Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mở học kỳ hè, rút ngắn thời gian học ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Bắt đầu từ năm 2021, quy chế đào tạo ĐH cho phép các trường ĐH có thể tổ chức mỗi năm từ 2 – 3 học kỳ chính, nên sinh viên của nhiều trường không còn khái niệm nghỉ hè như trước đây.

Nhiều trường chuyển từ 2 học kỳ sang 3 học kỳ/năm

Trước năm 2021, việc tổ chức đào tạo của các trường ĐH thực hiện theo Quy chế đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ với mỗi năm có 2 học kỳ chính, mỗi học kỳ chính có ít nhất 15 tuần thực học và 3 tuần thi. Ngoài 2 học kỳ chính, hiệu trưởng các trường xem xét quyết định tổ chức thêm một học kỳ phụ để sinh viên (SV) có điều kiện được học lại, học bù hoặc học vượt. Mỗi học kỳ phụ có ít nhất 5 tuần thực học và 1 tuần thi.

Tuy nhiên, quy chế đào tạo trình độ ĐH năm 2021 quy định mỗi năm có 2 hoặc 3 học kỳ chính với tổng số tối thiểu 30 tuần lên lớp. Ngoài các học kỳ chính, cơ sở đào tạo có thể tổ chức thêm học kỳ phụ. Từ quy định này, nhiều trường ĐH đã tổ chức lại chương trình đào tạo, thay vì chỉ có 2 học kỳ chính như trước đây thì chuyển thành 3 học kỳ chính, và thay vì nghỉ hè 8 – 12 tuần thì SV sẽ chỉ còn nghỉ hè khoảng 2 tuần, hoặc có thời gian nghỉ khoảng 1 tuần giữa các học kỳ tùy vào kế hoạch học tập của mỗi trường.

Sinh viên sẽ tận dụng được thời gian nghỉ hè để học và tham gia thị trường lao động chỉ sau 3 – 3 năm rưỡi. D.T

TS Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết: "Từ năm học 2022 – 2023, một năm học có khoảng 52 tuần thì trường chia làm 3 học kỳ. Đến năm học 2023 – 2024, trường chia thành 3 học kỳ gồm 2 học kỳ dài và một học kỳ ngắn. Tháng 8 là tháng kết thúc mọi hoạt động học tập của SV để chuẩn bị cho năm học mới. Như vậy khoảng thời gian chuyển tiếp giữa 2 năm học là 1 tháng. Cách tổ chức này giúp các khoa bố trí các học phần có tính chất đặc thù một cách phù hợp nhằm giúp người học sắp xếp kế hoạch học tập một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, những SV có tiến độ học tập lệch so với lộ trình đào tạo chuẩn (học vượt, học trả nợ) có thể tận dụng học kỳ 3 này để ưu tiên thực hiện kế hoạch học tập phù hợp".

Tại Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, từ khóa 2021, trường cũng tổ chức giảng dạy 3 học kỳ/năm học. Năm thứ nhất, SV chưa quen với môi trường ĐH nên học kỳ 3 chỉ học giáo dục quốc phòng. Vào năm 2 và năm 3, SV sẽ được học 3 học kỳ/năm. Mỗi học kỳ gồm 12 tuần học và 2 – 3 tuần thi. SV được nghỉ tết 2 tuần và nghỉ hè 2 tuần. Năm 4, SV chỉ học 1 học kỳ (chủ yếu là đi thực tập và một vài học phần tốt nghiệp), sau đó sẽ được xét tốt nghiệp để ra trường.

Từ năm 2022, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng thiết kế chương trình đào tạo một năm học gồm 3 học kỳ thay vì 2 như trước đó. Tuy vậy trường vẫn sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý để đảm bảo thời gian cho SV nghỉ tết, nghỉ hè, các ngày nghỉ theo quy định của nhà nước. Việc này được thông báo từ đầu năm học nên SV có thể chủ động cho kế hoạch học tập và kế hoạch cá nhân.

Trong khi đó, Trường ĐH Gia Định bắt đầu áp dụng chương trình đào tạo 3 năm/8 học kỳ từ năm 2018 đến nay, với năm 1, SV học 2 học kỳ, 2 năm còn lại mỗi năm 3 học kỳ. Theo TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh – truyền thông của trường, trong thời gian tới, trường chuyển sang hệ thống đào tạo theo tín chỉ nên thời gian học còn có thể rút ngắn hơn nữa nếu SV có lộ trình học tập cụ thể, rõ ràng.

Sớm tham gia thị trường lao động

Chia sẻ về những thuận lợi khi tổ chức mỗi năm 3 học kỳ, tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho rằng khối lượng học tập của mỗi học kỳ trong năm học sẽ được giảm tải do số học phần của năm học được phân bổ cho 3 học kỳ thay vì 2 học kỳ như trước đây.

