Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mô hình tự chủ tài chính ở Trường THPT Nguyễn Thái Bình: Cần nhân rộng

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM kiểm tra kiến thức học sinh sau tiết dự giờ tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình

Sáng 28-7, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu, đại diện các đoàn thể và Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình (NTB) để một lần nữa tìm hiểu kỹ hơn tính hiệu quả của mô hình này nhằm nhân rộng.
Hiệu quả của mô hình
Theo báo cáo của thầy Lê Xuân Dũng, Hiệu trưởng NTB: “Với cơ chế tự chủ như NTB thực hiện, nhà trường có điều kiện cải thiện cơ sở vật chất mà không phải chờ đợi nguồn ngân sách “rót” về. Cụ thể, trường tự lấy kinh phí từ nguồn học phí để trang bị mới các bàn ghế và bảng đen; máy chiếu phục vụ cho nhiệm vụ dạy và học; trang bị bổ sung những thiết bị cần thiết cho các phòng chức năng… Ngoài ra, nếu thiếu giáo viên nhà trường được quyền tự chủ hợp đồng giáo viên không thông qua tổ chức của Sở GD-ĐT. Quá trình dạy, người giáo viên đó không hội đủ điều kiện, nhà trường có quyền “cắt” hợp đồng”. Đối với các trường THPT công lập, việc cung ứng đội ngũ giáo viên chỉ dựa vào nguồn của Phòng tổ chức Sở GD-ĐT. Điều này gây cho các trường sự bị động. Chính vì thế dẫn đến việc thừa giáo viên bộ môn này nhưng lại thiếu giáo viên bộ môn kia là “chuyện thường ngày ở huyện”. Một hiệu trưởng THPT đã bức xúc nói: “Trường tôi thiếu giáo viên môn hóa nhưng không đưa về, trong khi trường bên cạnh lại thừa giáo viên bộ môn này. Mỗi người chỉ dạy vài tiết một tuần”. Năm học vừa qua, Hiệu trưởng một trường THPT đã từ chối nhận một giáo viên môn ngữ văn từ Sở GD-ĐT chuyển về (có quyết định hẳn hoi) vì nhà trường không thiếu giáo viên ngữ văn. Với mô hình tự chủ tài chính ở NTB, nhà trường chủ động tuyển giáo viên có trình độ chuyên môn. Như lời thầy Lê Xuân Dũng: “Cái chính để thực hiện tốt mô hình này không phải là tự chủ tài chính mà tự chủ nhân sự. Chỉ cần đủ giáo viên là được. Nếu thừa, lương giáo viên sẽ thấp”. Được biết, thực hiện mô hình này NTB không thu một khoản nào khác ngoài học phí theo quy định chung. Ban đại diện cha mẹ học sinh đóng vai trò phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục các em. Học sinh theo học các lớp bồi dưỡng hay các lớp phụ đạo đều không đóng một đồng nào. Thầy Huỳnh Công Hoàng, Phó hiệu trưởng NTB cho biết: “Đối với khối lớp 12, mỗi tuần các em được học thêm 10 tiết; khối lớp 10 và 11 được học thêm 6 tiết. Chủ yếu các em học thêm các môn: toán, lý, hóa và văn. Chúng tôi không thu tiền học thêm này”. Ông Lê Vân Đoài, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh NTB nói: “Không riêng tôi mà tất cả PHHS của NTB rất hài lòng và yên tâm. Tâm lý chung của mọi người sợ đóng nhiều khoản tiền, với NTB chỉ có một khoản đóng là học phí. Thêm vào đó, chất lượng giáo dục của trường cũng rất tốt nên chúng tôi rất yên tâm”. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của NTB luôn vượt mức của thành phố, dù điểm chuẩn đầu vào của NTB thuộc loại thấp. Về thu nhập của giáo viên mỗi tháng cao hơn trước khi thực hiện mô hình này 1 triệu đồng.
Cần nhân rộng
Khi chúng tôi đặt vấn đề: liệu HĐND có đồng ý cho nhân rộng mô hình này? bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM nói: “NTB là trường THPT đầu tiên của TP.HCM thực hiện thí điểm mô hình này. NTB đã thực hiện công khai minh bạch việc thu chi với giáo viên và PHHS. NTB đã tạo được kết quả đào tạo khá tốt thông qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp các năm qua. Đối tượng học sinh nghèo, gia đình học sinh nghèo được nhà trường quan tâm giúp đỡ và chia sẻ. Ngoài ra, NTB là một trường điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng đã vận dụng mô hình để cải thiện cơ sở bằng việc trang bị nhiều trang thiết bị dạy và học. Trên cơ sở này, HĐND TP.HCM sẽ xem xét để nhân rộng”. Trong các kỳ họp hiệu trưởng THPT, nhiều hiệu trưởng bày tỏ muốn được thực hiện mô hình NTB. Cô Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có lần nói: “Làm như NTB các trường rất khỏe không bị áp lực của dư luận. Có những khoản tiền nhà trường thu chỉ để phục vụ con em PHHS nhưng vẫn bị dư luận đặt vấn đề. Bản thân tôi và nhiều hiệu trưởng rất muốn được thực hiện mô hình này”. Đợt khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tháng 3 vừa qua, Trưởng đoàn đại biểu TP.HCM Trần Hoàng Thám đã đánh giá cao mô hình này và ông cho rằng nên nhân rộng khi đoàn đến tìm hiểu việc thực hiện mô hình NTB.
Trần Thanh Quang 

Bình luận (0)