Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mô hình trường tự chủ tài chính nhìn từ Trường THPT Nguyễn Thái Bình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vừa qua, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, TS. Huỳnh Công Minh đã đến Trường THPT công lập Nguyễn Thái Bình – một đơn vị trường học đã và đang thực hiện mô hình tự chủ tài chính (TCTC). Điểm nổi bật của trường là chuyện học sinh (HS) khá giỏi hay có năng khiếu được theo học các lớp bồi dưỡng; những HS có học lực yếu kém được sắp xếp theo học các lớp phụ đạo trái buổi vẫn không đóng một khoản tiền nào. Thu nhập của cán bộ – giáo viên – công nhân viên (CB-GV-CNV) nhà trường lại được nâng lên…

Gian nan con đường tiên phong

Nằm trên địa bàn quận Tân Bình, đối tượng học sinh của Trường THPT Nguyễn Thái Bình đa số là con em gia đình lao động nghèo, học lực hầu hết nằm ở dạng trung bình. Thêm vào đó, nhiều năm nhà trường mang “mác” bán công, nên đầu vào điểm tuyển lớp 10 thuộc hàng rất thấp (dao động từ 21 đến 23 điểm, trong khi có trường nằm cùng quận điểm tuyển từ 40 đến trên 41 điểm). Cho đến khi chuyển đổi sang công lập TCTC điểm tuyển chẳng thay đổi bao nhiêu. Đó chính là nỗi khó khăn thường trực trút lên vai đội ngũ thầy cô giáo. Thầy Lê Xuân Dũng, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Hai khó khăn hiện nay của trường là: thứ nhất, điểm đầu vào của học sinh lớp 10 chưa được cải thiện nhiều vẫn còn quá thấp; thứ hai tỷ lệ GV-CNV nằm trong diện hợp đồng còn cao so với yêu cầu của nhà trường”. Để vượt qua những cản ngại trên, đội ngũ cán bộ quản lý và GV-CNV nhà trường phải có kế hoạch cùng những biện pháp linh hoạt. Từng bước nâng dần chất lượng từng học sinh, cứ thế từng bước đi lên. Thầy Lê Xuân Dũng cho biết: “Thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hiện nay nhà trường có những thuận lợi rất cơ bản: được xã hội đồng thuận về mặt tâm lý (con em được học ở trường công lập) còn về tài chính các khoản đóng góp rõ ràng, đúng quy định. Học sinh rất phấn khởi với tâm lý đang học ở một trường công lập. Những em khá giỏi được học bồi dưỡng và những em yếu kém thường xuyên được phụ đạo nhưng không phải đóng tiền”.

Qua cơn bĩ cực

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình tiết lộ: “Thời gian đầu thực hiện, không ít thầy cô giáo băn khoăn. Nhưng đến hôm nay, tôi có thể khẳng định rằng: đội ngũ CB-GV-CNV rất hài lòng. Họ hài lòng vì mỗi ngày sự tin yêu của đông đảo phụ huynh được nhân lên; mặc cảm dạy trường bán công không còn; quyền lợi tinh thần cũng như vật chất được bảo đảm; thu nhập tăng hơn so với trước khi thực hiện TCTC. Cuối năm, mỗi CB-GV-CNV có thêm từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng trong khoản tiết kiệm chi của nhà trường”.

Mô hình trường công lập TCTC ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình được thực hiện dựa trên cơ sở của Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Quyết định 20/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24-6-2005 của Bộ GD-ĐT về việc phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005 – 2010; Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, sau ba năm thực hiện mô hình TCTC, Trường Nguyễn Thái Bình cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp và trang bị thêm; kết quả rèn luyện hạnh kiểm và tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây rất khả quan (tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2005: 77,5%; 2006: 95,5% và 2007: 97,45%), đây là một trong những nhân tố tích cực giúp nhà trường tạo được uy tín đối với cha mẹ học sinh và xã hội. Số GV ngoài biên chế dần dần được tuyển vào biên chế tạo tâm lý ổn định đối với giáo viên trong quá trình công tác. Điểm đầu vào tuyển sinh lớp 10 năm học (NH) 2008-2009 cao hơn (30 điểm) NH 2007-2008 (23 điểm). Đó chỉ là một vài kết quả bước đầu, nhưng rất đáng trân trọng. Điểm nổi bật của mô hình này không chỉ việc chất lượng đào tạo được nâng lên mà hơn hết là nhà trường không còn chịu sức ép của dư luận trong việc đóng góp các khoản tiền. Mô hình này cần nhân rộng như mong ước của hầu hết hiệu trưởng các trường THPT công lập nằm trên địa bàn thành phố.

T.T.Q

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)