Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mô hình Trường học xanh

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tìm hiểu mô hình Trường học xanh tại Phòng tuyên truyền tiết kiệm giáo dục năng lượng
Vừa qua, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) đã ra mắt mô hình Trường học xanh. Mục đích nhằm xanh hóa trường học và giáo dục gia tăng nhận thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua ứng dụng các công nghệ, giải pháp hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo.
Học sinh thích thú với mô hình công nghệ
Cầm trên tay chú robot vừa lắp ráp xong, em Nguyễn Phước Bảo Nghi (học lớp 5/3) hồ hởi khoe: “Nhờ mô hình Trường học xanh, chúng em không chỉ được vận dụng các kiến thức về công nghệ, kỹ thuật, toán học… để lắp ráp robot mà thú vị hơn khi sản phẩm hoàn thành, chúng em có thể cho robot khởi động nhờ năng lượng mặt trời. Hoạt động này khiến chúng em yêu môn học lắp ráp và thích thú khi thấy được giá trị của năng lượng mặt trời”.
Đứng ở góc mô hình thủy điện, em Tống Huy Anh (học cùng lớp với Bảo Nghi) cũng khoe: “Hàng ngày ở nhà sử dụng đèn, quạt dựa vào nguồn điện nhưng em chưa hình dung ra điện được tạo ra như thế nào. Thông qua mô hình này, em đã thấy được nước sông đổ vào đập nước làm bánh răng của tuabin quay, máy phát điện sẽ tạo ra điện. Lúc này bộ biến áp sẽ làm tăng điện áp đầu ra và đưa đến điện lưới và đường dây sẽ đưa điện về khu dân cư. Em rất tò mò muốn được tìm hiểu, khám phá thêm các nguồn năng lượng khác được tạo ra như thế nào”.
Những thiết bị của mô hình Trường học xanh nói trên được trưng bày tại Phòng tuyên truyền tiết kiệm giáo dục năng lượng, là một trong những hạng mục của mô hình. Ngoài ra, Phòng tuyên truyền còn trưng bày mô hình quạt gió, biogas, biomass, các loại sách khoa học, các bảng thông tin về nguồn năng lượng từ nước, mặt trời, gió, địa nhiệt, sinh học… Đây được xem là mô hình mẫu về giáo dục và thực hiện tiết kiệm năng lượng cho hệ thống nhà trường.
Bên cạnh Phòng tuyên truyền, mô hình Trường học xanh còn được trang bị các hạng mục như hệ thống máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống máy nước lọc công nghệ dao động sóng để lọc nước mưa thành nước dùng, 16 tấm bin năng lượng mặt trời nối lưới 2kWp dùng cho các thiết bị sinh hoạt, giảng dạy và hệ thống chiếu sáng đèn Led…
Nâng cao hiệu quả giáo dục
Thầy Nguyễn Ngọc Hổ, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/4, chia sẻ: Mô hình Trường học xanh đã cung cấp nhiều hình ảnh thực tế và tăng tính thực hành khiến các em học sinh tỏ ra thích thú trong quá trình học và nắm bắt kiến thức cũng như nguồn gốc các loại năng lượng rất nhanh. Các em sẽ biết được năng lượng là gì? Năng lượng lấy từ đâu? Loại nào tái tạo được, loại nào không tái tạo được và sử dụng như thế nào cho hiệu quả và tiết kiệm… Theo thầy Hổ, mô hình còn khiến các em tin tưởng vào kiến thức, khơi gợi niềm say mê khám phá khoa học. Một số em đặt câu hỏi: Tại sao các ngọn gió bình thường lại có thể tạo ra năng lượng? “So với trước đây, chúng tôi ít được nghe các em đặt câu hỏi như vậy”, thầy Hổ cho biết.
Cô Đỗ Ngọc Chi, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng trong Phòng tuyên truyền tiết kiệm giáo dục năng lượng, mô hình vận hành sử dụng năng lượng mặt trời đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong đó xây dựng phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp của một cô bé. Kể từ lúc thức giấc, bước chân cô bé ra khỏi phòng ngủ, hệ thống đèn phòng này sẽ tắt. Tiếp đến bước chân cô bé đặt đến đâu, hệ thống đèn sáng đến đó. Nhìn vào đây, các em học sinh hiểu được rằng điện cần bật khi nào và tắt khi nào. Ngoài ra, mô hình còn có vườn – ao – chuồng chăn nuôi gia súc sử dụng nguồn điện từ năng lượng gió, qua đây học sinh càng hiểu giá trị của điện và nâng cao ý thức tiết kiệm hơn.
“Học được giá trị điện, tiết kiệm điện, các em có thể chú ý tắt đèn, quạt… trong phòng học khi không cần thiết. Về đến nhà, các em còn tuyên truyền hành động đến người thân trong gia đình. Các em chính là lực lượng nòng cốt đi đầu trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại gia đình, nhà trường và ngoài xã hội”, cô Chi cho biết.
Trước khi ra mắt mô hình Trường học xanh, 30 học sinh lớp 4 và lớp 5 của trường đã được tập huấn về lý thuyết, thực hành. Đội ngũ này sẽ đóng vai trò tuyên truyền cho những bạn khác khi tham quan, học tập tại Phòng tuyên truyền. Theo đó, một tuần, mỗi lớp sẽ được tham quan, học tập 1 lần.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Theo số liệu của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của thành phố, hộ gia đình và trường học chiếm 40% tổng năng lượng tiêu thụ. Vì thế mô hình Trường học xanh tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh được đầu tư lắp đặt từ chủ trương của UBND thành phố, nhằm giúp học sinh có điều kiện tìm hiểu, học tập về năng lượng, tiết kiệm năng lượng… UBND TP đang xem xét và phê duyệt dự án mở rộng mô hình Trường học xanh ở 6-8 trường mỗi năm.
 

Bình luận (0)