hiện mô hình: trường có yếu tố nước ngoài, trường công lập tự chủ tài chính (Nguyễn Thái Bình) và trường công lập học phí cao (Lê Quý Đôn).
Cần nhân rộng hai loại mô hình trường học
Trừ mô hình “trường có yếu tố nước ngoài”, hai mô hình còn lại được Đoàn KS&NC của ĐBQH TP.HCM đánh giá cao. ĐB Trần Hoàng Thám, Trưởng đoàn KS&NC nói tại buổi KS&NC cuối ở Trường THPT Lê Quý Đôn: “Qua chuyến KS&NC ở 3 trường, tôi đánh giá cao mô hình đang thực hiện ở Trường THPT Lê Quý Đôn. Ở đây, giáo viên học sinh được đầu tư tốt và chất lượng giáo dục được nâng lên rõ; thu nhập của thầy cô được tăng thêm. Với mô hình trường THPT công lập tự chủ tài chính (TCTC) ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình, theo tôi rất hay. Sở GD-ĐT đã thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ rất tốt trong việc xã hội hóa giáo dục. Sở GD-ĐT tranh thủ tổng kết việc thực hiện hai mô hình này. Phải đánh giá nghiêm túc để thấy những ưu lẫn khuyết điểm. Từ đó, nghiên cứu để nhân rộng”. Mô hình TCTC ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình được thực hiện theo phương án, học sinh chỉ đóng một khoản học phí (110.000 đ/tháng) và không còn phải đóng một khoản nào. Nhà trường có nhiệm vụ phụ đạo cho những học sinh học yếu kém và bồi dưỡng cho những học sinh khá giỏi, nhưng không thu một khoản tiền nào. Việc dạy thêm học thêm bị triệt tiêu hoàn toàn. Mô hình này ngoài việc giúp nâng chất lượng đào tạo còn tăng thêm thu nhập cho đội ngũ, giúp mọi người an tâm công tác. Mô hình học phí cao ở Trường THPT Lê Quý Đôn được thực hiện học phí cao (lớp 10: 890.000đ/tháng; lớp 11: 850.000đ/tháng; lớp 12: 900.000đ/tháng) và sĩ số chỉ 30 học sinh/lớp. Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, TS Huỳnh Công Minh cho biết: “Tổng học phí sẽ chi theo tỉ lệ: 30% cho giáo viên; 20% cho cơ sở vật chất; 2% cho dự phòng và 48% cho học sinh”. Giám đốc Huỳnh Công Minh cho biết: “Một vài đơn vị trường quốc tế nằm trên địa bàn TP.HCM đến thăm trường đã ngỡ ngàng trước điều kiện dạy và học lẫn trình độ học sinh của nhà trường”. Trưởng ban Văn xã HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bạch Yến bày tỏ sự hài lòng với hai mô hình trên: “Sở GD-ĐT phải khẩn trương tổ chức tổng kết việc thực hiện hai mô hình này để trên cơ sở đó HĐND TP.HCM nghiên cứu và đề xuất nhân rộng”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo: “Với mô hình TCTC thí điểm ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình có nhiều ưu điểm, ngành muốn nhân rộng nên nhanh chóng tổ chức tổng kết để rút ra những kinh nghiệm. Và mô hình ở Trường THPT lê Quý Đôn cũng vậy”.
Nhập nhằng trường quốc tế
Giám đốc Sở GD-ĐT, TS Huỳnh Công Minh nói: “Thực ra, một số trường có yếu tố nước ngoài hầu hết họ làm rất tốt. Đặc biệt là các trường của các tổng lãnh sự quán. Hệ thống trường này giúp giáo dục thành phố trong việc phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh vẫn còn một số tồn tại như: cơ sở vật chất tạm bợ, không ổn định (thuê mướn); nhân sự cũng tạm bợ (thỉnh giảng nhất thời), giấy tờ không đầy đủ…”. Nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng trong việc quản lý các trường này, đặc biệt là các trường dân lập lấy một cái tên mang chút na ná (dễ gây ngộ nhận là trường của nước ngoài) và gắn lên hai tiếng “quốc tế” thế là thành trường quốc tế. ĐBQH Trần Du Lịch đề nghị: “Thành phố phải quy hoạch rõ lại loại hình trường này và có kế hoạch hậu kiểm đồng thời đề nghị thành phố chỉ đạo sơ kết, đánh giá các trường quốc tế kể cả các trường mang mác “quốc tế” đến nơi đến chốn”. Trả lời với báo chí về hiện tượng một số trường mang mác quốc tế “dỏm” với những chiêu thức quảng cáo không trung thực, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói: “Một số trường quảng cáo không đúng với thực chất. Làm như vậy là lừa dân. Sắp tới đây, thành phố sẽ chỉ đạo ngành GD-ĐT rà soát và thường xuyên tổ chức hậu kiểm các trường này. Song song đó cũng cần bổ sung những văn bản pháp quy cụ thể”. Giám đốc Huỳnh Công Minh cho biết thêm: “Một số trường quảng cáo trên một số phương tiện truyền thông đại chúng rằng dạy chương trình nước này nước nọ, nhưng khi Đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT đến thì lại dạy chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành. Chúng tôi biết, các trường này quảng cáo dối trá, nhưng không có quyền xử lý. Với trách nhiệm của ngành, chúng tôi chỉ làm văn bản gửi đến các phương tiện truyền thông để thông báo và cùng phối hợp”.
Trần Thanh Quang

Bình luận (0)