Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Mô hình xe minibus có giải quyết được ùn tắc giao thông?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng, gia tăng phương tiện xe cá nhân, lượng hành khách đi bằng xe buýt liên tục giảm sút, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và Hội Cầu Đường Cảng Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án thí điểm mô hình xe minibus.

Đề án được xem là một trong các giải pháp nhằm thu hút nâng cao, "kéo" người dân đến với các phương tiện vận tải công cộng trong thời gian tới.

Chú thích ảnh

Hành khách lên xe buýt tại trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi (quận 1). Ảnh: Mạnh Linh

Thu gom hành khách trong các hẻm nhỏ

Là người trực tiếp xây dựng đề án, ông Hà Ngọc Trường- Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thực tế mô hình xe minibus đã từng tồn tại ở Tp.Hồ Chí Minh trước năm 1975 với khoảng 2.700 xe lambro 3 bánh chở khách. Một số nước trong khu vực Đông Nam Á cũng sử dụng loại xe dạng này như ở Thái Lan hay Philippines và đã phát huy khá hiệu quả trong việc vận chuyển hành khách.

Theo ông Hà Ngọc Trường, hiện nay, có tới 85% dân số cư ngụ trong các khu vực các hẻm nhỏ, chỉ có chiều rộng thực tế từ 3 – 6m, không phù hợp với xe buýt lớn và xe buýt loại trung, trong khi đó người dân cũng khó xe buýt lớn vì khoảng cách từ nhà ra trạm xe buýt khá xa, trung bình từ 600 – trên 1.000m. Còn khoảng cách hợp lý để tiếp cận xe buýt ở mức 200 – 300m.

Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề này, nhất thiết phải có hệ thống xe minibus để thu gom, trung chuyển hành khách từ các khu vực đường hẻm, đường hẹp ra hệ thống xe buýt của thành phố. Do đó, việc đưa vào hoạt động các xe minibus sẽ giảm khoảng cách đi bộ từ nhà đến trạm xe buýt từ 600m – 1km xuống còn dưới 200m. Các tuyến minibus chạy theo lộ trình vòng khép kín, chạy thường xuyên, không có trạm dừng, lên xuống. Hành khách sẽ lên xuống bất kỳ vị trí nào trên lộ trình theo nhu cầu.

Dưới góc độ người dân, bà Nguyễn Thị Sen, ngụ quận Tân Bình ủng hộ mô hình xe minibus nếu giá rẻ, tiện lợi và an toàn hơn loại hình xe ôm. Cũng theo bà Nguyễn Thị Sen, thành phố triển khai đề án xe buýt mini vào trong hẻm nhỏ cần lưu ý đến việc đảm bảo an toàn giao thông, tránh va chạm xe máy lưu thông và người dân đi lại trong hẻm.

Trong khi đó, theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, xe minibus kết nối với các trục chính giao thông công cộng, phủ sóng đường phố là khả thi loại xe này chạy trong các con hẽm nhỏ, cụt, địa hình không bằng phẳng, dễ gây tai nạn.

Mặt khác, hiện nay hệ thống xe Grabbike với công nghệ tiện lợi, chi phí rẻ hơn so với xe minibus chạy trong các hẻm nhỏ và đi tới điểm đích nhanh hơn… Vì thế, cần có phải khảo sát thực tế địa hình các con hẻm, chi phí đi lại trong mối tương quan với dịch vụ xe ôm công nghệ… Chưa kể đến năm 2019, thành phố sẽ lại bỏ 300 xe buýt nhỏ có chức năng thu gom hành khách đã hết hạn sử dụng.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh có 302 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2017 (296 triệu lượt hành khách). Tuy nhiên, khối lượng vận chuyển hành khách trên các tuyến xe buýt có trợ giá giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2017… Nguyên nhân chính là do phương tiện xe buýt xuống cấp, tình trạng ùn tắc giao thông, đa số người đi xe buýt sống trong các hẽm nhỏ xe buýt lớn không tiếp cận được…

Tập trung xã hội hóa

Về quản lý điều hành loại hình này, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu quản lý (chủ đầu tư) giao cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác, bảo quản phương tiện, tuyển tài xế, điều hành vận tải hành khách…, nếu làm tốt sẽ tiếp tục tham gia đề án, ngược lại thành phố sẽ đấu thầu lại giao cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn…

“Trong 6 tháng đầu vận hành, thành phố sẽ miễn phí vé cho hành khách đi minibus, sau đó áp dụng giá vé 2.000 đồng/lượt chạy suốt tuyến (vé được trợ giá). Trước mắt, đề án đề xuất thí điểm vào trong hẻm rộng 4 – 6m ở các quận gồm quận 1, quận 10 và quận Tân Bình. Mỗi quận đầu tư 10 – 12 xe với giá mức từ 250 – 300 triệu đồng /chiếc bằng nguồn ngân sách thành phố”, ông Hà Ngọc Trường nói.

Về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sau khi đề án mở rộng, theo ông Hà Ngọc Trường, thành phố đề xuất phương án hỗ trợ mức vay tối đa là 70% chi phí mua xe (lãi suất 0% trong 7 năm) với số vốn khoảng 567 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố sẽ miễn toàn bộ các phí khác như phí trước bạ, phí đăng ký biển số, phí đăng kiêm, phí sử dụng đường bộ…và chính sách trợ giá phù hợp trong 10 năm. Cùng với đó, thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ cho đơn vị khai thác như cho vay đề doanh nghiệp vận tải đầu tư mua phương tiện với lãi suất 0% trong 7 năm, hỗ trợ chi phí vận tải trong 6 tháng đầu tiên. Mặt khác, thành phố hỗ trợ cho nhà sản xuất lắp ráp xe thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng, trên cơ sở này giá bán xe sẽ rẻ hơn cho đơn vị mua xe.

Ông Trần Chí Trung cho biết, nếu đề án được thông qua, trước khi thực hiện, Trung tâm sẽ khảo sát kết cấu hạ tầng của từng khu vực dân cư, lấy ý kiến của người dân trước khi triển khai đề án dự kiến vào cuối năm 2018.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và Hội Cầu Đường Cảng Tp. Hồ Chí Minh, loại xe minibus sẽ có 8 – 12 chỗ, loại ghế dọc để thuận tiện lên xuống nhanh ở cửa sau. Xe có kích thước nhỏ (dài gần 4,3m, rộng hơn 1,5m và cao 1,9m), tiêu chuẩn khí thải Euro 4, được trang bị hệ thống vé tích hợp điện tử để liên thông với hệ thống vé của xe buýt và metro. Nếu tính cho toàn thành phố sẽ cần khoảng 2.520 xe để hoạt động cho 360 tuyến.

Thời gian hoạt động của mỗi tuyến từ 4 giờ sáng đến 23 giờ. Mục tiêu của đề án là thu gom, trung chuyển hành khách từ các khu vực hẻm, đường nhỏ ra hệ thống giao thông công cộng, đồng thời đưa đón học sinh trong khu vực nội quận.

Hoàng Hải (TTXVN)

 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)