Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mô hình trường học tiên tiến: Không thể vội vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2017-2018, TPHCM sẽ có thêm 8 trường học triển khai mô hình trường tiên tiến xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, nâng tổng số trường áp dụng mô hình này lên 34 trường, từ bậc mầm non đến THPT. 

Cô và trò Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) - một trong những đơn vị  đã triển khai mô hình trường tiên tiến, hiện đại nhiều năm qua

Cô và trò Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) – một trong những đơn vị đã triển khai mô hình trường tiên tiến, hiện đại nhiều năm qua

Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất nhưng nhiều địa phương cho biết vẫn rất thận trọng, chưa dám đẩy mạnh mô hình này.  

Thận trọng chuẩn bị
Chia sẻ với chúng tôi, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) quận 12, cho biết năm học 2017-2018, quận 12 sẽ có 3 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến, gồm Mầm non Hoa Đào, Tiểu học Võ Thị Sáu và THCS Nguyễn Chí Thanh. Theo ông Hùng, đây là 3 đơn vị cùng nằm trên địa bàn phường Hiệp Thành để thuận tiện cho học sinh trong việc liên thông từ bậc mầm non đến THCS. Ngoài ra, đây cũng là những ngôi trường mới được xây dựng và đưa vào sử dụng (Tiểu học Võ Thị Sáu và THCS Nguyễn Chí Thanh mới đưa vào sử dụng từ năm học 2016-2017, riêng Mầm non Hoa Đào sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm học 2017-2018) nên cơ sở vật chất đáp ứng tất cả tiêu chí về trường chuẩn quốc gia theo từng cấp học.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho mô hình trường tiên tiến, quận đã đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị dạy học tại 3 đơn vị từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2017, với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Riêng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh đang tiến hành lắp đặt, trang bị thêm “Thư viện thông minh” từ nguồn xã hội hóa. 
Tương tự, tại quận Tân Phú, lộ trình xây dựng trường tiên tiến đối với Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện trong vòng 5 năm theo hình thức cuốn chiếu từng khối lớp, trong đó trường tập trung đẩy mạnh các kế hoạch cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất theo tiêu chí trường tiên tiến, hiện đại như nâng cấp phòng bộ môn, nhà đa năng, bãi tập và khu thể dục thể thao, trang bị thêm một số trang thiết bị như máy chiếu, máy lạnh, bàn ghế đa năng trong phòng học. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện trong 3 năm kế tiếp với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ, tập trung bồi dưỡng cho học sinh phát triển 2 kỹ năng ngoại ngữ và tin học, tăng cường phổ cập bơi và một số môn thể thao khác, phát triển và đưa vào giảng dạy các loại hình học tập theo hướng cá thể, giúp người học có khả năng vận dụng các kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế. Cuối cùng, giai đoạn 3 sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện ở 2 giai đoạn trước đó, qua đó tiếp tục hoàn thiện, bổ sung kết quả thực hiện, đẩy mạnh giao lưu giữa các trường trong khu vực và quốc tế. 
Tại quận 7, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết địa phương đang có kế hoạch xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu theo mô hình tiên tiến, hiện đại, nhưng phải triển khai một cách thận trọng. “Bởi khi xây dựng một trường theo mô hình tiên tiến phải đồng thời cải tạo, nâng cấp những trường khác trong khu vực, để học sinh không học được trường tiên tiến vẫn có chỗ học ở những trường khác trên cùng địa bàn phường”, bà Hiếu bày tỏ. Đây cũng là lý do khiến một số quận như Thủ Đức, Bình Tân, Tân Bình – những địa phương luôn phải đứng trước áp lực sĩ số – chưa mạnh dạn đẩy mạnh mô hình này.  
Vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho người dân
Theo một đại diện Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, năm học 2017-2018, Gò Vấp sẽ có 2 trường thực hiện mô hình tiên tiến là Tiểu học Lê Đức Thọ và THCS Phan Văn Trị. Trong đó, Tiểu học Lê Đức Thọ sẽ tuyển 120 học sinh khối lớp 1 với điều kiện có hộ khẩu thường trú tại khu phố 1, 2 phường 15. Trường THCS Phan Văn Trị năm nay tuyển 180 học sinh lớp 6, điều kiện phải có hộ khẩu thường trú ở phường 7 và theo học chương trình tiếng Anh tăng cường từ lớp 1 đến lớp 5, điểm trung bình các kỹ năng trên 6,0. Tuy nhiên, học sinh trên địa bàn phường 15 và phường 7 nếu không có nguyện vọng vào học ở 2 trường này có thể nộp hồ sơ nhập học tại Trường Tiểu học Lê Hoàn (phường 15) và THCS Gò Vấp (phường 7).
Nói như chia sẻ của hiệu trưởng một trường mầm non ở một quận vùng ven là không thể vì chăm lo lợi ích của một nhóm thiểu số mà bỏ qua quyền lợi chính đáng của đa số học sinh. Vị này giải thích, do mô hình trường tiên tiến yêu cầu các đơn vị phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh (một lớp không quá 30 học sinh), dạy học trong điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất được đầu tư xây mới, giáo viên được khuyến khích phát huy tối đa năng lực và sức sáng tạo, nên chắc chắn hiệu quả dạy và học sẽ có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, cũng vì lý do phải “hy sinh sĩ số” nên nếu điều kiện xung quanh chưa cho phép, trường hiện hữu chưa đáp ứng nổi nhu cầu học tập của nguời dân thì mô hình tiên tiến chỉ là mục tiêu xa đặt ra cho các địa phương.
Thực tế trên cho thấy, dù mô hình trường tiên tiến đã và đang nhận được đồng thuận cao từ phía xã hội nhưng trước tình trạng trường lớp xây mới chưa theo kịp tốc độ gia tăng dân số, nhiều nơi trường học phải hy sinh phòng chức năng, nhà bếp để cải tạo làm phòng học cho học sinh, thì mâu thuẫn chất lượng – số lượng tiếp tục là bài toán khó đặt ra cho các đơn vị. 
Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp ở các quận – huyện, trường tiên tiến sẽ thu nhận trẻ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, trong đó ưu tiên trẻ có hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn hoặc ngắn hạn tại địa bàn phường nơi trường hoạt động, nếu còn chỉ tiêu mới nhận trẻ ở các phường lân cận. Đối với bậc THCS thì có thêm điều kiện trẻ phải hoàn thành chương trình tiểu học, có học tăng cường tiếng Anh ở bậc tiểu học và được công nhận trình độ ở từng kỹ năng từ 6 điểm trở lên, hoặc có chứng chỉ Cambridge Flyer đạt 10/15, TOEFL Primary Step 2 đạt 3/5 huy hiệu.

THU TÂM/SGGP

 

Bình luận (0)