Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Mô hình tư vấn việc làm cho sinh viên: Nên bắt đầu từ trường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM có số lượng sinh viên (SV) đầu vào khoảng 49.000 người và gần 10.000 SV tốt nghiệp có nhu cầu hỗ trợ kỹ năng, tìm việc. Ba năm gần đây, mô hình tư vấn việc làm (TVVL) cho SV đã được hình thành tại 5/7 trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM…

Theo kết quả kiểm định của Bộ GD-ĐT tại 20 trường ĐH, có bốn trường ĐH hàng đầu chưa đáp ứng được các yêu cầu về việc xác định mục tiêu đào tạo. “Hầu hết SV vào ĐH chỉ biết học mà chưa xác định được mình sẽ trở thành người như thế nào, làm gì sau khi tốt nghiệp” ông Thái Bá Cẩn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nhận xét. Vì thế, vấn đề định hướng, TVVL cho SV ngay khi bước chân vào giảng đường, giúp SV lên kế hoạch, bám sát mục tiêu nghề nghiệp được xác định là một trong những chức năng quan trọng của trường ĐH.

 
Hiện nay, những ngày hội việc làm, tập huấn kỹ năng, phỏng vấn tuyển dụng thực hiện định kỳ theo hình thức phong trào vẫn có trong các trường, nhưng sự hiểu biết của SV về thị trường lao động rất thấp. Riêng khối ngành KH-XH-NV, khảo sát trên 246 SV năm cuối, chỉ có 18,3% SV nắm rõ  về ngành nghề được học và hiểu thị trường lao động, còn lại biết một phần hoặc không biết gì. Đây là lý do khiến lao động trình độ ĐH thất nghiệp và làm trái ngành cao hơn nhiều so với lao động các bậc học khác. Tiến sĩ Đỗ Hạnh Nga (Trường ĐH KH-XH-NV) cho rằng: “TVVL cho SV không chỉ là kết quả tìm việc mà phải giúp họ phát triển tư duy theo đúng mức độ và các giai đoạn phù hợp như: khám phá, giới hạn mục tiêu cá nhân, xác định việc muốn làm và không muốn làm, hiện thực hóa mục tiêu bằng việc lên kế hoạch tham gia vào lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể”.
Những ngày hội việc làm thường thu hút sinh viên đến tìm việc.
Ảnh: P.Huy
Bằng các hình thức lập hồ sơ dữ liệu, thống kê nhu cầu tìm việc của SV, mời chuyên gia tư vấn, kết nối thông tin giữa nhà trường và người sử dụng lao động, mô hình TVVL cho SV không chỉ dừng ở việc tìm chỗ làm thêm, giới thiệu nơi thực tập, mà quan trọng hơn là việc hình thành các trung tâm phát triển nguồn nhân lực trẻ, nghiên cứu ứng dụng, giới thiệu sản phẩm của SV để thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, tìm nguồn học bổng cho SV. Cụ thể, tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, mô hình TVVL và hỗ trợ SV đã hợp tác với 50 đơn vị, thực hiện các dự án với tổng giá trị lên đến 11,50 tỷ đồng trong hai năm 2008-2009, trong đó giá trị học bổng là 2,3 tỷ đồng. Thạc sĩ Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết: “Trung tâm đã hình thành một trang web tìm việc trực tuyến với 22.000 SV tiếp nhận thông tin việc học, việc làm hàng tuần, đồng thời phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức kênh thông tin tìm việc của SV phát trên sóng FM mỗi sáng thứ ba, năm, bảy, cùng với mạng lưới tuyển dụng của 500 doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận SV tốt nghiệp và tư vấn kỹ năng tìm việc cho SV”.
Tại Trường ĐH KH-XH-NV, Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực ra đời từ năm 2009, dù còn mới mẻ nhưng đã từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu bằng việc khảo sát nguyện vọng việc học – việc làm của SV, phân loại SV theo ngành, năm học, lập hồ sơ cá nhân để SV có thể tìm việc làm phù hợp trong thời gian đi học hoặc đăng ký tham gia các lớp thực hành kỹ năng. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Loan (Trường ĐH KH-XH-NV): “Nhiều SV khi ra trường cứ làm hàng loạt hồ sơ, đơn xin việc và bản tự giới thiệu, hoặc rập khuôn, máy móc hoặc quá sơ sài, dông dài không điểm nhấn. Nhà tuyển dụng thường than phiền SV không có định hướng công việc rõ ràng, kỹ năng chung chung và thiếu mục tiêu nên dễ dàng chấp nhận công việc và cũng dễ dàng bỏ việc, lãng phí thời gian, tiền bạc cả hai phía. Vì thế, nếu làm công tác tư vấn tốt, sẽ hướng SV có sự chuẩn bị, động cơ học tập tốt hơn, điều này cũng tác động trở lại với giảng viên, những người xây dựng chương trình có bài giảng sống động hơn, thực tiễn hơn”.
Công tác TVVL và hỗ trợ SV tại trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong ba năm qua không chỉ thu hút hàng chục ngàn SV tham gia các sàn tuyển dụng, đầu tư khai thác nguồn nhân lực trẻ bằng chương trình học bổng cho ứng viên tiềm năng với giá trị 1,5 tỷ đồng mà còn thiết lập được mô hình phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho SV qua các khóa tiếp cận thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Kết quả của quá trình tư vấn hướng nghiệp cho SV là những ký kết của nhà trường với các tập đoàn, công ty đa quốc gia về việc thiết lập mối quan hệ trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ thuật, tay nghề cho SV.
Rõ ràng là các mô hình TVVL và hướng nghiệp ở các trường ĐH đang thu hút SV và DN, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và cả hiệu quả xã hội. Đây là mô hình cần triển khai trên diện rộng và hơn thế nữa, cần có sự liên kết giữa các trường, vì lợi ích chung của cả nhà trường – SV và xã hội…
Song Khê / Phụ Nữ

Bình luận (0)