Tại học kỳ 3, trường sẽ ưu tiên cho các học phần doanh nghiệp, thực tập nghề nghiệp tránh ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung với các học phần khác trong cùng một học kỳ. Lợi ích lớn nhất, theo tiến sĩ Tuấn là người học có năng lực học tập tốt có thể hoàn thành chương trình đào tạo và tốt nghiệp sớm.

Nhiều trường tổ chức 3 học kỳ/năm giúp sinh viên rút ngắn thời gian học tập. MỸ QUYÊN

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng nhận định: "Thời gian đào tạo các ngành cử nhân sẽ được rút ngắn từ 4 năm xuống còn 3 năm rưỡi và SV sẽ tốt nghiệp sớm so với học 2 học kỳ/năm. Nhờ vậy, các em sẽ tăng cơ hội tiếp cận công việc, đơn vị tuyển dụng, sớm tham gia vào thị trường lao động. Ngoài ra, khi chia nhỏ nhiều học kỳ dẫn đến số lượng học phần trong mỗi học kỳ sẽ giảm, SV chủ động hơn trong việc đăng ký học phần và kiểm soát tốt quá trình học các môn học; có thêm thời gian để đăng ký học lại, học vượt khi có nhu cầu. Chưa kể việc này giúp thuận lợi hơn trong việc chuẩn bị học phí".

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, việc rút ngắn thời gian học tập ĐH là xu thế tất yếu ở VN và nhiều nước. Tuy rút ngắn thời gian học còn 3 năm rưỡi nhưng SV vẫn được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng như chương trình học 4 năm.

"Trước đây, do nghỉ hè khá dài nên SV bỏ lỡ một khoảng thời gian quý giá. Rút ngắn thời gian học tập, các SV tốt nghiệp sớm có được việc làm sớm hơn 6 tháng so với trước đây. Theo kết quả học tập của SV khóa 2021 của trường, trong đợt xét tốt nghiệp sắp tới có một số em được cấp bằng cử nhân chỉ sau đúng 3 năm học", PGS-TS Vũ chia sẻ.

TS Mai Đức Toàn cũng cho hay khảo sát đầu vào 3 năm gần đây cho thấy có đến 65% SV chọn trường là vì thời gian học rút ngắn còn 3 năm. "Trong lúc bạn bè trường khác còn đang nghỉ hè, SV của trường sẽ tận dụng thời gian này để học tập và nhờ thế hoàn thành chương trình sớm hơn, có thêm cơ hội cạnh tranh việc làm cũng như cơ hội học cao hơn trước bạn bè một năm", TS Toàn nhìn nhận.

Rèn các kỹ năng để đạt hiệu quả học tập

Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng khi học 3 học kỳ/năm học, thời gian được nghỉ giữa các học kỳ trong năm học ít hơn, do đó thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung lưu ý SV cần trang bị một số kỹ năng để đạt kết quả học tập tốt và đảm bảo tiến độ tốt nghiệp. Nhất là kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch dài hạn/ngắn hạn, chọn lọc và sắp xếp thứ tự ưu tiên và kỹ năng chịu áp lực công việc…

"Cân bằng được thời gian nghỉ ngơi và thời gian học tập, giữa việc học tập với những hoạt động ngoại khóa phát triển kỹ năng và năng khiếu cá nhân, giữa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn không chỉ giúp SV dễ dàng làm chủ quãng đời SV của mình, mà còn có thể xây dựng bản lĩnh, sự tự tin khi bước vào môi trường làm việc thực tế sau khi ra trường", thạc sĩ Dung cho hay.

Học kỳ phụ cho SV học vượt, cải thiện điểm

Phần lớn các trường ĐH công lập vẫn chưa tổ chức mỗi năm 3 học kỳ mà vẫn giữ 2 học kỳ chính và một học kỳ phụ (học kỳ hè) như các trường: Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Bách khoa TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Công thương TP.HCM, Nông Lâm TP.HCM…

Theo đó, học kỳ phụ này là không bắt buộc. SV có nhu cầu sẽ đăng ký các học phần học chậm tiến độ ở học kỳ chính, hoặc học lại các học phần chưa đạt, hoặc để cải thiện điểm, hay học vượt các học phần có ở học kỳ sau. PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết hằng năm, học kỳ phụ của trường có khoảng 700 – 800 SV đăng ký học.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM bắt đầu học kỳ hè từ giữa tháng 6, tổng số lượng SV đăng ký học vượt và cải thiện điểm khoảng 10.000 em.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Bình luận (0)